Nuôi bền sức sống văn hóa đọc

  • Cập nhật: Thứ sáu, 14/4/2017 | 6:43:56 AM

YBĐT - Bạn hãy cất những thiết bị liên quan đến thế giới ảo, mở một cuốn sách ra đọc để cảm nhận giá trị cuộc sống và bổ sung thêm năng lượng cho tâm hồn.

Hiệu “Sách cũ Yên Bái” là địa chỉ quen thuộc của những tâm hồn yêu sách.
Hiệu “Sách cũ Yên Bái” là địa chỉ quen thuộc của những tâm hồn yêu sách.

Trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại, công nghệ thông tin phát triển, chỉ cần chạm nhẹ lên màn hình điện thoại thông minh hay nhấp chuột trên máy tính kết nối Internet là cả kho sách khổng lồ đã hiện ra trước mắt. Giữa nhiều sự lựa chọn hấp dẫn của thời đại công nghệ số vẫn còn đó không ít người vẹn nguyên niềm đam mê với sách, giữ thói quen đọc sách và mong muốn tình yêu với sách được lan tỏa đến mọi người, mọi nhà bởi điều quan trọng là sách vẫn có vai trò không thể thay thế.

Sách in vẫn cuốn hút

Vào buổi chiều mỗi ngày, ở cửa hàng “Sách cũ Yên Bái” số 945, đường Yên Ninh, thành phố Yên Bái đông vui, nhộn nhịp. Đây là nơi tụ họp của những tâm hồn yêu sách. Hiệu sách này do cô chủ Lê Thúy Hằng mở từ tháng 5/2016.

Xuất phát từ niềm đam mê với sách cũng như bắt đúng nhu cầu của độc giả ở nhiều độ tuổi khác nhau, Hằng đã lang thang các phố sách cũ ở Hà Nội để tìm kiếm những cuốn sách “cũ về hình thức nhưng giá trị vẫn còn nguyên”.

Kết hợp cùng tủ sách gom góp suốt những năm ngồi trên ghế nhà trường, Hằng đã hình thành một cửa hàng sách cho riêng mình. Không gian sách không quá rộng song với cách bài trí khoa học, độc giả dễ dàng lựa chọn được tác phẩm cần tìm.

Tự hào với hiệu sách nhỏ của mình, Hằng hứng khởi: “Ban đầu sưu tập sách chỉ là từ niềm đam mê nhưng vì mê nên mình mua ngày càng nhiều. Nhà lại không còn chỗ nên mình quyết định mở cửa hàng sách cũ để thêm chỗ để, thỏa sức mua sách và cũng là có một không gian riêng cho những người chung sở thích cùng giao lưu, trao đổi và lan tỏa tình yêu sách đến với mọi người”.

Ông Phạm Văn Thịnh ở phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái tìm cho mình cuốn sách “Nhà giả kim” của tác giả Paulo Coelho cho biết: “Tôi rất thích đọc sách bởi sách mang lại nguồn tri thức vô giá. Giờ đã ở tuổi ngoài 60, niềm vui tuổi già của tôi giờ chỉ gửi trong những cuốn sách. Ở hiệu sách cũ này, tôi thường tìm được nhiều cuốn sách quý không tái bản, dù đã sờn rách song vẫn ẩn chứa giá trị của thời gian”.

Cùng với người lớn tuổi, không gian sách không thể thiếu vắng các bạn trẻ, học sinh, sinh viên. Nhiều độc giả trẻ đến với các cửa hàng sách để kiếm tìm cho mình những nguồn tư liệu quý cho việc học tập.

Em Phạm Hải Yến - lớp 10 Anh, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành bày tỏ: “Hiện nay, đa phần các bạn đọc trên ebook (sách điện tử) nhưng bản thân em thì thích đọc trên sách in hơn. Như vậy, em sẽ không bị phân tâm bởi những thứ hấp dẫn xung quanh mà mạng xã hội mang lại”. Có thể thấy, đó là một tín hiệu vui khi trong thời đại số hóa, giá trị của những cuốn sách in vẫn đang được lan tỏa, góp phần nuôi bền sức sống văn hóa đọc.

Nâng bước tri thức

Có thể nói, đọc sách là một thói quen rất ý nghĩa, giúp mọi người tiếp cận được với thông tin, tri thức phù hợp, hữu ích nhất cho cuộc sống của mình. Xây dựng văn hóa đọc từ gốc - từ các em học sinh là việc làm vô cùng cần thiết.

Để mang đến cho các em học sinh một khu vườn tri thức đầy màu sắc, khơi dậy niềm đam mê đọc sách, đồng thời góp phần phát triển văn hóa đọc trong môi trường học đường, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Văn Chấn duy trì mô hình “Thư viện xanh” từ nhiều năm nay. Vào những giờ ra chơi, học sinh ở các lớp lại tập trung về “Thư viện xanh” để lựa chọn những cuốn sách, truyện mà các em yêu thích và trao đổi cùng bạn bè, tạo sự thân thiện giữa thầy và trò, giữa học sinh với học sinh.

Cô giáo Sầm Thị Minh Khuyên - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Văn Chấn cho biết: “Để giáo dục tình yêu sách và văn hóa đọc cho học sinh, cùng với chú ý đổi sách, báo mới hàng tuần thì nhà trường còn luôn sinh động trong cách bài trí để mọi học sinh dễ dàng tiếp cận với sách, báo. Từ đó, giúp các em hiểu thêm kiến thức về khoa học, tự nhiên, xã hội, rèn luyện thói quen đọc, phát triển tư duy, góp phần hình thành nhân cách cho học sinh”.

Còn với Trường Tiểu học Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái, ngoài thư viện chung, nhà trường đã khuyến khích các lớp xây dựng những tủ sách thân thiện ngay tại từng lớp học. Nhờ vậy, mỗi học sinh dễ dàng và chủ động lựa chọn thời gian đọc sách trong lúc rảnh rỗi.

Đọc không chỉ riêng trong Ngày Sách

Thực tế cho thấy, nhu cầu đọc sách của nhiều người từ lâu đã bị xếp sau các nhu cầu giải trí khác như: lướt web, Facebook, xem phim... Bởi vậy, để rèn luyện thói quen này thật không dễ dàng! Cùng với việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, các cấp, các ngành trong tỉnh đã có nhiều cố gắng trong nâng cao chất lượng phục vụ, thường xuyên bổ sung sách, báo và tăng cường công tác phục vụ sách lưu động tại các trường học, các khu vực công cộng, mở rộng mạng lưới phát hành xuất bản phẩm nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa...

Cùng với đó, để đáp ứng nhu cầu đọc, xem, mua sách, báo của người dân, tỉnh Yên Bái có một hệ thống phục vụ văn hóa đọc rộng khắp từ tỉnh đến cấp xã, gồm: hệ thống phát hành sách và khoảng 50 cơ sở phát hành sách tư nhân; hệ thống thư viện cấp tỉnh, cấp huyện và trên 150 thư viện trường học; mạng lưới bưu điện phát hành báo chí cấp tỉnh, cấp huyện và các điểm bưu điện văn hóa xã.

Chị Lê Thị Thu Hường - Phó Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: “Khi cuộc sống ngày càng hiện đại, thời gian đọc sách của mỗi người dường như càng giảm dần. Cái gì nhanh, cái gì tiện sẽ được bạn đọc lựa chọn đã đặt ra thách thức lớn cho hệ thống thư viện. Lượng bạn đọc đến với thư viện đông nhất vẫn là đối tượng thiếu nhi hoặc người lớn đến thì cũng chỉ để mượn những cuốn sách cần tham khảo chứ mọi người chưa có thói quen đọc sách để tích lũy kiến thức, trau dồi ngôn ngữ".

"Để niềm đam mê đọc sách lan tỏa tới mọi người, mọi nhà, không chỉ riêng trong Ngày Sách, chúng tôi đã đẩy mạnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu sách và văn hóa đọc đến nhân dân trong toàn tỉnh" - chị Hường trao đổi.

Đáng phấn khởi là nếu năm 2015, chỉ gần 1.300 bạn đọc được cấp thẻ thì năm 2016 con số đó tăng lên 1.700 thẻ bạn đọc. Cùng với đó, Thư viện tỉnh đã tích cực bổ sung sách mới, tổ chức 180 lượt xe thư viện lưu động phục vụ 36.220 lượt bạn đọc với 65.329 lượt sách báo luân chuyển trong năm 2016. Những nỗ lực ấy đã từng bước đáp ứng nhu cầu đa dạng của bạn đọc trong việc tiếp cận thông tin, văn hóa và tri thức.

Đọc là một công việc cần sự kiên trì được tạo ra từ sở thích và niềm say mê. Do đó, cùng với sự cố gắng của các cấp, các ngành thì điều quan trọng là mỗi người hãy tự rèn luyện thói quen đọc sách, khả năng lựa chọn sách và cách đọc sách hàng ngày.

Hãy dành thời gian cho những cuốn sách để mở mang kiến thức và thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn như nhà văn, nhà triết học, xã hội học và sử học Pháp Môngtexkiơ đã nói: “Thích đọc sách tức là biết đánh đổi những giờ phút buồn tẻ không thể tránh được trong cuộc đời lấy những giờ phút kì thú”.

Bạn hãy cất những thiết bị liên quan đến thế giới ảo, mở một cuốn sách ra đọc để cảm nhận giá trị cuộc sống và bổ sung thêm năng lượng cho tâm hồn!

Tác giả văn xuôi  Nguyễn Thị Ngọc Yến - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh:

Văn hóa đọc ngày nay có nhiều thay đổi, mang tính thích nghi với thời đại, đó là tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, vội vàng, gấp gáp. Dường như văn hóa đọc theo kiểu truyền thống chỉ còn dành riêng cho những nhà chuyên môn, cho người viết và một bộ phận rất nhỏ độc giả thực sự yêu và quan tâm đến sách.

Điều này gióng lên một hồi chuông lớn, phải làm thế nào để việc đọc, văn hóa đọc trở lại theo đúng nghĩa ban đầu. Điều này cũng liên quan đến rất nhiều các yếu tố khác nhau xuất phát từ các chủ thể chính: người viết, nhà xuất bản (truyền thông) và người đọc.

 

 

 Em Hoàng Thu Hiền - học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành:

Do thời gian học tập bận rộn nên khi cần tìm hiểu thông tin, chúng em thường tìm qua công cụ Google và chỉ tìm đến những cuốn sách khi không tìm thấy thông tin trên mạng. Ngày Sách Việt Nam năm nay được tổ chức tại Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành đã giúp chúng em được tiếp cận với nhiều loại sách, báo.

Em mong sẽ có nhiều hơn nữa những triển lãm sách như thế để chúng em có thêm hiểu biết và hành trang tốt cho tương lai của mình”.

 Thanh Chi

Các tin khác
Giáo viên hướng dẫn học sinh lớp 12 ôn luyện tại Trường THPT Sơn Thịnh, Văn Chấn.

YBĐT - Cũng như tất cả các đơn vị trường THPT trong toàn tỉnh, thầy và trò Trường THPT Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn đã bắt tay vào công tác chuẩn bị cho kỳ thi theo hướng tập trung ôn luyện song song với việc hoàn thành kế hoạch chương trình.

Cán bộ Bảo hiểm xã hội huyện Yên Bình tuyên truyền chính sách BHYT hộ gia đình đến người dân.

YBĐT - Để hoàn thành nhiệm vụ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) theo đúng lộ trình kế hoạch được giao, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Yên Bình tích cực triển khai nhiều giải pháp phát triển loại hình bảo hiểm này.

Quang cảnh lớp tập huấn

YBĐT - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái vừa tổ chức lớp bồi dưỡng nâng cao nhận thức và nghiệp vụ cho lãnh đạo, cán bộ làm công tác chỉ đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ của tỉnh.

Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè 2017 có chủ đề chung tay xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh (ảnh minh hoạ).

Nhằm phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của thanh niên trong việc tham gia phát triển kinh tế-xã hội; đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh ở những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, Trung ương (T.Ư) Đoàn tổ chức Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè 2017 có chủ đề “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh” từ 1/6 đến 31/8.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục