Nghề làm hương của người Tày
- Cập nhật: Thứ tư, 12/4/2017 | 12:15:58 PM
YBĐT - Thường người Tày làm hương nhiều nhất vào tháng Mười một hoặc tháng Chạp âm lịch để đón tết Nguyên đán. Hương của người Tày vừa thơm đậm vừa dịu ngọt, hương thơm tự nhiên, dễ chịu.
Tục đốt hương trong những ngày lễ tết là nét văn hóa đặc sắc trong đời sống tâm linh của người Việt Nam. Cùng một số dân tộc khác, dân tộc Tày có truyền thống làm hương từ rất lâu.
Nguyên liệu làm hương là một loại cây thuộc họ dây leo, lá nhỏ, mọc ở đồi thấp gọi là cây hương. Cây hương chỉ lấy nguyên lá, một phần có tác dụng lấy mùi thơm, một phần tạo chất keo kết dính. Một nguyên liệu nữa thuộc thân gỗ, mọc trên rừng, còn gọi là cây quế hương hay quế rừng. Quế hương được bóc lấy vỏ.
Bột vỏ cây quế hương có tác dụng làm chất cháy và tỏa mùi thơm khi đốt. Lá cây hương và vỏ cây quế hương được giã riêng, thật mịn bằng cối đá, sau đó đem sàng lọc kỹ lưỡng, được trộn với nhau theo tỉ lệ 1:3.
Cán hương được làm từ cây tre, nứa hoặc vầu, ngâm dưới ao từ nửa tháng trở lên, sau đó bổ ra, bỏ phần cật và ruột rồi chẻ nhỏ, phơi nắng cho thật khô để hương cháy tốt, không bị tắt giữa chừng (nếu tắt giữa chừng thì không tốt theo quan niệm tâm linh). Một điều kiêng kỵ khi chẻ cán hương là phải phân biệt đâu là phần gốc, đâu là phần ngọn để tránh hương thắp bị lộn ngược.
Để phân biệt, người ta thường nhuộm đỏ phần gốc của cán hương. Với tâm niệm đồ dâng lên các bậc tổ tiên, thần thánh phải thanh sạch nên người làm hương cũng phải có tấm lòng thanh tao, trong sạch. Người làm hương chỉ được phép ngồi ở gian nhỏ, kín gió, không tiếp xúc với người ngoài, tránh uế tạp và gió làm bay bột.
Công đoạn quan trọng và vất vả nhất là se hương. Trước mặt người làm hương buộc một ống nước sạch vừa tầm tay nhúng; hai bên là hai loại bột trải đều trong nia: bột xanh của lá cây hương và bột nâu đỏ của vỏ cây quế hương.
Vì bột hương rất nhặm nên người làm hương phải lấy khăn bịt kín mặt. Người làm hương dùng cán hương nhúng vào ống nước cho ướt rồi lăn qua lớp bột màu xanh cho đều. Khi đã có độ kết dính người làm hương lại nhúng nhanh cán hương qua ống nước rồi lăn lên lớp bột màu nâu đỏ. Cứ như vậy, người làm hương lăn đều trên hai loại bột cho đến khi thành que hương. Lớp bột cuối cùng là là bột màu nâu đỏ của vỏ cây quế hương.
Sau khi se hương xong, hương được đem phơi trên nong hoặc giàn phơi, chỗ thoáng gió hoặc nắng nhẹ, tránh ánh nắng gắt. Phơi khoảng một tuần, tùy theo thời tiết, thắp hương thử thấy cháy đều là được. Hương sau khi phơi được bó thành bó, cuộn trong giấy hoặc lá chuối khô để trên gác bếp.
Thường người Tày làm hương nhiều nhất vào tháng Mười một hoặc tháng Chạp âm lịch để đón tết Nguyên đán. Hương của người Tày vừa thơm đậm vừa dịu ngọt, hương thơm tự nhiên, dễ chịu. Trước đây, người Tày chỉ dùng những nén hương do chính người dân tộc mình làm ra.
Ngày nay, do trên thị trường có nhiều loại hương, mặt khác do nguyên liệu làm hương khan hiếm, làm hương truyền thống lại đòi thủ công, công phu, tỉ mỉ nên nghề làm hương truyền thống của người Tày đã dần mai một, rất cần được bảo tồn.
Hoàng Thị Na
Các tin khác
YBĐT - Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp và Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin, sự hỗ trợ từ cộng đồng và sự nỗ lực vượt khó của bản thân trong phát triển kinh tế, đời sống của những nạn nhân da cam/Dioxin ở Trấn Yên đã dần được cải thiện.
YBĐT - Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Yên Bái vừa tổ chức sơ kết 3 năm (2014-2016) thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ” và tuyên dương những điển hình tiên tiến trong thực hiện Cuộc vận động.
YBĐT - Sáng 12/4, Sở Y tế tỉnh Yên Bái phối hợp với tổ chức Marie Stopes International Việt Nam (MSV) tổ chức Hội thảo khởi động Dự án MS Ladies.
YBĐT - Với những đổi mới trong công tác quản lý, Trường THPT thị xã Nghĩa Lộ được Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá "Đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ II". Tháng 8/2014, nhà trường được UBND tỉnh Yên Bái công nhận đạt tiêu chuẩn Trường THPT đạt chuẩn quốc gia.