Tập trung truyền thông vào 3 vấn đề chính phòng sốt xuất huyết
- Cập nhật: Thứ sáu, 11/8/2017 | 10:06:50 AM
Chiều 10/8, tại cuộc họp tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, đặc biệt trên địa bàn Hà Nội, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 80.555 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 24 trường hợp tử vong; trong đó số trường hợp nhập viện là 69.085 trường hợp.
Phun hóa chất phòng chống dịch sốt xuất huyết.
|
Dự báo thời gian tới, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp do đang trong thời điểm mùa dịch và điều kiện thời tiết thuận lợi cho véctơ phát triển.
Do đó, cần tăng cường phun hóa chất diệt muỗi tại các điểm nguy cơ cao để phòng bệnh.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết tình hình bệnh sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp.
Đặc biệt tại Hà Nội, bệnh nhân mắc bệnh có xu hướng gia tăng do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi phát triển.
Thời gian qua, ngành y tế đã có những biện pháp quyết liệt nhưng chưa triệt để nên bệnh sốt xuất huyết vẫn tăng cao.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị trước tình hình trên, giải pháp hiện nay đầu tiên là phải tập trung truyền thông vào 3 vấn đề chính gồm cách phòng tránh muỗi đốt, sử dụng bình xịt muỗi tại các gia đình và biện pháp chính là diệt các ổ loăng quăng.
Nếu đã bị bệnh, người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất và chỉ nhập viện khi bác sỹ yêu cầu để tránh lây chéo các bệnh khác.
Đồng thời, ngành y tế cần huy động phun hóa chất diệt muỗi; tăng cường các máy phun và hóa chất.
Hiện nay, biện pháp "hạ nhiệt" chính là phun hóa chất diệt muỗi tại những nơi có nguy cơ cao như trong nhà, chợ, bệnh viện, trường học...
Trong đó, bệnh viện chính là ổ truyền nhiễm nguy hiểm nên 100% bệnh viện và trạm y tế phải được phun hóa chất diệt muỗi.
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Sốt rét- Ký sinh trùng- Côn trùng Trung ương tăng cường tập huấn cho các đội phun hóa chất về cách pha và phun đúng theo hướng dẫn.
Hệ thống điều trị cần tập trung cho các ca nặng, chuyển bệnh nhân nhẹ đến các bệnh viện vệ tinh để giảm quá tải hoặc hướng dẫn điều trị ngoại trú, tránh để người bệnh phải nằm ghép...
Hà Nội đứng thứ 2 cả nước về số ca mắc bệnh
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đứng thứ 2 cả nước (sau Thành phố Hồ Chí Minh) về số ca mắc bệnh tuyệt đối; còn tính số mắc trên 100.000 dân, Hà Nội đứng thứ 5 cả nước.
Tính đến ngày 9/8, toàn thành phố đã ghi nhận hơn 13.900 trường hợp mắc và 7 trường hợp tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện; 532/584 xã, phường, thị trấn (chiếm 91% số xã, phường).
Hiện tại, Hà Nội còn 366 phường ghi nhận bệnh nhân mắc chưa qua 14 ngày; số bệnh nhân đang phải điều trị tại bệnh viện là 1.673 trường hợp, còn lại đều đã khỏi bệnh. Tuýp virus lưu hành là D1, D2, D4.
Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng dịch bệnh sốt xuất huyết thời gian qua trên cả nước là do mùa hè đến sớm, nhiệt độ trung bình tại hầu hết các khu vực cao hơn những năm trước.
Tại khu vực miền Nam, nhiệt độ và lượng mưa đều tăng cao so với các năm trước đây dẫn đến véctơ truyền bệnh phát triển mạnh.
Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa nhanh, môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý dẫn đến phát sinh các ổ loăng quăng của muỗi truyền bệnh.
Đồng thời, sự chủ động, phối hợp của người dân và các ban, ngành đoàn thể trong công tác phòng chống sốt xuất huyết tại một số địa phương chưa cao.
Việc triển khai biện pháp phun hóa chất và diệt loăng quăng ở khu vực thành thị gặp nhiều khó khăn, không triệt để; nhiều địa phương gặp khó khăn về kinh phí, một số nơi bệnh gia tăng do nhiều năm không có dịch dẫn đến miễn dịch cộng đồng giảm.
Riêng tại Hà Nội, dịch bệnh đang tăng nhanh, tăng cao và xảy ra trên diện rộng, nguy cơ dịch tiếp tục bùng phát, lan rộng và kéo dài.
Nguyên nhân là do nền nhiệt độ trung bình năm 2017 của khu vực miền Bắc cao hơn các năm trước. Nhiệt độ ấm ngay từ đầu năm, mùa mưa đến sớm tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển.
Bên cạnh đó, ý thức tự phòng bệnh của người dân chưa cao, phó mặc cho ngành y tế, các gia đình phối hợp hạn chế trong phun hóa chất xử lý ổ dịch.
Tại Hà Nội, 10% hộ dân đi vắng cả ngày, 7% không đồng ý cho phun hóa chất, 5% đi vắng khi phun hóa chất.
Đặc biệt, các năm trước tại Hà Nội chỉ ghi nhận 2 tuýp gây bệnh là D1 và D2 nhưng hiện nay đã phát hiện thêm tuýp D4 vì vậy sẽ làm tăng nguy cơ số trường hợp mắc bệnh.
Tăng cường phun hóa chất diệt muỗi tại các điểm nguy cơ cao
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu nêu rõ: Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh ngay từ đầu năm 2017.
Cục đã chỉ đạo các địa phương đảm bảo công tác giám sát, thực hiện điều tra dịch sớm, tổ chức xử lý ổ dịch kịp thời, phun hóa chất diệt muỗi chủ động diện rộng tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch.
Mặt khác, ngành y tế đã thí điểm các biện pháp phòng chống mới trong phòng chống sốt xuất huyết như: phun tồn lưu và phun mù nóng, tiếp tục thí điểm áp dụng tác nhân sinh học Wolbachia gây nhiễm muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.
Đồng thời, các cơ sở khám chữa bệnh đã chuẩn bị tốt việc thu dung điều trị, thuốc men, cơ số phòng chống dịch, sẵn sàng thu dung tất cả các trường hợp bệnh sốt xuất huyết khi nhập viện, thực hiện việc phân loại bệnh nhân, phân tuyến điều trị để tránh quá tải, nhằm hạn chế thấp nhất tử vong.
Công tác truyền thông cũng được tăng cường với các thông điệp tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết trên tin nhắn điện thoại, báo điện tử, đài truyền hình, đài phát thanh, đăng tin trên website của Bộ Y tế.
Đặc biệt, Bộ Y tế đã cấp hỗ trợ các địa phương 10.220 lít hóa chất diệt muỗi, 3.250 bộ trang phục phòng chống dịch, 500 hộp hóa chất diệt ấu trùng muỗi và 160 bộ dụng cụ điều tra côn trùng.
Để chủ động và tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết trong thời gian tới, Bộ Y tế tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành tăng cường phòng chống bệnh sốt xuất huyết; chỉ đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục đồng loạt ra quân triển khai chiến dịch diệt bọ gậy/loăng quăng.
Bộ Y tế sẽ cử 4 đoàn của 2 Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Sốt rét- Ký sinh trùng- Côn trùng Trung ương tăng cường hỗ trợ cho 4 quận của Hà Nội; tổ chức tiếp 6 đoàn của Bộ Y tế đi kiểm tra 8 tỉnh trọng điểm về sốt xuất huyết.
Riêng Cục Y tế dự phòng đã thành lập 3 đội chống dịch cơ động ứng phó với dịch bệnh sốt xuất huyết; kích hoạt Văn phòng đáp ứng khẩn cấp về phòng chống dịch bệnh để đáp ứng dịch bệnh sốt xuất huyết.
Ngành y tế tiếp tục phun hóa chất diện rộng chủ động tại khu vực ghi nhận nhiều ổ dịch sốt xuất huyết, khu vực có chỉ số giám sát véc-tơ cao; tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm, xử lý ngay và triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện; xác định các điểm nóng, khu vực có nguy cơ bùng phát dịch để xử lý triệt để.
Đồng thời, Bộ Y tế sẽ khôi phục hoạt động của mạng lưới cộng tác viên; đẩy mạnh hoạt động của các đội xung kích phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn toàn thành phố trong việc loại bỏ ổ bọ gậy nguồn.
Các tin khác
YBĐT - Vượt lên những khó khăn về yếu tố thời tiết, địa hình, những ngổn ngang sau lũ, 100 cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh Yên Bái và Bộ Công an đã và đang có mặt tại huyện Mù Cang Chải, âm thầm góp sức cùng các lực lượng địa phương tìm kiếm các nạn nhân mất tích và khắc phục hậu quả sau mưa lũ.
YBĐT - "Đến hẹn lại lên”, đầu tháng 8 này, thị trường sách giáo khoa (SGK), vở và đồ dùng học tập phục vụ cho học sinh vào năm học mới 2017-2018 trên địa bàn thành phố Yên Bái đã thực sự sôi động.
YBĐT - Ngày 30/6/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 76/2017/NĐ - CP về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) và trợ cấp hàng tháng. Theo đó, mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng được điều chỉnh đối với một số đối tượng. Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với ông Dương Đình Chiến - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Yên Bái để bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.
YBĐT - Thời gian gần đây, số phụ nữ là người dân tộc thiểu số tham gia mua bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng trái phép chất ma túy có xu hướng gia tăng. Nhiều người đã bị bắt và phải trả giá cho những lỗi lầm mình gây ra, hệ lụy để lại là gia đình tan nát, vợ chồng, con cái ly tán, nghèo đói...