Mãi mãi là niềm tự hào
- Cập nhật: Thứ bảy, 29/4/2017 | 9:20:23 AM
YBĐT - Sau 42 năm kể từ Đại thắng mùa xuân năm 1975, “Bắc Nam sum họp một nhà”, Yên Bái đã có nhiều đổi thay, kinh tế - xã hội phát triển không ngừng, cuộc sống người dân ngày thêm no ấm…
Những người lính của các tiểu đoàn Yên Ninh năm xưa trong ngày gặp mặt.
|
Nhưng điều đó không thể xóa đi những ký ức về một thời oanh liệt “Nam tiến” của bao lớp thanh niên Yên Bái với quyết tâm giải phóng miền Nam.
Những con đường, những tên phường, tên rạp, tên trường học... mang tên Yên Ninh trên địa bàn thành phố Yên Bái luôn gợi trong mỗi người nhớ về niềm tự hào, tình đoàn kết gắn bó anh em giữa hai tỉnh Yên Bái - Ninh Thuận và những người lính của các tiểu đoàn Yên Ninh năm xưa, theo tiếng gọi của non sông lên đường vào Nam đánh Mỹ.
Thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, ở miền Bắc, cùng với các phong trào thi đua như “Sóng Duyên Hải” trong công nghiệp, “Gió Đại Phong” trong nông nghiệp, “Cờ ba nhất” trong lực lượng vũ trang, “Hai tốt” trong trường học, “Thầy thuốc như mẹ hiền” trong ngành y tế, “Ba cải tiến” trong các cơ quan, "Ba đảm đang" trong phụ nữ, "Ba sẵn sàng" trong thanh niên, miền Bắc còn tổ chức các phong trào “Vì miền Nam ruột thịt” gắn bó hậu phương - tiền tuyến lớn, thắm đượm nghĩa tình Bắc - Nam để làm nên sức mạnh núi sông liền một dải đi đến ngày toàn thắng của dân tộc.
Nổi bật là phong trào kết nghĩa Bắc - Nam giữa các thành phố, các tỉnh miền Bắc với các thành phố, các tỉnh miền Nam như: Hà Nội - Huế - Sài Gòn đã đi vào câu ca “Hà Nội - Huế - Sài Gòn như cây một gốc, như con một nhà”, Hải Phòng - Đà Nẵng (Hải Phòng - Đà Nẵng - nặng lòng tình nghĩa)...
Cùng với cả nước, sau lời tổng động viên của Bác Hồ tháng 7/1967: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người...”, “Tất cả chi viện cho tiền tuyến...”, “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập...”, tiếp nối truyền thống anh hùng, Đảng bộ, chính quyền nhân dân các dân tộc Yên Bái đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ cùng cả nước tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Với tinh thần "tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", quân và dân Yên Bái vừa sản xuất vừa chiến đấu vừa sẵn sàng chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.
Hàng vạn thanh niên các dân tộc đã xung phong tòng quân, lên đường đánh giặc. Chỉ trong 2 năm (1967 - 1968), cùng một lúc Yên Bái xây dựng 4 tiểu đoàn gồm: Yên Ninh I, Yên Ninh II, Yên Ninh III và Yên Ninh IV với gần 3.000 quân mang tên “Yên Ninh” lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam.
Cái tên Yên Ninh của các tiểu đoàn được kết lại từ chữ “Yên” của tỉnh Yên Bái và chữ “Ninh” của tỉnh Ninh Thuận, thể hiện tình đoàn kết gắn bó máu thịt Bắc - Nam. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy cam go, khốc liệt ấy, chiến sỹ của các tiểu đoàn Yên Ninh đã anh dũng chiến đấu, bám trụ kiên cường, tham gia nhiều chiến dịch, trận đánh lớn.
Đồng sức, đồng lòng với chiến trường miền Nam, cán bộ, chiến sỹ của các tiểu đoàn Yên Ninh đã có những cuộc hành quân “Dọc theo chiều dài đất nước”, “Những cuộc hành quân xuyên thế kỷ” mà đến bây giờ, những người lính Yên Ninh chỉ có thể gọi là “Những cuộc hành quân bằng đầu”. Đó là những cuộc hành quân ròng rã, đối mặt với bom đạn của kẻ thù; với cái đói, cái rét, bệnh tật, thương tích; với rắn rết, nấm độc, rau dại; với cây gãy, nước cuốn… đầy hiểm nguy rình rập.
Song bằng ý chí quyết tâm sắt đá, những người lính Yên Ninh đã không phụ lòng mong đợi của chiến trường miền Nam. Hình ảnh thường xuyên hiện hữu trong giấc mơ của những người lính trẻ là được ăn một bát cơm đầy mà “Hạt gạo thổi nở to bằng hạt gắm”. Những cuộc hành quân mà mỗi thời điểm lại là một thử thách cao hơn đối với lòng dũng cảm của người lính…
Hàng nghìn người con thân yêu của quê hương Yên Bái đã hy sinh anh dũng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc vào mùa xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước cùng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, các tiểu đoàn Yên Ninh giờ đây người còn, người mất. Nhiều tấm gương chiến đấu hy sinh đã đi vào trang sử vẻ vang của dân tộc. Các anh ra đi mang theo ý chí của quân và dân Yên Bái, mang theo lòng căm thù giặc Mỹ và ý thức trách nhiệm với miền Nam.
Ghi nhận công lao to lớn trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, chống kẻ thù xâm lược của quân và dân Yên Bái, Đảng, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tỉnh Yên Bái; 82 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và nhiều tập thể, cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, hàng nghìn tập thể và cá nhân được nhận huân, huy chương vì đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đây là niềm vinh dự, tự hào, là nguồn cổ vũ, động viên, khích lệ to lớn đối với Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc Yên Bái trên hành trình xây dựng quê hương ngày thêm giàu mạnh.
Thiên Cầm
Các tin khác
YBĐT - Không chỉ một lần những cựu chiến binh chúng tôi trở về thăm Quảng Trị chiến trường xưa, nghiêng mình trước những ngôi mộ có tên và không tên nơi tại Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Đường 9 Nam Lào…
Vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 02/2017/TT-BYT quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước (gọi tắt là Thông tư số 02).