Cần có sự điều chỉnh hợp lý, hiệu quả
- Cập nhật: Thứ hai, 10/7/2017 | 8:23:01 AM
YBĐT - Nhìn lại 1 năm triển khai thực hiện Đề án Sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố Yên Bái, giai đoạn 2016 – 2020, không thể phủ nhận hiệu quả và những chuyển biến tích cực mà Đề án mang lại. Dẫu vậy, quá trình thực hiện Đề án cũng bộc lộ những khó khăn, hạn chế cần được nhìn nhận khách quan và có sự điều chỉnh sao cho hợp lý, hiệu quả.
Một giờ học của cô và trò Trường Mầm non Ngọc Lan, xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái.
|
Triển khai Đề án Sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020, đến tháng 4/2017, toàn thành phố có 40 trường, 614 nhóm lớp với 20.560 trẻ, học sinh, giảm 18 trường, 3 điểm trường, trong đó 15 trường giảm do sáp nhập, 3 trường chuyển về trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo. Tỷ lệ huy động trẻ, học sinh ra lớp ổn định, tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1, trẻ hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 đạt 100%.
Đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên được tinh gọn, giảm 15 cán bộ quản lý tại các trường. Việc sử dụng, phân công giáo viên giữa các cấp học trong trường liên cấp được bố trí hợp lý và bảo đảm theo định mức quy định. Quy mô lớp, học sinh và chất lượng giáo dục ổn định.
Sau khi sắp xếp, thành phố đã chủ động nguồn lực để phân bổ vốn đầu tư phát triển nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, bảo đảm thuận lợi cho việc giảng dạy và học tập của các nhà trường; kịp thời xây dựng cơ sở vật chất tại các điểm chính để đưa học sinh từ điểm lẻ về học, đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.
Theo đó, năm 2016, tổng số vốn đầu tư, phát triển bố trí cho thực hiện đề án là trên 30,1 tỷ đồng, bằng 50% tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước của thành phố, trong đó vốn đầu tư mua sắm trang thiết bị giáo dục trên 15,7 tỷ đồng. Năm 2017, thành phố dành 23% tổng kế hoạch vốn đầu tư, phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước của thành phố cho lĩnh vực giáo dục, trong đó vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp trường, lớp học cho việc thực hiện Đề án khoảng 12 tỷ đồng.
Khách quan nhìn nhận, bên cạnh kết quả đạt được, Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới, trường lớp đối với giáo dục mầm non triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố cũng cho thấy những khó khăn, bất cập. Cụ thể, với những trường có các điểm trường xa nhau lại chỉ một nơi có phòng tin học, ngoại ngữ, dẫn đến tình trạng phòng học bộ môn không bảo đảm cho tất cả học sinh được sử dụng.
Nhiều trường không có phòng họp lớn nên việc tổ chức các hội nghị, các cuộc họp hội đồng hay các sinh hoạt tập thể gặp khó khăn do số lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên tăng cao. Một số điểm trường chính, số lượng học sinh ở các điểm lẻ được đón về học tập tăng lên dẫn đến thực trạng là diện tích đất/học sinh không bảo đảm, không có đủ sân chơi, bãi tập; thiếu giáo viên, nhất là cấp tiểu học. Với các trường liên cấp, việc thực hiện giờ giấc của các cấp không giống nhau, khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động.
Thêm vào đó, hiệu trưởng có chuyên môn của cấp học cao nhất nên không thể quản lý sâu về chuyên môn đối với tất cả các bậc học, đặc biệt là những trường phổ thông có lớp mầm non. Thực tế, các trường nằm trong kế hoạch đạt chuẩn nông thôn mới, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nhất là hệ thống phòng học bộ môn, phòng phục vụ học tập, phòng hành chính quản trị...
Theo Đề án được phê duyệt, năm học 2018 - 2019 sẽ xóa điểm lẻ Bảo Lương thuộc Trường Tiểu học Yên Ninh. Điểm trường này hiện tại có 10 phòng học kiên cố, 3 công trình vệ sinh. Năm học 2016 - 2017, trường không tuyển mẫu giáo 3 tuổi và lớp 1, do vậy quy mô còn 6 lớp, 174 học sinh. Việc xóa điểm lẻ Bảo Lương sẽ khiến nhiều học sinh phải đi học xa từ 3 – 5km, nguy cơ tăng cao tỷ lệ học sinh/lớp tại các trường tiểu học khu vực lân cận như Nguyễn Trãi, Kim Đồng, Yên Ninh...
Tại xã Tân Thịnh, đã sáp nhập các điểm trường của từng bậc học thành 1 điểm trường mầm non, 1 trường TH&THCS (1 điểm trường tiểu học và 1 điểm trường THCS). Tuy nhiên, diện tích đất tại điểm trường tiểu học không bảo đảm. Hiện tại, nhà trường có 10 lớp bậc tiểu học và cũng chỉ có đúng 10 giáo viên nhóm 1, 2 và 4, đội ngũ giáo viên tiểu học chưa đáp ứng được công tác giảng dạy 2 buổi/ngày...
Trường Tiểu học Nam Cường sau khi sáp nhập có tới 10 lớp mầm non với trên 350 trẻ, khó khăn nảy sinh khi hiệu trưởng nhà trường không có chuyên môn mầm non. Toàn bộ các hoạt động nuôi dưỡng, giáo dục trẻ do hiệu phó phụ trách mầm non của Trường đảm nhiệm. Mặt khác, do đặc thù bậc học nên khó tổ chức các hoạt động chung cho toàn trường...
Thầy và trò Trường tiểu học Nguyễn Thái Học tham gia hoạt động mổ heo đất.
Với những chuyển biến tích cực, Đề án Sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giai đoạn 2016 –2020 được tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát. Trước những đề xuất, kiến nghị cụ thể của lãnh đạo thành phố Yên Bái như: đề nghị tỉnh cho phép tuyển dụng, tiếp nhận số biên chế giáo viên còn thiếu so với biên chế giao năm 2017; đề nghị được điều chỉnh Đề án trong đó tách Trường Tiểu học Nam Cường thành các trường mầm non, tiểu học độc lập; không xóa điểm trường Bảo Lương của trường Tiểu học Yên Ninh.
Tại buổi làm việc mới đây với UBND thành phố về kết quả triển khai Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới, trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 – 2020, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Tiến đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất về giải pháp tách điểm trường; tỉnh sẽ rà soát lại đội ngũ cán bộ, giáo viên và phân cấp quản lý cán bộ. Thành phố cần quyết liệt thực hiện Đề án, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nhất là đối với cán bộ thực hiện Đề án và giáo viên...
Đề án Sắp xếp quy mô, mạng lưới trường học lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn nhằm hướng tới thực hiện các mục tiêu giáo dục - đào tạo đến năm 2020, Yên Bái có một mạng lưới giáo dục ổn định, phát triển lâu dài, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tập trung nguồn lực, sử dụng có hiệu quả ngân sách Nhà nước dành cho ngành để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm chuẩn hóa, hiện đại hóa trường, lớp học, tạo điều kiện để tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, nhất là học sinh vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn.
Việc điều chỉnh những hạn chế, bất cập nảy sinh trong quá trình triển khai thực hiện Đề án là điều cần thiết để đạt hiệu quả thiết thực, mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng giáo dục.
Phạm Minh
Các tin khác
YBĐT - Cuộc thi viết về chủ đề “Công nhân và Công đoàn tỉnh Yên Bái - 70 năm xây dựng và phát triển” đã khép lại thật ấn tượng với 16 tác phẩm được lựa chọn trao giải từ gần 200 tác phẩm báo chí.
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, mưa lũ và sạt lở đất xảy ra từ ngày 7/7 đến nay trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã làm 4 người chết. Các nạn nhân này cùng trong 1 gia đình bị lũ cuốn trong đêm 7/7 khi đi ô tô qua cầu tràn qua suối ở xã Linh Thông, huyện Định Hóa.
Miền Bắc đang trong đợt mưa diện rộng kéo dài và lũ trên một số sông đang lên, cùng cảnh báo về lũ quét, sạt lở đất.
YBĐT – Ngày 9/7, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Ban Chỉ đạo Chiến dịch tình nguyện hè 2017 tổ chức thăm, kiểm tra 2 đội tri thức trẻ tình nguyện cấp tỉnh và tiến độ thực hiện công trình khai hoang ruộng bậc thang tại xã Pá Hu và xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu.