Chủ động phòng, chống dịch bệnh sau lũ
- Cập nhật: Thứ hai, 31/7/2017 | 7:42:12 AM
YBĐT -Trong các ngày từ 16 - 18/7, nhiều đợt mưa, bão lớn xảy ra ở trên địa bàn tỉnh Yên Bái, gây lũ lụt ở nhiều nơi, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Đây cũng là thời điểm các nguy cơ dịch bệnh mùa mưa lũ đe dọa sức khỏe cộng đồng.
Cán bộ y tế thành phố Yên Bái giúp dân thanh khiết môi trường.
|
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, áp thấp nhiệt đới, trong tháng 7 nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh có mưa lớn trên diện rộng và kéo dài, gây ngập úng cục bộ tại nhiều địa phương, nguy cơ phát sinh dịch bệnh rất cao do thiếu nước sạch và môi trường bị ô nhiễm. Ngành y tế Yên Bái đã chỉ đạo các địa phương tích cực, chủ động chỉ đạo các trung tâm y tế vệ sinh môi trường, xử lý nước sạch giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Cùng cán bộ Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái đến thăm gia đình bà Hà Thị Khanh ở thôn Nhà Giát, xã Văn Tiến, thành phố Yên Bái - một trong những hộ bị ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt, bà Khanh chia sẻ với chúng tôi: “Mưa lớn kéo dài, nước mưa tích tụ tại tràn chiêm trũng Cầu Bềnh trước cửa nhà đã gây ngập tất cả nhà cửa và hệ thống chuồng trại chăn nuôi của gia đình sâu trên 50cm. Vì sử dụng nước giếng trong sinh hoạt là chủ yếu nên khi giếng nước bị ngập gây xáo trộn sinh hoạt của gia đình vì không có nước sạch. Ngay khi nước rút, gia đình chủ động dọn dẹp vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh, cùng với cán bộ y tế của thành phố thanh khiết môi trường và khử trùng nước giếng. Đến nay, gia đình đã ổn định cuộc sống”. Cũng như gia đình bà Khanh, gia đình ông Nguyễn Văn Tâm cũng bị ảnh hưởng do nước từ ruộng tràn vào ô nhiễm giếng nước. Gia đình ông Tâm cũng đã phải thau rửa giếng và xử lý nguồn nước ăn của gia đình.
Trong các ngày từ 16 - 18/7, nhiều đợt mưa, bão lớn xảy ra ở trên địa bàn tỉnh Yên Bái, gây lũ lụt ở nhiều nơi, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Đây cũng là thời điểm các nguy cơ dịch bệnh mùa mưa lũ đe dọa sức khỏe cộng đồng. Trong và sau mưa bão, lũ lụt, vô số các vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Những dịch bệnh phổ biến trong mùa mưa lũ như: sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, bệnh nước ăn chân, cảm cúm, đau mắt đỏ…
Trước thực trạng đó, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị huy động mọi lực lượng tập trung khắc phục hậu quả, thiệt hại do thiên tai gây ra. Các đơn vị cấp cứu tổ chức trực ban, trực cấp cứu 24/24 giờ, sẵn sàng hỗ trợ các cơ quan, đơn vị và nhân dân trên địa bàn khi có yêu cầu. Đặc biệt, Sở chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tập trung cao độ cho công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ.
Ông Nguyễn Trọng Phú - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Trung tâm đã rà soát, chuẩn bị sẵn sàng công tác hậu cần về thuốc, hóa chất, phương tiện phục vụ cho công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, cử cán bộ hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị y tế triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường ngay sau khi nước rút, tổ chức giám sát, hỗ trợ tuyến dưới xử lý các ổ dịch bệnh truyền nhiễm. Đến nay, tất cả các địa phương bị ảnh hưởng bởi mưa lũ trên địa bàn tỉnh đều đã thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó”.
Ông Nguyễn Văn Chiến - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố cho biết: “Với diện tích bị ngập úng rộng như vậy, ngay khi nước rút, Trung tâm triển khai việc thau rửa, khử trùng giếng nước, xử lý nhà tiêu bị ngập, hỏng; tổng vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, thu gom, xử lý rác thải, xác súc vật chết tại các khu vực bị ngập úng. Phun thanh khiết môi trường tại khu vực có nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh. Hướng dẫn người dân biết cách bảo vệ nguồn nước, xử lý nguồn nước khi bị ô nhiễm. Giám sát chặt chẽ các dịch bệnh thường xảy ra trong và sau bão lụt, chú ý các bệnh ngoài da, các bệnh lây theo đường tiêu hóa nhằm phát hiện sớm, xử lý triệt để không để lây lan ra diện rộng và tử vong vì dịch bệnh do hậu quả của bão lụt”.
Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh không xảy ra dịch bệnh sau mùa mưa là do sự chủ động, tích cực phòng, chống dịch bệnh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ông Nguyễn Trọng Phú cho biết thêm: “Trung tâm đã triển khai đồng loạt các giải pháp như: chuẩn bị đủ cơ số thuốc, cơ sở vật chất, con người. Trong đó, tập trung chỉ đạo là các đội cơ động chống dịch của Trung tâm, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ hỗ trợ cơ sở; chuẩn bị, chỉ đạo trung tâm y tế các huyện sẵn sàng máy phun, thuốc khử trùng, cơ số thuốc; thường trực trong những ngày có mưa lũ kéo dài; thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở, ô nhiễm môi trường, tình hình dịch bệnh trong mưa lũ; phối hợp với cơ sở kiểm tra, giám sát các cơ sở cấp nước, nguồn nước bị ô nhiễm trong lụt bão để chỉ đạo xử lý, đảm bảo đủ nước sạch cho người dân; các cơ sở điều trị giám sát tình hình dịch bệnh tại các địa bàn có ngập lụt, thiên tai, có kế hoạch xử lý sớm, kịp thời dịch bệnh trong và sau mưa lũ; tăng cường truyền thông, khuyến cáo người dân vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước, phòng, chống dịch bệnh trong và sau mùa mưa lũ... có như vậy, người dân mới yên tâm ổn định cuộc sống, tập trung phát triển sản xuất”.
Trần Minh
Các tin khác
YBĐT - Những ngày này, các cơ sở Đoàn trong toàn huyện đã chủ động đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, chuẩn bị các nội dung phục vụ Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh huyện Mù Cang Chải lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2017 - 2022.
YBĐT - Vừa qua, LĐLĐ thị xã Nghĩa Lộ đã trao số tiền 30 triệu đồng hỗ trợ làm nhà “Mái ấm công đoàn” cho đoàn viên Hoàng Thế Luận thuộc Công đoàn Đài Truyền thanh - Truyền hình thị xã Nghĩa Lộ (ảnh).
YBĐT – Ngày 30/7, Nhà thiếu nhi tỉnh Yên Bái tổng kết hoạt động hè năm 2017 với chủ đề “Tạm biệt mùa hè, chào năm học mới”.
Hồi 4h ngày 30/07, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,6 độ Vĩ Bắc; 118,3 độ Kinh Đông, cách Hoàng Sa khoảng 700km về phía Đông Đông Bắc.