Mô hình VNEN: Kinh nghiệm từ Trường Tiểu học Hạnh Sơn

  • Cập nhật: Thứ tư, 30/8/2017 | 1:47:29 PM

YBĐT - Trường Tiểu học Hạnh Sơn, xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn là một trong 14 trường tiểu học của tỉnh được Sở Giáo dục và Đào tạo lựa chọn tham gia Dự án mô hình trường học mới (VNEN) tại Việt Nam từ năm học 2012 - 2013.

Học theo mô hình trường học mới ở Trường Tiểu học Hạnh Sơn.
Học theo mô hình trường học mới ở Trường Tiểu học Hạnh Sơn.

Quá trình triển khai thực hiện, nhà trường còn nhiều khó khăn như: thiếu cơ sở vật chất; giáo viên (GV) còn nhiều băn khoăn, lo lắng, một số GV ngại đổi mới; Trường có đông học sinh (HS) dân tộc thiểu số nên việc sử dụng tiếng Việt còn hạn chế, việc tự học và năng lực điều hành của các em còn chưa tốt… Mặc dù vậy, qua quá trình triển khai thực hiện, nhà trường nhận thấy mô hình trường học mới có rất nhiều ưu điểm, mặt tích cực, thể hiện hướng đi cũng như cách làm mới để phát triển năng lực người học.
 
Cô Phạm Thị Thu Huyền - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Học tập theo mô hình trường học mới, HS phát huy được "5 tự”: tự học, tự sáng tạo, tự tin, tự giác và chủ động; phát huy được tính hợp tác trong cách làm việc nhóm, từ đó gắn kết các HS lại với nhau… Vì vậy, nhà trường đã xác định cần quyết tâm khắc phục các khó khăn để thực hiện hiệu quả mô hình trường học mới”.

Ngay từ đầu, nhà trường đã làm tốt công tác tham mưu giúp lãnh đạo địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tuyên truyền để phụ huynh hiểu và tin tưởng vào nhà trường trong việc thực hiện mô hình.
 
Đồng thời lựa chọn và xây dựng đội ngũ cốt cán gồm một số GV có năng lực, nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm cao và sẵn sàng thực hiện đổi mới để lên lớp theo mô hình trường học mới. Trong quá trình thực hiện, cán bộ quản lý luôn đồng hành cùng với GV tập trung nghiên cứu nội dung bài học và hoạt động học trong tài liệu, hướng dẫn học để điều chỉnh cho phù hợp với HS trong lớp, dự kiến tình huống sư phạm, chuẩn bị đồ dùng dạy học... để tiết học đạt được hiệu quả cao nhất.
 
Trong giờ học, GV luôn duy trì một môi trường tích cực, cởi mở để đảm bảo HS tự tìm tòi, suy nghĩ và chủ động nắm bắt kiến thức mới; tận dụng khả năng tổ chức các hoạt động để giúp HS vận dụng kiến thức, kỹ năng vào cuộc sống.

Để HS hiểu và mở rộng vốn từ tiếng Việt, nhà trường đã tăng cường dạy tiếng Việt cho HS ngay từ đầu các năm học, đồng thời bồi dưỡng hội đồng tự quản, nhóm trưởng một cách thường xuyên, liên tục, tạo thuận lợi cho GV trong quá trình dạy học, tổ chức cho HS tự học, học nhóm. Để nâng cao năng lực cho đội ngũ GV, nhà trường đã thường xuyên mở các chuyên đề, hội thảo; tổ chức đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học; tổ chức cho GV tham dự các chuyên đề theo cụm, huyện; tích cực trao đổi những khó khăn vướng mắc với cán bộ tư vấn của Dự án, với cán bộ chỉ đạo chuyên môn của Phòng, của Sở.
 
Từ đó, những khó khăn đã dần dần được giải quyết, GV an tâm thực hiện, mạnh dạn, tự tin dạy chuyên đề của cụm, của huyện, thi GV dạy giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh bằng phương pháp dạy - học mới VNEN. Kết quả, có 65 lượt GV dạy giỏi cấp trường, 21 lượt GV dạy giỏi cấp huyện, đặc biệt đã có 1 GV dự thi dạy học theo mô hình mới và đạt GV dạy giỏi cấp tỉnh.

Gỡ khó về cơ sở vật chất, bên cạnh việc được Dự án đầu tư thêm bàn ghế 2 chỗ ngồi, thiết bị dạy học, nhà trường đã tích cực tham mưu với chính quyền địa phương, với ngành để được đầu tư thêm về cơ sở vật chất, đồng thời vận động nhân dân, phụ huynh đóng góp ủng hộ. Đến nay, nhà trường cơ bản đảm bảo có 100% bàn ghế 2 chỗ ngồi cho HS; có đủ phòng học, phòng hành chính quản trị; có thư viện đủ điều kiện của thư viện chuẩn; có khu nhà cho các câu lạc bộ đọc sách, âm nhạc, mỹ thuật hoạt động; công trình vệ sinh, sân chơi, tường rào, giếng nước, nước sạch được quy hoạch đảm bảo cho HS sử dụng tốt.

Việc học theo mô hình trường học mới đã mang lại những kết quả khả quan đối với HS. "Trong những năm qua, ngoài việc đạt chuẩn kiến thức kỹ năng về phẩm chất theo quy định, HS nhà trường còn được rèn luyện nhiều hơn các kỹ năng tự làm việc, kỹ năng nghe, nói, giao tiếp,…; kết hợp hoạt động học ở lớp và hoạt động ứng dụng ở nhà; có nhiều cơ hội để tham gia, bày tỏ ý kiến, phát huy theo khả năng của từng HS. Từ khi nhà trường thực hiện mô hình trường học mới, HS đi học hào hứng, tự tin hơn trong giao tiếp, kỹ năng sống có nhiều tiến bộ; tính tự giác, tự quản cao hơn; các em hiểu rõ hơn về cộng đồng dân cư nơi mình sinh sống. Đặc biệt, những em học chậm được quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn để tiến kịp các bạn” - cô Phạm Thị Thu Huyền chia sẻ. Tỷ lệ HS lên lớp luôn đạt từ 98,5% trở lên; HS hoàn thành chương trình tiểu học luôn đạt 100%; HS được khen thưởng cấp trường đạt trên 50%, năm học 2016-2017 đạt 64,4%.

Để có thể đạt hiệu quả trong dạy học theo mô hình trường học mới, theo cô Hiệu trưởng nhà trường, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp. Trước hết, cần làm tốt công tác tham mưu với lãnh đạo địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn để hiểu về mô hình, từ đó có sự vào cuộc cùng với nhà trường tuyên truyền để phụ huynh hiểu và tin tưởng vào nhà trường, cùng đồng hành với nhà trường trong việc thực hiện giáo dục HS.
 
Đồng thời, để đổi mới phương pháp dạy, phương pháp học, cần phải đổi mới công tác quản lý nhà trường theo tinh thần tạo cơ chế giúp GV được tự chủ, chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong dạy học và thực hiện kế hoạch cá nhân với tinh thần tất cả vì sự tiến bộ của HS. Cần làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, GV để khơi dậy tinh thần đổi mới.
 
Cùng đó, cần tổ chức tập huấn đầy đủ và đảm bảo hiệu quả. Trong quá trình thực hiện, khi GV gặp khó khăn cần tháo gỡ kịp thời tránh để GV băn khoăn, chưa hiểu thấu nhiệm vụ và cách thực hiện sẽ ngại và nản lòng. Phải chuẩn bị tốt điều kiện cơ sở vật chất, bảo đảm đủ tỷ lệ GV trên lớp, HS được học 2 buổi/ngày. Cũng cần có mạng lưới GV cốt cán sẵn sàng giải đáp, hỗ trợ các vấn đề về mô hình trường học mới; tổ chức cho GV được tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm từ những đơn vị làm tốt để các nhà trường thực hiện tốt hơn…
Hạnh Quyên

Các tin khác
Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Yên Bái tặng hoa chúc mừng Đại lễ Vu lan báo hiếu chùa Minh Pháp.

YBĐT - Sáng 30/8 (tức 9/7 Âm lịch), tại chùa Minh Pháp, xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Yên Bái và nhà chùa đã tổ chức Đại lễ Vu lan báo hiếu, Phật lịch 2561 - Dương lịch 2017.

Đơn vị chậm đóng bảo hiểm y tế (BHYT) cho người lao động từ 30 ngày trở lên, thẻ BHYT hết giá trị sử dụng.

Ảnh minh họa.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, dải hội tụ nhiệt đới đi qua khu vực Bắc Trung Bộ tiếp tục kết hợp với gió Đông Nam, trong ngày và đêm 30/8 ở Bắc Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông (lượng mưa phổ biến 20-40mm, riêng các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, lượng mưa phổ biến 40-70mm, có nơi trên 100mm). Từ ngày 31/8 mưa ở Bắc Bộ giảm dần.

Cán bộ Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái hướng dẫn người dân pha thuốc thanh khiết môi trường, không để muỗi phát triển.

YBĐT - Ngay khi Công điện số 1106/CĐ-TTg ngày 27/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết (SXH) được ban hành, UBND tỉnh Yên Bái đã có Công văn số 1609/UBND-VX ngày 2/8/2017 về tăng cường phòng, chống dịch bệnh SXH nhằm chủ động phòng, chống SXH, kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh, không để lan rộng và dịch lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh nhất là trong thời gian này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục