Cảm thông với phái yếu gánh việc nặng

  • Cập nhật: Thứ tư, 5/4/2017 | 1:55:58 PM

YBĐT - Vì cuộc sống gia đình với nỗi lo “cơm áo gạo tiền” đè nặng trên vai, nhiều người phụ nữ chân yếu tay mềm chấp nhận làm những công việc vất vả, nặng nhọc vốn chỉ dành cho đàn ông.

Nghề “phu gạch” là công việc nặng nhọc, vất vả đối với người phụ nữ.
Nghề “phu gạch” là công việc nặng nhọc, vất vả đối với người phụ nữ.

Đầu đội chiếc nón lá kèm theo chiếc khăn bao kín khuôn mặt, các chị đang cặm cụi làm cái công việc mà ai nhìn thấy cũng ái ngại, đó là “phu gạch”. Những chồng gạch chất cao ngất, từng người phụ nữ bốc những viên gạch từ lò chuyển ra bên ngoài, xếp thành những trụ vuông vắn. Công việc cứ thế diễn ra đều đặn, nhịp nhàng dù cho cái nắng thiêu đốt và những giọt mồ hôi đẫm cả thân người.

Chị Nguyễn Thị Thủy ở Hợp Minh (thành phố Yên Bái) đã làm công việc “phu gạch” này hơn chục năm nay chia sẻ: “Công việc hàng ngày của tôi là chuyển gạch vào lò rồi lại từ lò chuyển ra ngoài rồi bốc xếp gạch lên xe. Chúng tôi được sắp xếp luân phiên làm 1 trong 2 ca, ca 1 từ 6 giờ sáng đến 2 giờ chiều, ca 2 từ 2 giờ chiều đến 10 giờ đêm. Công việc vất vả là vậy nhưng chúng tôi cũng chỉ thu nhập được từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng. Nghe tưởng chừng rất đơn giản ai cũng có thể làm được nhưng để gắn bó được lâu dài thì phải có sức khỏe nên công việc này thường dành cho đàn ông. Nhưng cũng vì miếng cơm manh áo mà chị em tôi gắn bó với nó, làm nhiều thì lại yêu nó”.

Không chỉ có nghề “phu gạch”, nghề phụ hồ cũng thường được dành cho cánh đàn ông sức dài vai rộng. Nhưng có không ít những người phụ nữ cũng bám theo nghề này dẫu vất vả gấp cánh đàn ông hàng chục lần. Hiện nay ở các công trình xây dựng, nhất là công trình xây dựng nhà ở thì hình ảnh những phụ nữ phụ hồ không còn xa lạ.

Chị Đặng Thị Hảo ở xã Việt Cường (Trấn Yên) cho biết: “Chồng tôi làm thợ xây nên lúc đầu là đi làm phụ chồng nhưng làm nhiều quen việc nên bây giờ nó trở thành nghề chính của tôi. Gắn bó với nghề này hơn 10 năm rồi, nói chung rất cực, nhưng mỗi ngày tôi chỉ kiếm được nhiều nhất là 200.000 đồng. Hôm nào đi làm thì còn có tiền để thêm vào trang trải cuộc sống, nghỉ thì túng thiếu lắm nên dù nhiều hôm mệt tôi cũng không dám nghỉ”.

Cực nhọc là thế, nhưng vì đây là nghề tự do, không được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động nên có rất nhiều mối nguy hiểm rình rập, nhẹ thì dẫm phải đinh, trầy xước, bong gân, trật khớp, nặng hơn thì gãy tay, chân, có khi đe dọa cả tính mạng. Tuy nhiên, đa phần trong số họ vì không có hợp đồng lao động nên khi xảy ra tai nạn thì họ phải tự bỏ tiền mua thuốc, có khi còn bị mất việc do nghỉ lâu ngày nên người chủ đã tìm người khác thay thế.

Khác với những công việc nặng nhọc, vất vả bằng tay chân, nhiều chị em còn đang phải làm việc trong môi trường độc hại, có khi còn ảnh hưởng đến quyền làm mẹ thiêng liêng của người phụ nữ. Chị Trương Thị Thúy ở xã Giới Phiên (thành phố Yên Bái) đang làm việc tại Công ty cổ phần Phân bón nung chảy Văn Điển. Công việc hàng ngày của chị thường xuyên phải tiếp xúc với các hóa chất độc hại nên có lẽ đó cũng là nguyên nhân khiến chị đã lấy chồng hơn 5 năm mà vợ chồng chị vẫn chưa có tin vui.

Chị Thúy cho biết, gần chục năm trước, chị học chuyên ngành Phân tích ở Trường Cao đẳng Hóa chất (nay là trường Đại học Công nghiệp Việt Trì). Lúc ấy cả lớp có hơn 30 người mà số người nữ chỉ đếm trên đầu tay. Bản thân chị cũng biết theo học ngành nghề này sẽ phải tiếp xúc với các hóa chất độc hại nhưng chưa bao giờ chị nghĩ rằng công việc lại ảnh hưởng đến cuộc sống của chị đến vậy và chị đang dần mất đi khả năng làm mẹ của bản thân. Nhưng giờ có muốn chuyển sang làm nghề khác thì chị cũng không biết phải  làm gì để trang trải cuộc sống. 

Trong xã hội còn rất nhiều phụ nữ vì cuộc sống mà phải chấp nhận bươn trải làm những công việc vất vả, nặng nhọc mà dường như chỉ dành cho đàn ông. Dù vậy, họ đều bằng lòng với cuộc sống hiện tại bởi đối với họ, việc đổ mồ hôi để kiếm được những đồng tiền chân chính là điều tất yếu của cuộc sống.

Hoài Anh

Các tin khác

YBĐT - Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã đã có 5 trường hợp tảo hôn, trong đó UBND xã đã lập biên bản xử lý 4 trường hợp. Hầu hết các trường hợp tảo hôn đều ở độ từ 16 - 17 tuổi là đồng bào dân tộc Dao.

Các thí sinh sẽ có nhiều kênh hỗ trợ để đăng ký dự thi.

Nhằm cung cấp thông tin và giải đáp các thắc mắc của thí sinh, phụ huynh và các tổ chức, cá nhân liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố hệ thống thông tin hỗ trợ công tác thi và tuyển sinh năm 2017.

Giáo dục pháp luật cho học sinh ngay từ nhỏ góp phần hình thành hành vi ứng xử theo chuẩn mực pháp luật quy định. (Trong ảnh: Giờ học môn Đạo đức của học sinh Trường Tiểu học Hồng Thái, thành phố Yên Bái).

YBĐT - Thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong nhà trường”, thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Sở Tư pháp ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, trường học trong ngành xây dựng kế hoạch tuyên truyền, PBGDPL đến toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên.

YBĐT - Anh Hờ A Xà - cán bộ văn hóa xã Bản Công chia sẻ: “Đi học về tôi biết cách làm sao để thuyết phục bà con mình xóa bỏ các hủ tục, giờ trên địa bàn tôi phụ trách không còn thách cưới, bỏ lệ cúng bái nhiều ngày trong đám ma, không để người chết trong nhà lâu ngày như trước nữa”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục