Khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh: Vì cuộc sống bình yên
- Cập nhật: Chủ nhật, 30/4/2017 | 9:27:46 AM
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hàng chục năm qua cả nước vẫn đang phải nỗ lực hàn gắn vết thương do chiến tranh để lại, trong đó có nhiệm vụ vô cùng quan trọng: Khắc phục hậu quả bom, mìn, làm sạch những vùng “đất chết”, giữ bình yên cho nhân dân.
Bộ đội công binh trong giờ huấn luyện.
|
Hy sinh giữa thời bình
Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay, ở Việt Nam, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh là khoảng 800 nghìn tấn, nằm rải rác ở 63 tỉnh, thành phố; hơn 6 triệu héc ta đất bị ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm. Riêng số bom đạn mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam là hơn 15 triệu tấn, khoảng 5% trong số đó chưa phát nổ.
Tất cả các loại bom, mìn, vật nổ còn sót lại đều rất nguy hiểm, có thể gây nổ do nhiều nguyên nhân. Từ năm 1975 đến nay, số bom mìn tồn sót phát nổ đã khiến hơn 40 nghìn người chết, 60 nghìn người bị thương - phần lớn là lực lượng lao động chính trong gia đình và trẻ nhỏ.
Ở các tỉnh miền Trung, kể từ sau khi hòa bình được lập lại, tại những nơi phải hứng chịu nhiều bom đạn, vật nổ trong chiến tranh như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định…, có tới 22.800 người dân vô tội tiếp tục chịu hậu quả từ bom, mìn, trong đó hơn 10 nghìn người chết và 12 nghìn người bị thương tật suốt đời.
Công tác khắc phục hậu quả do bom, mìn (KPHQBM) được xác định là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên và lâu dài nhằm bảo đảm an toàn về sinh mạng cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển. Ngay sau khi chiến tranh kết thúc, dù đất nước còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, chỉ đạo các cấp, các ngành và toàn xã hội chung tay, góp sức hoàn thành nhiệm vụ này.
Hằng năm, Chính phủ dành hàng nghìn tỷ đồng nhằm triển khai các chiến dịch thu gom, rà phá bom, mìn, hỗ trợ nạn nhân và tái định cư cho các hộ gia đình đang sống tại vùng bị ô nhiễm.
Số liệu cho thấy đã có gần 10 tấn bom các loại, 4 triệu quả mìn, 8 triệu vật nổ khác được rà phá, hàng trăm nghìn héc ta đất canh tác được làm sạch. Riêng trong năm 2016, cả nước đã có hơn 1.500ha đất ô nhiễm bom mìn được cải tạo; hàng trăm nghìn bom, mìn, vật nổ được vô hiệu hóa.
Để có được những kết quả này, không thể không kể đến công lao thầm lặng của lực lượng rà phá bom, mìn, những chiến sĩ công binh dũng cảm thời hậu chiến.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình hành động quốc gia KPHQBM giai đoạn 2010-2025, cho biết: “Từ khi chiến tranh kết thúc đến nay, để mang lại sự an toàn cho nhân dân, cả nước đã có hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ hy sinh và bị thương khi làm nhiệm vụ rà phá bom, mìn. Khó có thể bù đắp hết những mất mát của các gia đình bị bom, mìn cướp đi người thân hay vì bom mìn mà tàn phế”.
Đền đáp một phần cho những hy sinh, mất mát ấy, công tác đền ơn đáp nghĩa cho các đối tượng có công nói chung, những thương binh, thân nhân liệt sĩ công binh hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ rà phá bom, mìn luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Đã có hàng chục căn nhà dành tặng cho thân nhân liệt sĩ công binh được dựng lên; những việc làm cụ thể, thiết thực hướng tới những con người quả cảm đã hy sinh xương máu vì sự bình yên của nhân dân vẫn đang được duy trì mỗi ngày.
Để không còn những nỗi đau...
Cùng với công tác KPHQBM, chăm lo đời sống cho các đối tượng có công, công tác hỗ trợ nạn nhân bom, mìn, giúp họ hòa nhập với cộng đồng cũng là một trong những hoạt động mang ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc, góp phần thiết thực xoa dịu nỗi đau do chiến tranh để lại.
Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) Tô Đức cho biết: “Việc thực hiện các chính sách dành cho nạn nhân bom, mìn được lồng ghép với chính sách cho người khuyết tật đã góp phần hỗ trợ những người chịu thương tật do bom, mìn, giúp họ hồi phục sức khỏe, hòa nhập cộng đồng. 100% nạn nhân bom, mìn được giải quyết chế độ chính sách, tặng thẻ BHYT, được hỗ trợ phục hồi chức năng, học nghề, tạo sinh kế phù hợp”.
Dù đã thực hiện một cách quyết liệt các giải pháp KPHQBM sau chiến tranh với sự phối hợp, hỗ trợ của nhiều tổ chức ở trong và ngoài nước, song, theo nhận định của Bộ LĐ-TB&XH, Việt Nam sẽ phải mất hàng trăm năm nữa mới có thể rà phá hết số bom, mìn tồn sót lại. Điều này có nghĩa tính mạng con người vẫn còn bị đe dọa, nỗi đau do chiến tranh để lại vẫn còn lẩn khuất, ám ảnh cuộc sống của nhân dân.
Để đẩy nhanh tiến độ KPHQBM, giảm tối đa các vụ tai nạn do bom, mìn, trong thời gian tới, các cơ quan, ban, ngành, tổ chức liên quan cần tập trung huy động nguồn lực quốc gia và quốc tế nhằm thu hẹp diện tích đất bị ô nhiễm do bom, mìn, khắc phục cơ bản sự tác động và hậu quả của bom, mìn sau chiến tranh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kỹ năng phòng tránh tai nạn do bom, mìn; giúp đỡ có hiệu quả nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng…
Điều quan trọng là dành ưu tiên cho việc hoàn thành mục tiêu đã đề ra: Phấn đấu đến năm 2025 sẽ làm sạch khoảng 800 nghìn héc ta đất bị ô nhiễm do bom, mìn; thực hiện tái định cư cho người dân ở vùng bị ô nhiễm bom mìn nặng, đưa các dự án khắc phục hậu quả bom, mìn vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương…
(Theo HNMO)
Các tin khác
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành Thông tư 12 về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ (GPLX). Điểm mới đáng chú ý trong Thông tư này là Bộ GTVT đã huỷ bỏ quy định bắt buộc phải đổi GPLX giấy sang vật liệu nhựa PET.
YBĐT - Sau 42 năm kể từ Đại thắng mùa xuân năm 1975, “Bắc Nam sum họp một nhà”, Yên Bái đã có nhiều đổi thay, kinh tế - xã hội phát triển không ngừng, cuộc sống người dân ngày thêm no ấm…
YBĐT - Không chỉ một lần những cựu chiến binh chúng tôi trở về thăm Quảng Trị chiến trường xưa, nghiêng mình trước những ngôi mộ có tên và không tên nơi tại Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Đường 9 Nam Lào…