Cảnh giác với thực phẩm kinh doanh trên mạng
- Cập nhật: Thứ năm, 30/3/2017 | 7:59:57 AM
YBĐT - “Đánh trúng” tâm lý của người tiêu dùng là thuận tiện và nhanh chóng; sử dụng triệt để lợi thế của mạng xã hội; không cần đăng ký kinh doanh, cũng không cần có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của cơ quan chức năng - kinh doanh thực phẩm (KDTP) trên mạng dường như đang trở thành một nghề thịnh hành hiện nay.
Chỉ cần thao tác đơn giản, người tiêu dùng đã nhanh chóng đặt mua được thực phẩm trên mạng mà chủ quan về an toàn vệ sinh thực phẩm.
|
Tuy nhiên, hình thức KDTP này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ không bảo đảm ATVSTP, gây hại tới sức khỏe mà xuất phát chính từ sự chủ quan và thói quen mua hàng của người tiêu dùng.
Đối tượng của hình thức KDTP trên mạng vô cùng phong phú. Ngoài việc “nhắm” đến các đối tượng là dân công sở ít thời gian hay một bộ phận lớn giới trẻ thì đối tượng mà KDTP trên mạng chú ý tới là những bà nội trợ không có thời gian đi chợ.
Các mặt hàng KDTP trên mạng đa dạng chẳng kém gì các mặt hàng ngoài chợ hay trong siêu thị. Từ rau, thịt, hoa quả cho đến các loại đồ ăn vặt, đặc sản vùng miền như: chè, bánh, kẹo, thạch..., loại nào cũng được quảng cáo và khẳng định tươi ngon, đảm bảo an toàn và tất nhiên là có giao hàng tận tay, tận nhà.
Chị Lê Hồng Anh, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái - người thường xuyên mua hàng trên mạng chia sẻ: “Mua hàng trên mạng nói chung luôn được nhiều người quan tâm, thích thú và tìm đến bởi quảng cáo bắt mắt và sự tiện lợi sẵn có. Không chỉ khách hàng ở khu vực thành thị dễ dàng tiếp cận với dịch vụ KDTP này mà ngay cả khách hàng ở khu vực nông thôn cũng được đáp ứng nhu cầu nhanh chóng".
"Kinh nghiệm của tôi khi mua thực phẩm trên mạng là mua lần đầu để kiểm định chất lượng, nếu ngon thì mua tiếp và ghi vào sổ tay các địa chỉ uy tín. Chứ nói thật, chất lượng mua thực phẩm trên mạng được đo bằng niềm tin với người bán hàng mà thôi!” - chị Anh cho biết.
Thực tế, không phải khách hàng nào cũng có kinh nghiệm và may mắn tìm được địa chỉ tin cậy như chị Hồng Anh. Đã có khách hàng gặp phải trường hợp đáng tiếc như chị Hoàng Thị Thu Hiền, tổ 8, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái.
Chị Hiền chia sẻ: “Tôi từng đặt bánh sinh nhật ở một địa chỉ trên Facebook. Trong hình, chiếc bánh kem trông rất ngon và đẹp mắt. Tuy nhiên, khi nhận hàng, chiếc bánh vừa nhỏ vừa trang trí không hề giống như quảng cáo. Sau lần đó, tôi không còn mấy tin tưởng vào việc mua thực phẩm, đồ ăn trên mạng”.
Được biết, theo quy định của Bộ Công thương, bắt đầu từ ngày 20/1/2015, mọi hoạt động kinh doanh qua mạng sẽ phải kê khai thông tin và đóng thuế. Cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin như tên, địa chỉ, số điện thoại của người bán, mã số thuế cá nhân (nếu có)… cho chủ sàn giao dịch thương mại điện tử khi đăng ký sử dụng dịch vụ; cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ theo quy định khi bán hàng hóa; đảm bảo tính chính xác, trung thực về thông tin của hàng hóa, dịch vụ cung cấp hàng hóa trên sàn giao dịch thương mại điện tử; tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán, quảng cáo, khuyến mãi, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định của pháp luật có liên quan khác khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử...
Tuy nhiên, thời điểm này, việc quản lý kinh doanh nói chung và KDTP trên mạng nói riêng vẫn đang hoạt động “vô tư”. Vì vậy, nguy cơ “thực phẩm bẩn”, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng đang khiến các cơ quan chức năng khó kiểm soát.
Khó truy xuất nguồn gốc, không có bằng chứng chắc chắn đảm bảo các sản phẩm được nhập từ một cơ sở sản xuất an toàn. Đó là còn chưa kể đến, quá trình vận chuyển thực phẩm có được bảo quản trong các thiết bị vận chuyển chuyên dụng hay không?
Bởi vậy, hình thức KDTP trên mạng được đánh giá là không khác gì thực phẩm đường phố. Trước khi có sự kiểm soát, vào cuộc của các cơ quan chức năng, hơn ai hết chính người tiêu dùng cần cân nhắc và cảnh giác trước khi sử dụng những loại thực phẩm theo hình thức kinh doanh này.
Mai Linh
Các tin khác
YBĐT - Không chỉ tạo công ăn việc làm, giúp những người nhiễm HIV hòa nhập cộng đồng, hoạt động cho vay vốn tạo sinh kế cho người nhiễm HIV còn mang ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc.
Bộ Giáo dục- Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố 63 cụm thi THPT quốc gia 2017 trên cả nước do các sở GD-ĐT chủ trì. Theo đó, tham gia coi thi, chấm thi là giáo viên các trường phổ thông và cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ có ngành đào tạo giáo viên.
Theo Kế hoạch, tỉnh Yên Bái sẽ áp dụng Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản-Nhi, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố; trạm ytế các xã, phường, thị trấn; khoa sản các bệnh viện tư nhân, bệnh viện ngành; các cơ sở y tế có triển khai tiêm phòng viêm gan B sơ sinh; các cơ sở tiêm chủng dịch vụ.