Là huyện miền núi đặc biệt khó khăn, hầu hết là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, sự hiểu biết pháp luật của một bộ phận bà con còn hạn chế, do vậy, hầu hết những vụ án ma túy bị bắt giữ ở Mù Cang Chải đều do đối tượng là người dân tộc thiểu số thực hiện. Lợi dụng đời sống kinh tế khó khăn của bà con, các đối tượng buôn bán ma túy đã tìm mọi cách lôi kéo một bộ phận người dân tộc thiểu số làm tay chân trong những chuyến vận chuyển ma túy.
Theo báo cáo của Công an huyện Mù Cang Chải, tình hình tội phạm ma túy những năm gần đây có dấu hiệu gia tăng, số phụ nữ là người dân tộc thiểu số (chủ yếu là phụ nữ dân tộc Mông) tham gia buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng trái phép chất ma túy có xu hướng gia tăng một cách đột biến. Trong 6 tháng đầu năm 2017, Công an huyện Mù Cang Chải đã phát hiện bắt giữ 17 vụ án ma túy, trong đó 4 vụ có phụ nữ tham gia.
Qua phân tích các vụ án ma túy cho thấy, số đối tượng phạm tội về ma túy là phụ nữ phần đông là bản thân nghiện hoặc chồng con nghiện. Họ mua ma túy về sử dụng đồng thời bán kiếm lời hoặc có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không việc làm, thu nhập thấp. Các đối tượng phạm tội có quan hệ mật thiết với nhau như bố mẹ, anh em, chồng, người cùng dòng họ gây những khó khăn cho công tác điều tra.
Đặc biệt, các đối tượng là nữ giới ngày càng có thủ đoạn cất giấu, vận chuyển ma túy tinh vi và liều lĩnh. Nếu như trước đây, phụ nữ tham gia chỉ với vai trò là người vận chuyển, mang vác thuê thì thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ án ma túy do các đối tượng là phụ nữ trực tiếp mua bán.
Điển hình như vụ án bắt đối tượng nữ là Lý Thị Cầu, sinh năm 1990, trú tại bản Tà Chơ, xã Kim Nọi. Ngày 17/3/2017, đối tượng này móc nối với đối tượng ở tỉnh Sơn La mua một bánh hêrôin 323,4g, trong quá trình giao dịch thì bị bắt tại bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha.
Vụ án bắt giữ Giàng A Lâu và Thào Mỷ vào ngày 21/3/2017 tại bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, thu giữ 541,9 g hêrôin. Đặc biệt, vụ án phát hiện bắt giữ ngày 24/2/2017 liên quan đến 2 vợ chồng người dân tộc Mông, trong đó người chồng là Cứ A Lềnh đang là giáo viên tại huyện Mù Cang Chải.
Người vợ của Lềnh là Mùa Thị Dung trong quá trình mua bán ma túy đã nhờ chồng lấy hộ ma túy về để đem bán, trong quá trình đem ma túy đi tiêu thụ thì Mùa Thị Dung bị tổ công tác của Công an huyện bắt giữ. Hành vi phạm tội của Dung đã kéo theo cả chồng mình vào con đường phạm tội.
Phụ nữ phạm tội về ma túy để lại nhiều hệ lụy về mặt gia đình và xã hội bởi các đối tượng này còn là người vợ, người mẹ người nhóm lửa hạnh phúc trong mỗi gia đình - tế bào của xã hội. Mặc dù đời sống của người dân nói chung và đồng bào các dân tộc ở vùng cao nói riêng những năm qua đã được nâng lên đáng kể nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Nhiều phụ nữ lấy chồng sớm, ít được tham gia các hoạt động cộng đồng, thiếu cơ hội nâng cao kiến thức pháp luật. Hiểu biết về tác hại của ma túy rất hạn chế, thậm chí giản đơn, mơ hồ, dẫn đến nhiều phụ nữ buôn bán ma túy mà không lường hết được hậu quả đối với gia đình. Phòng ngừa, ngăn chặn các đối tượng phụ nữ tham gia buôn bán, vận chuyển ma túy phải ngay từ cộng đồng và từ mỗi gia đình.
Đặc biệt, cần kết hợp nhiều giải pháp thiết thực như: tập huấn kiến thức cho tuyên truyền viên, công an xã, cán bộ phụ trách xã để tuyên truyền rộng rãi đến người dân về tệ nạn ma túy; giáo dục pháp luật phòng chống ma túy qua nhiều hình thức phong phú; vận động phụ nữ cam kết không có người thân nghiện ma túy, lên án việc trồng và tái trồng cây thuốc phiện, các hành vi vi phạm và phạm tội ma túy; gắn tuyên truyền vận động với xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ vốn phát triển kinh tế... Có như vậy mới góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân và đấu tranh phòng chống tệ nạn ma túy ở vùng cao hiệu quả.
Anh Dũng