Văn Chấn nỗ lực duy trì sĩ số học sinh
- Cập nhật: Thứ sáu, 17/3/2017 | 8:04:19 AM
YBĐT - Sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Đinh Dậu dài ngày, việc duy trì sĩ số và vận động học sinh đến lớp luôn là vấn đề được các địa phương quan tâm hàng đầu, nhất là các trường học ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Văn Chấn cũng không ngoại lệ.
Một giờ học của cô và trò lớp 1A Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Lành, huyện Văn Chấn.
|
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Lành - một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn, đường liên thôn còn khó khăn, song những tuần học đầu tiên của học kỳ II tỷ lệ học sinh ra lớp đạt khoảng 98%.
Thầy Trần Thanh Sơn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Do địa hình khó khăn, dân cư sống không tập trung nên trường có 4 điểm chính, 1 điểm lẻ. Cũng do đặc trưng vùng miền, sau tết có nhiều lễ cúng, ngày kiêng trong phong tục của đồng bào nhưng chỉ mất 1-2 buổi đầu rời rạc, còn sau đó học sinh ra lớp tương đối đầy đủ, tỷ lệ vắng không đáng kể. Đặc biệt, 100% học sinh bán trú ra lớp đầy đủ”.
Nhà ở bản Tà Lềnh cách trường 6-7km, em Phùng Thị Còi học sinh lớp 5A xuống học theo đúng lịch từ tuần đầu tiên. Em chia sẻ: “Em tự xuống học theo lịch cô giáo dặn từ trước khi nghỉ tết, không để cô phải gọi. Em được học bán trú quen với nếp sinh hoạt rồi. Đi học vui lắm ạ!”.
Cô giáo Nguyễn Thị Hương - giáo viên chủ nhiệm lớp 1A cho biết: “Sau tết, học sinh nghỉ 1 buổi thôi là giáo viên chủ nhiệm chủ động gọi điện thoại trao đổi với phụ huynh học sinh cho các em đi học đúng lịch. Dù các em học sinh trong lớp nhỏ tuổi, nếp sinh hoạt phụ thuộc vào thầy cô rất nhiều, song tỷ lệ chuyên cần của lớp luôn đạt từ 99% trở lên. Sau tết, thời tiết thay đổi, có 1-2 em bị ốm nhưng cũng chỉ nghỉ 1-2 buổi”.
Năm học 2016-2017, toàn trường có 387 học sinh tiểu học và 315 học sinh mầm non. Kết thúc học kỳ I, nhà trường duy trì tốt 29 lớp, không có học sinh bỏ học. Ở bậc mầm non, 100% các nhóm, lớp được tổ chức học 2 buổi/ ngày. Nhóm trẻ thực hiện chương trình giáo dục mầm non theo chương trình lớp mẫu giáo ghép đảm bảo hiệu quả, sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với tình hình địa phương. Hết học kỳ I, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm 8% và tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm 9%.
Theo thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện, sau tết, huyện có 3 học sinh nghỉ học (2 em thuộc Trường THCS Sơn Thịnh và 1 em Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nậm Mười), tỷ lệ chuyên cần đạt 98%.
Cô giáo Trần Thị Ngát - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Thịnh cho biết: “Đến nay, học sinh đã đi học đủ và chuyên cần. Trường hợp 2 học sinh nghỉ học sau tết đều là học sinh lớp 9, do các em đã đi làm ăn xa. Trong đó có 1 em là học sinh đội tuyển của trường. Nhà trường đã đến nhà vận động 5-6 lượt, phối hợp với chính quyền địa phương, Phòng GD&ĐT vận động nhưng từ sau tết gia đình đã cho em đi làm ở Hải Phòng”.
Trường THCS Sơn Thịnh nằm ngay trung tâm huyện, song địa hình rộng, dân cư phân tán cũng là lý do mà sau tết các thầy cô giáo cắt cử giáo viên chủ động làm công tác tuyên truyền, vận động các em ra lớp. Trong đó, đặc biệt lưu ý học sinh ở bản Lềnh 100% là đồng bào Mông còn nhiều khó khăn.
Cô Ngát cho biết thêm: “Đối với học sinh bản Lềnh chúng tôi phải thực sự sát xao, kịp thời nắm bắt tâm tư để động viên, vận động các em đi học. Nhà trường còn có nhiều hoạt động như hỗ trợ xe đạp, sửa xe, hỗ trợ sách giáo khoa, đồ dùng học tập... để tới trường thuận lợi”.
Năm học 2016 - 2017 là năm đầu tiên thực hiện Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020 dù còn nhiều khó khăn, song Phòng GD&ĐT huyện đã tích cực tham mưu cho huyện thực hiện tốt các mục tiêu phát triển giáo dục, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mở rộng quy mô trường lớp, nâng cao điều kiện cho việc tổ chức các hoạt động dạy và học, huy động và duy trì số lượng học sinh trong độ tuổi ra lớp, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục...
Thầy giáo Phan Thanh Hải - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Chấn cho biết: “Trước khi nghỉ tết, Phòng đã chỉ đạo các nhà trường tích cực triển khai nhiều giải pháp, phối hợp với chính quyền các địa phương xuống tận thôn, bản để tuyên truyền cho phụ huynh về thời gian bắt đầu đi học trở lại. Đồng thời, chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch cụ thể để vận động học sinh ra lớp, chú ý đến những học sinh có nguy cơ bỏ học, kịp thời tìm hiểu nguyên nhân và có giải pháp tuyên truyền, vận động phù hợp. Chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm túc việc dạy và học theo quy định, chú trọng tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao hấp dẫn để thu hút học sinh ra lớp; đối với các trường có học sinh bán trú đã quan tâm ổn định chỗ ăn, ở và tổ chức các hoạt động bán trú thu hút học sinh tham gia”.
Với những nỗ lực đó, học sinh trên địa bàn huyện Văn Chấn đã ra lớp đầy đủ, tiến độ kế hoạch giáo dục trên địa bàn huyện được đảm bảo, góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của địa phương.
Thanh Ba
Các tin khác
YBĐT - Những ngày tháng 3, không khí làm việc tại Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Yên Bình đang hết sức khẩn trương, tất cả cán bộ công chức BHXH huyện đang nỗ lực triển khai rà soát, nhập thông tin về quá trình đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động (NLĐ) vào phần mềm quản lý, tiến tới thực hiện chuyển giao sổ BHXH cho NLĐ theo Luật BHXH xong trong quý II/2018.
YBĐT - Nguyên nhân là do đa số các em có học lực yếu, thiếu sự quan tâm của bố mẹ do phải đi làm ăn xa. Cá biệt có trường hợp học sinh của Trường THCS Phúc Lợi sinh năm 2003 nghỉ học để lấy vợ.
Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã quyết định triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2017 với chủ đề: “Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; Kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu”.
YBĐT - Trung bình mỗi năm, Trung tâm lấy hàng trăm mẫu thuốc để thực hiện xét nghiệm, các mẫu thuốc được tiến hành lấy ở nhiều địa bàn, từ thành thị đến nông thôn, thuốc bán ở các hiệu thuốc tư nhân và thuốc trong các bệnh viện.