Văn Chấn: Đào tạo nghề gắn với xây dựng nông thôn mới

  • Cập nhật: Thứ tư, 31/1/2018 | 2:02:26 PM

YBĐT - Năm 2017, huyện đã đào tạo nghề được cho trên 3.000 người, đạt 120% kế hoạch, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 38%.

Người dân thôn Nậm Tọ, xã Thạch Lương làm nghề đan mây, tre.
Người dân thôn Nậm Tọ, xã Thạch Lương làm nghề đan mây, tre.


Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Văn Chấn luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm và đang phát huy tốt hiệu quả. Dù là nghề nông nghiệp hay phi nông nghiệp, nhưng sau khi học tại các lớp đào tạo nghề, phần lớn các học viên đã phát huy được nghề tại địa phương hoặc tại một số doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới (XDNTM). 

Được học nghề đan mây tre do Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên huyện Văn Chấn mở tại xã, chị Hoàng Thị Lắm và bà con thôn Nậm Tọ, xã Thạch Lương nhận thấy đây là nghề phụ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, khi rảnh rỗi là gia đình chị lại tập trung cùng làm.
 
Chị Lắm cho biết: "Mỗi tháng, nhà tôi xuất bán từ 5.000 - 6.000 chiếc rổ, rá, khay đựng làm từ mây, tre cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn. Ngoài việc đồng áng, chăn nuôi, tôi có thêm thu nhập từ nghề đan từ 80 - 100 nghìn đồng/ngày/ người”. 
 
Là xã còn nhiều khó khăn với mức thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 14 triệu đồng, do đó xã Thạch Lương luôn xác định đào đạo nghề để đem lại hiệu quả nâng cao thu nhập cho người dân. Năm 2017, xã đã phối hợp tổ chức 2 lớp dạy nghề đan mây, tre và trồng rau an toàn cho 60 học viên.
 
Ông Hà Văn Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: "Với mục tiêu nâng mức thu nhập bình quân lên 17 triệu đồng/người trong năm 2018, xã sẽ tiếp tục phối hợp mở lớp học đan mây tre, trồng rau an toàn cho người dân, bởi đây là những nghề thực sự đem lại thu nhập khi sản phẩm làm ra đã được các doanh nghiệp thu mua”.

Mô hình nuôi ong mật của anh Nguyễn Tiến Nghĩa ở thôn Văn Thi 3, xã Sơn Thịnh có quy mô trên 100 tổ ong, mỗi năm anh thu khoảng 1.000 lít mật, cung cấp cho thị trường các tỉnh: Yên Bái, Hưng Yên, Bắc Ninh…
 
Cùng đó, anh còn cung cấp ong giống cho các huyện trong tỉnh, tỉnh Phú Thọ và mỗi năm thu cả trăm triệu đồng, đời sống ngày càng được nâng lên. Anh Nghĩa chia sẻ: "Nuôi ong lâu năm, nhưng tôi chủ yếu tự đúc rút kinh nghiệm nên trước đây gặp nhiều khó khăn. Từ khi tham gia lớp dạy nghề nuôi ong mật do xã phối hợp tổ chức thì việc nuôi ong mới thực sự đem lại hiệu quả, giúp gia đình tôi có thu nhập ổn định”.
 
Hiện, xã Sơn Thịnh có tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức trên 17%, do đó tập trung phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đặt ra. Với mục tiêu hoàn thành chương trình XDNTM vào năm 2019, cùng với nhiều giải pháp thì đào tạo nghề, nâng cao thu nhập cho người dân được xã đặc biệt quan tâm; trong đó tập trung đào tạo những nghề gắn với thế mạnh địa phương như nuôi ong mật, trồng nấm, đan mây tre…
 
Năm 2017, huyện đã đào tạo nghề được cho trên 3.000 người đạt 120% kế hoạch, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 38%, trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn 830 người. Sau đào tạo nghề, các học viên biết áp dụng kỹ năng nghề, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tạo được sản phẩm có chất lượng tốt hơn.
 
Đối với học viên học nghề nông nghiệp, hầu hết học xong đều có việc làm, học viên học nghề phi nông nghiệp như sản xuất mây, tre đan đã được các cơ sở dạy nghề phối hợp với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, giúp người dân tại các địa phương nâng cao thu nhập, góp phần đẩy nhanh quá trình XDNTM.
 
Cùng đó, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) huyện - đơn vị trực tiếp phụ trách công tác dạy nghề hàng năm đã xây dựng kế hoạch đào tạo trên địa bàn huyện; đồng thời, chủ động đầu tư các phương tiện kỹ thuật và tăng cường sự phối hợp với những cơ sở đào tạo nghề, Trạm Khuyến nông, Trạm Thú y huyện để bổ sung sự thiếu hụt về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên...
 
Để đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, Phòng đã đẩy mạnh mối liên hệ với cơ sở, các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh để nắm nhu cầu được đào tạo nghề và nhu cầu được cung ứng lao động. Đặc biệt, lưu ý đến thời gian, chất lượng đào tạo để các học viên sau khi tốt nghiệp đều bảo đảm kiến thức cơ bản, được cấp chứng chỉ đào tạo để hành nghề.
 
Ông Trịnh Khắc Nghĩa - Trưởng phòng LĐTBXH cho biết: xác định việc chuyển dịch cơ cấu lao động là mục tiêu quan trọng để hoàn thành các tiêu chí XDNTM, phòng LĐTBXH huyện đã chú trọng đến việc đào tạo nghề nông thôn gắn với phát triển sản xuất; từ đó, chuyển dịch cơ cấu lao động.
 
 Để thực hiện mục tiêu dạy nghề gắn với nhu cầu lao động việc làm tại địa phương, Phòng đã xây dựng kế hoạch đào tạo cho từng giai đoạn cụ thể, gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lao động của địa phương, gắn đào tạo nghề với xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
 
Cơ cấu ngành nghề đào tạo giảm dần đào tạo lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thủy sản, tăng tỷ lệ lao động đào tạo trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, thương mại, góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động và các ngành nghề nông thôn, đảm bảo nguồn nhân lực có tay nghề, thúc đẩy quá trình XDNTM. Huyện cũng đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến, tìm kiếm thông tin về thị trường lao động trong và ngoài tỉnh để giới thiệu việc làm cho lao động sau đào tạo.      
                                                                                   
Thu Trang

Các tin khác
Trong những ngày rét đậm, rét hại, các em học sinh vùng cao Mù Cang Chải được quan tâm tăng cường dinh dưỡng trong bữa ăn, bảo đảm sức khỏe.

YBĐT - Để đối phó với tình hình thời tiết rét đậm từ ngày 26/1, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Mù Cang Chải tiếp tục chỉ đạo các trường học trên địa bàn tăng cường phòng, chống rét cho học sinh.

Chi hội Phụ nữ thôn 9, xã Việt Thành chăm sóc đường hoa.

YBĐT - Con đường thôn 9, xã Việt Thành thời điểm này rực rỡ sắc đỏ, hồng, vàng của những khóm mào gà, bỏng, cúc… Đây là thành quả của chị em thôn 9 trong suốt 3 tháng qua. 

Những ngôi nhà mới đã và đang được dựng lên trên vùng đất vừa trải qua trận lũ lịch sử.

YBĐT - Sau gần 3 tháng nỗ lực khắc phục hậu quả do trận lũ lịch sử xảy ra hồi đầu tháng 10/2017, đến nay cuộc sống của bà con nhân dân vùng lũ thị xã Nghĩa Lộ đã thực sự hồi sinh…

Ông Lê Văn Sửu chăm sóc hoa hồng chuẩn bị phục vụ cho thị trường ngày tết.

YBĐT - Thời điểm này, người trồng hoa ở thị xã Nghĩa Lộ đang tất bật vào vụ với nhiều công đoạn trồng và chăm sóc tỉ mỉ, đảm bảo sẽ cung ứng các loại hoa chất lượng, giá cả hợp lý cho thị trường ngày tết.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục