Bệnh viện Sản - Nhi Yên Bái: Nỗ lực sau một năm hoạt động

  • Cập nhật: Thứ hai, 30/10/2017 | 6:50:37 AM

YBĐT - Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Yên Bái mới đi vào hoạt động được 1 năm theo Quyết định số 1514/QĐ-UBND ngày 27/7/2016 của UBND tỉnh Yên Bái trên cơ sở tổ chức lại Khoa Sản và Khoa Nhi thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Sở Y tế.

Các bác sỹ thực hiện phẫu thuật u sơ cổ tử cung cho bệnh nhân.
Các bác sỹ thực hiện phẫu thuật u sơ cổ tử cung cho bệnh nhân.

Được tiếp quản lại cơ sở vật chất của Bệnh viện Đa khoa tỉnh với diện tích khá lớn nhưng nhiều hạng mục đã xuống cấp, đặc biệt là trang thiết bị cũ hỏng không đồng bộ, thiếu các trang thiết bị để phục vụ công tác khám chữa bệnh (KCB) đặc biệt về các lĩnh vực chuyên sâu: hỗ trợ sinh sản; chẩn đoán trước sinh; chẩn đoán, sàng lọc, điều trị ung thư... Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất ở Bệnh viện non trẻ này vẫn là nguồn nhân lực.
 
So với Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV về định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế Nhà nước thì thực tế hiện nay nhân lực của Bệnh viện Sản - Nhi Yên Bái mới chỉ đạt 51,7% (119/230 người), trong đó thiếu nhất là cán bộ điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên (tỷ lệ bác sỹ/ điều dưỡng là 1/1,19); tất cả các khoa, phòng của Bệnh viện đều không đủ nhân lực để đáp ứng được mọi hoạt động của Bệnh viện.

Khó khăn là không nhỏ, đặc biệt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân phải được thực hiện liên tục ngay trong quá trình thành lập nhưng đội ngũ cán bộ y, bác sỹ của Bệnh viện Sản - Nhi Yên Bái đã khắc phục khó khăn, vươn lên hoàn thành nhiệm vụ của mình. Bác sỹ Nguyễn Văn Phong - Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Yên Bái cho biết: "Khó có thể nói hết được những vất vả trong những ngày đầu, nhiều bộ phận chuyên môn như Khoa Nhi, Khoa Sản y, bác sỹ không có ngày nghỉ. Trong hoàn cảnh ấy, chúng tôi chỉ biết động viên, giúp đỡ lẫn nhau, tất cả vì người bệnh của mình".
 
Được biết, dù mới thành lập nhưng Bệnh viện Sản - Nhi Yên Bái đã tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng KCB: thành lập Hội đồng Quản lý chất lượng bệnh viện, tổ quản lý chất lượng, mạng lưới quản lý chất lượng, triển khai thực hiện Thông tư 19/2013/TT-BYT ngày 12/7/2013 Hướng dẫn thực hiện quản lý chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện như: xây dựng, trình Sở Y tế và đã được phê duyệt lần đầu 2.359 danh mục và xây dựng bổ sung lần 1 thêm 605 danh mục kỹ thuật chuyên môn  triển khai tại Bệnh viện; lập hồ sơ ký hợp đồng, tổ chức KCB bảo hiểm y tế phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân đúng phạm vi chuyên môn kỹ thuật, đảm bảo chất lượng và quy chế chuyên môn với thủ tục đơn giản thuận tiện cho người bệnh; xây dựng quy trình khám bệnh, giảm bớt sự chờ đợi của người bệnh; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý KCB; tăng cường công tác kiểm tra đánh giá chất lượng Bệnh viện theo tiêu chí của Bộ Y tế và giám sát thực hiện quy chế chuyên môn...

Trong công tác KCB, Bệnh viện đã bố trí 9 bàn khám, quầy thu viện phí, quầy cấp thuốc kê đơn cho người bệnh BHYT. Triển khai đủ các bàn khám của bệnh viện chuyên khoa, bố trí thêm các bàn chỉ dẫn, phòng đón tiếp có ti vi, đủ ghế ngồi, quạt điện, nước uống phục vụ người bệnh; tham gia khám giám định y khoa, khám sức khỏe định kỳ... Triển khai đầy đủ các văn bản liên quan đến thực hiện chính sách về bảo hiểm y tế cho người bệnh được hưởng chế độ BHYT. Phối hợp chặt chẽ với bộ phận giám định của BHXH trong việc thực hiện khám và kê đơn đúng bệnh, đúng thuốc đảm bảo hợp lý, an toàn và hiệu quả.
 
Về kỹ thuật chuyên môn, Bệnh viện đã thực hiện được 2.964 kỹ thuật theo phân tuyến (đạt 22.1%), trong đó có 64 kỹ thuật vượt tuyến (đã được phê duyệt theo Quyết định 511- QĐ/SYT ngày 14/10/2016 và QĐ số 204/QĐ-SYT ngày 26/4/2017 của Sở Y tế tỉnh Yên Bái). 6 tháng đầu năm 2017 Bệnh viện đã phẫu thuật 501 ca (trong đó có 49 ca phẫu thuật phiên, 452 ca phẫu thuật cấp cứu).
 
Triển khai thực hiện tốt Thông tư 07/2011/TT-BYT ngày 26/01/2011 hướng dẫn công tác điều dưỡng về chăm sóc người bệnh. Xây dựng các quy trình kỹ thuật chuyên môn, quy trình đón tiếp, quy trình chống nhầm lẫn người bệnh, quy trình theo dõi chăm sóc người bệnh và các quy định, quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn trên cơ sở các quy định hướng dẫn của Bộ Y tế.
 
Các khoa lâm sàng như: Hồi sức cấp cứu, Sản, Phụ, Nhi tổng hợp... đã điều trị thành công nhiều ca bệnh nặng, hiểm nghèo và thực hiện được nhiều thủ thuật cấp cứu đem lại sự sống cho người bệnh như: chửa ngoài tử cung vỡ, thai thiếu tháng kèm theo bệnh lý, sơ sinh non tháng suy hô hấp, tiêu chảy cấp mất nước nặng...

Bên cạnh kết quả khám và điều trị cho các bệnh nhân kể trên, điểm đáng ghi nhận của Bệnh viện Sản - Nhi Yên Bái sau một năm đi vào hoạt động chính là nhiều loại hình dịch vụ kỹ thuật mới được tập thể cán bộ y, bác sỹ của viện mạnh dạn đưa vào ứng dụng đó là áp dụng gây tê ngoài màng cứng cho các sản phụ chuyển dạ đẻ, tiên lượng đẻ thường (đẻ không đau).
 
Bác sỹ chuyên khoa II Tô Thu Hiền - Trưởng Khoa Sản chia sẻ: "Cũng là người mẹ nên tôi hiểu rõ sự đau đớn của các bà mẹ trong quá trình sinh nở; như chúng ta đã biết, thông thường một cơn chuyển dạ khéo dài 8 đến 9 tiếng, khiến bà mẹ mất sức rất nhiều, từ thực tiễn đó, chúng tôi đã áp dụng kỹ thuật "Đẻ không đau”.
 
Khi áp dụng kỹ thuật này, cơn chuyển dạ rút ngắn còn 3 đến 4 tiếng, bà mẹ sẽ không còn phải chịu đau đớn khi sinh nở”. Được biết, sau 2 tháng triển khai Khoa Sản đã thực hiện 50 ca đẻ không đau thành công, không ca nào xảy ra tai biến hoặc tác dụng phụ. Từ thành công ban đầu, Bệnh viện Sản - Nhi Yên Bái triển khai quy trình đẻ không đau thường quy cho mọi sản phụ có nhu cầu và đủ điều kiện.
 
Cùng với kỹ thuật đẻ không đau, Khoa Sản còn phối hợp với Khoa Gây mê hồi sức của Bệnh viện triển khai kỹ thuật giảm đau sau phẫu thuật. Thông thường sau ca mổ phụ, sản khoảng 4 đến 5 tiếng, bệnh nhân bắt đầu chịu những cơn đau kéo dài, rất hại cho sức khỏe, từ thực tế này, các bác sỹ đã thực hiện việc can thiệp giúp bệnh nhân không đau từ 24 đến 48 tiếng bằng hai phương pháp là gây tê ngoài màng cứng hoặc giảm đau đường tĩnh mạch bằng bơm tiêm điện.
 
Có mặt tại Khoa Sản, Bệnh viện Sản - Nhi Yên Bái, chúng tôi được chứng kiến nhiều bà mẹ sau đẻ thường hoặc sau phẫu thuật lấy thai đã tỉnh táo hoàn toàn, không hề có biểu hiện đau đớn. Sản phụ Nguyễn Hồng Oanh ở phường Nguyễn Thái Học tâm sự: "Biết các bác sỹ ở đây triển khai kỹ thuật đẻ không đau nên tôi đăng ký ngay. Và tôi đã sinh bé gái 3,7 kg mà không phải chịu cảnh "đau như đau đẻ”, ngay sau đẻ tôi đã bế và cho em bé bú, tình cảm mẹ và bé gần gũi, thân mật ngay từ những phút đầu tiên, sẽ rất tác dụng như y học đã từng khuyến cáo”.
 
Được biết, ngoài hai kỹ thuật "Đẻ không đau” và "Giảm đau sau phẫu thuật” kể trên, Khoa Sản, Bệnh viện Sản - Nhi còn thực hiện kỹ thuật "Sàng lọc sau sinh” bằng phương pháp lấy máu gót chân trẻ sơ sinh từ 36 đến 72 giờ đầu nhằm sàng lọc một số nguy cơ về dị tật bẩm sinh của trẻ với các bệnh liên quan đến rối loạn nội tiết và rối loạn chuyển hóa của 5 bệnh lý gồm: tuyến giáp, tuyến thượng thận, chuyển hóa men G6PD của gan, chuyển hóa đường và thận tiết niệu. Khi kết quả xét nghiệm có nguy cơ mắc bệnh cao, bác sỹ sẽ tư vấn cho các bà mẹ đưa trẻ đến khám và có hướng điều trị kịp thời.
 
Mặc dù mới được thành lập nhưng Khoa Phụ đã sớm triển khai thực hiện phẫu thuật nội soi, Khoa Hỗ trợ sinh sản triển khai kỹ thuật IUI (thụ tinh nhân tạo), đây là lĩnh vực chuyên môn khó, đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải có trình độ cao, trang thiết bị kỹ thuật và cơ sở vật chất hiện đại, đầy đủ. Việc ứng dụng kỹ thuật IUI đã mở ra cơ hội cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, vô sinh có điều kiện sinh con mà không phải đi lên tuyến trên, quá trình khám và sàng lọc, tư vấn đã giúp các bà mẹ mang thai hoặc có hướng đi chữa trị kịp thời.

Vẫn biết rằng, một bệnh viện non trẻ với muôn vàn những khó khăn, thiếu thốn nhưng những kết quả ban đầu trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân của đội ngũ cán bộ y, bác sỹ Bệnh viện Sản - Nhi Yên Bái đã đạt được thực sự đáng khích lệ, thể hiện sự cố gắng vươn lên của những người thầy thuốc và sự giúp đỡ có hiệu quả của các cấp, các ngành, trong đó có những chuyên gia đầu ngành từ hai bệnh viện đầu ngành sản và nhi trung ương.

Lê Phiên

Các tin khác
Đồng chí Gìang Seo Vần trao kinh phí hỗ trợ cho Ban Cứu trợ huyện Văn Chấn.

YBĐT - Tỉnh Lào Cai trao hỗ trợ nhân dân huyện Văn Chấn 200 triệu đồng, Công ty TNHH Cỏ May và Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Xuyên Việt trao 25 tấn gạo cho Ban cứu trợ tỉnh.

Bắc Bộ đón đợt không khí lạnh, vùng núi cao có nơi dưới 10 độ C.

Từ gần sáng và ngày mai (29/10), không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc nước ta. Từ đêm 30/10, trời rét vào đêm và sáng sớm với nhiệt độ thấp nhất 16-19 độ C, vùng núi 12-15 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 10 độ C.

Ảnh minh họa.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, đêm ngày 29/10, các tỉnh Bắc Bộ sẽ trở lạnh, vùng núi trở rét. Ngày 30/10, không khí lạnh sẽ tăng cường và ảnh hưởng đến các tỉnh ven biển Trung và Nam Trung Bộ.

YBĐT - Ngày 27/10, Hội Kế hoạch hóa gia đình tỉnh phối hợp với Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh tổ chức Hội thảo về mất cân bằng giới tính khi sinh năm 2017.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục