Từ vận động bà con không nghe theo kẻ xấu
Hồ Bốn là xã vùng cao nằm cách trung tâm huyện hơn 30 km về phía Tây Bắc, giáp ranh với tỉnh Lai Châu và Lào Cai. Điều kiện đất đai sản xuất hạn hẹp, tập quán canh tác còn lạc hậu, trình độ nhận thức của bà con còn hạn chế nên nhiều năm qua ở đây luôn là địa bàn bị kẻ xấu lợi dụng gây chia rẽ, đưa phụ nữ qua biên giới.
Cuối năm 2012, có một hộ gia đình tại bản Háng Á đã nhẹ dạ đi theo đạo lạ. Tiếp đó, đến đầu năm 2013, các đối tượng buôn người đã len lỏi, tiếp cận một số gia đình tại các bản xa trung tâm xã, dụ dỗ chị em với lời hứa hẹn trốn qua biên giới để lấy chồng nước khác sẽ được hưởng cuộc sống sung sướng, không phải lao động vất vả như ở Việt Nam.
Cả tin và nông nổi với viễn cảnh kẻ xấu tô vẽ ra, 4 phụ nữ trong xã, thậm chí có những chị em mang cả con nhỏ, bỏ trốn gia đình đi theo kẻ xấu. Trước thực trạng đó, Đảng bộ, chính quyền xã Hồ Bốn đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội của địa phương tập trung giải quyết dứt điểm, lấy lực lượng công an xã làm nòng cốt, phối hợp chặt chẽ với Hội CCB xã nắm cơ sở trọng điểm tuyên truyền thuyết phục cho nhân dân hiểu được ý đồ của kẻ xấu, đồng thời kiên quyết cưỡng chế những đối tượng lạ, nghi vấn rời khỏi địa bàn. Đến cuối năm 2013, tình hình địa phương đã đi vào ổn định, gia đình theo đạo lạ đã trở lại thờ cúng tổ tiên theo đúng bản sắc văn hóa, phong tục của đồng bào Mông.
Đến ổn định cuộc sống
Chúng tôi lên đường đến bản Trống Trở, cách trung tâm xã trên 9 km khi trời đã xâm xẩm tối. Như hiểu được thắc mắc tại sao lại xuất phát vào thời điểm này, tổ trưởng tổ công tác Cứ A Dà - Chủ tịch Hội CCB xã Hồ Bốn cho biết: "Thời gian này là mùa vụ, ban ngày đi làm trên nương rẫy xa nhà, chỉ buổi tối mọi người mới có ở nhà, chúng tôi vẫn thường đến với bà con vào thời điểm này”.
Ngồi trên ba chiếc xe máy "cà tàng” gài số 1 bắt đầu leo dốc, vật lộn với con đường trơn đầy bùn đất sau cơn mưa chiều, lổng chổng đá sỏi. Cứ như vậy, hơn 1 tiếng đồng hồ, chúng tôi mới lên đến nơi. Cả bản đã chìm vào bóng tối bởi lớp sương mù dày đặc, chỉ còn thấp thoáng ánh sáng nho nhỏ từ những bóng đèn công suất thấp, cùng với bếp lửa gia đình đang lo bữa tối muộn.
Trưởng bản Vừ A Dờ dẫn chúng tôi đến thăm gia đình vợ chồng anh Vừ A Vừ và chị Cứ Thị Sông. Trong căn nhà nhỏ còn khá bề bộn, chủ nhà dè dặt tiếp chúng tôi.
Qua câu chuyện mở đầu bằng tiếng Mông của Trưởng bản, dần dần gia đình cũng hiểu được mục đích của cuộc viếng thăm này. Bên bếp lửa ấm cúng, anh Vừ kể cho chúng tôi nghe không phải là chuyện những ngày đầu khi mới trở về của chị Sông mà là câu chuyện vui cuộc sống gia đình anh chị trong những năm gần đây, khi được sự động viên của chính quyền cùng các đoàn thể, hỗ trợ cho gia đình 2 con dê cái để phát triển chăn nuôi.
Anh cho biết, đến nay, đàn dê đã phát triển được 9 con, năm vừa qua, xuất bán 5 con, bình quân 4 triệu đồng/con, dần dần thoát nghèo, có tiền trang trải cuộc sống và cho đứa con lớn đi học lớp 6, đứa thứ 2 học lớp 4.
Anh Vừ vừa cười vừa chỉ tay về phía người vợ cặm cụi bên máy khâu, may cho con chiếc áo mới đón ngày khai giảng, trên lưng là chú bé kháu khỉnh 2 tuổi đang gật gù ngủ. Anh nói: "Đó là tất cả niềm hạnh phúc được nối lại sau ngày trở về đấy".
Tiếp đó, chúng tôi đến thăm gia đình anh Vừ A Thanh và chị Giàng Thị Se - người đã cùng chị Sông và một số chị em khác cùng trốn gia đình vượt biên mong tìm được cuộc sống mới an nhàn hơn ở phương trời xa lạ. Bằng tiếng Mông lơ lớ, chị Se ngậm ngùi kể lại những ngày nhẹ dạ bồng đứa con gái nhỏ chưa đầy 2 tuổi ra đi.
Tới khi nhận ra mình đã bị lừa, cộng với tủi nhục, cơ cực nơi xứ người, chị đã nghĩ đến cái chết nhưng vì con cái còn nhỏ dại chị phải nhẫn nhục để tìm cách trở về nhà. Đến nay, cũng được sự hỗ trợ, động viên như các gia đình khác, cuộc sống của gia đình chị đã dần ổn định, từng bước thoát nghèo, lo được cho các con đi học.
Hơn 22 giờ đêm, trên đường về trụ sở xã, anh Dà lần lượt kể cho chúng tôi nghe về những ngày lên nắm tình hình các gia đình có các chị em bỏ đi theo kẻ xấu trong thời gian đầu năm 2013. Đó thực sự là những ngày tháng vô cùng gian nan, vất vả của các tổ công tác bởi nhiều gia đình không muốn tiếp bất kỳ người lạ nào đến nhà.
Song, bằng nhiều biện pháp dân vận, nắm bắt thông tin, tìm hiểu gia cảnh của từng gia đình, các anh đã tiếp cận và trực tiếp vận động, tuyên truyền cho đồng bào. Chỉ ra cho các ông chủ gia đình thấy được những cái sai, cái cần sửa của từng người là do lười lao động, hay rượu chè, chưa chăm lo đến đời sống kinh tế gia đình là nguyên nhân chính khiến người vợ dễ dàng nghe theo kẻ xấu.
Qua phân tích có tình, có lý, họ đã hiểu được rõ chị em phụ nữ chỉ là nạn nhân của bọn buôn người rồi bỏ qua định kiến, khơi dậy nghĩa tình chồng vợ, chăm lo tương lai cho các cháu nhỏ. Từ đó, cam kết với cán bộ Hội khi vợ trở về không có hành vi ngược đãi, hắt hủi, tránh những tình huống xấu nhất có thể xảy ra, mang lại sự bình yên cho mỗi ngôi nhà, mỗi thôn, bản.
Nhờ việc làm thiết thực của các cán bộ vừa là công an viên vừa là hội viên Hội CCB trong xã, những năm qua, cuộc sống của đồng bào Mông xã Hồ Bốn dần ổn định, trật tự trị an nơi vùng đồng bào dân tộc được giữ vững. Trung tá Lý Thị Cung - Phó trưởng Công an huyện Mù Cang Chải khẳng định: "Hội CCB xã Hồ Bốn là tập thể điển hình tiên tiến trong công tác phòng, chống tội phạm, quản lý tốt địa bàn. 10 năm liên tục, xã không có thanh niên nào mắc tai tệ nạn xã hội, góp phần tích cực cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc những năm qua”.
Lại Tấn