Đã từ nhiều năm nay, cuộc sống của gia đình bà Vũ Thị Nhàn ở tổ 2, phường Hợp Minh trở nên khá giả so với các gia đình hội viên khác, bởi bà biết vươn lên khắc phục khó khăn, đầu tư phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng. Được biết, trước kia gia đình bà là một trong những hộ nghèo của phường, nhưng đến năm 2009, bà được Hội LHPN của phường tạo điều kiện cho vay nguồn vốn nước sạch vệ sinh môi trường. Có nguồn vốn vay hỗ trợ, bà đã đầu tư xây hầm biogas và chăn nuôi lợn thịt, nuôi gà nên cuộc sống khấm khá dần lên.
Năm 2010, bà mạnh dạn đăng ký tham gia Dự án Chăn nuôi lợn thịt, lợn nái kết hợp và đã được Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng. Có thêm nguồn vốn lại được tổ chức hội quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ, hàng năm, bà đầu tư nuôi hàng trăm con lợn thịt, trên 10 con lợn nái để cung cấp nguồn con giống, nguồn thực phẩm có chất lượng cho thị trường. Trung bình mỗi năm, trừ các khoản chi phí, gia đình bà có mức thu nhập từ 100 đến 150 triệu đồng.
Bà Nhàn cho biết: "Trong quá trình đầu tư chăn nuôi, tôi luôn giữ được chữ tín với các thương lái, thông qua việc tận dụng cơm thừa, nước rác của các hộ trong khu, các nhà hàng trong thành phố và nguồn rau sẵn có của gia đình nên chất lượng thịt lợn thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng".
Còn với bà Mai Thị Vì cũng ở tổ 2, phường Hợp Minh lại chọn mô hình đầu tư phát triển chăn nuôi gà thương phẩm để vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Năm 2010, trong lúc cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi thì bà được Hội LHPN phường tạo điều kiện cho vay vốn 8 triệu đồng để đầu tư phát triển kinh tế.
Được tham gia tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi gà, vịt, bà đã mạnh dạn đầu tư nuôi gà, nuôi vịt thương phẩm. Bước đầu bà đầu tư nuôi 300 con, rồi đến 500 con, 1.000 con. Năm 2017, bà đã cung cấp cho thị trường 2 lứa gà, vịt với tổng số gần 2.000 con, cho thu nhập gần 100 triệu đồng và cuộc sống dần trở nên khấm khá.
Hiện nay, gia đình bà đã có của ăn, của để, nuôi dạy con cái ăn học trưởng thành. Khi được hỏi về những dự định trong thời gian tới, bà Vì mong muốn: "Gia đình chúng tôi rất mong được tổ chức hội phụ nữ, các cấp, các ngành, tạo điều kiện cho vay thêm vốn để đầu tư mở rộng cơ sở chăn nuôi quy mô 2.000 con gà vịt/lứa, góp phần tăng nguồn thu nhập cho gia đình và cung cấp nguồn thực phẩm chất lượng cho thị trường".
Bà Vũ Thị Tố Loan, khu dân cư Thắng Lợi 1 thuộc Hội LHPN phường Nguyễn Thái Học lại khắc phục khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế từ ngành nghề cơ khí rồi đến sửa chữa ô tô. Năm 2004, khi bước vào đầu tư sản xuất, gia đình bà gặp muôn ngàn khó khăn do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, thiếu mặt bằng để làm nhà xưởng.
Được tổ chức hội thường xuyên quan tâm, động viên tạo mọi điều kiện giúp đỡ như tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tạo cơ chế, chính sách thông thoáng để bà Loan yên tâm đầu tư phát triển ngành nghề sửa chữa ô tô cũng như tạo mọi điều kiện cho vay nguồn vốn để mở rộng xưởng sửa chữa. Bởi vậy, từ lúc cuộc sống còn khó khăn, với hai bàn tay trắng lập nghiệp, đến nay, xưởng sửa chữa ô tô của bà đã phát triển thành Công ty TNHH Sửa ô tô Thành Đạt, có hàng nghìn mét vuông nhà xưởng và hàng năm đóng góp cho ngân sách Nhà nước từ 400 đến 500 triệu đồng, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 25 lao động.
Không những vươn lên làm kinh tế giỏi, bà Vũ Thị Tố Loan còn tích cực tham gia công tác xã hội và là một trong những tấm gương phụ nữ điển hình trong phong trào thi đua yêu nước của Hội LHPN thành phố nhiều năm qua.
Bà Loan tâm sự: "Trong những năm qua, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm tạo điều kiện của Hội LHPN phường Nguyễn Thái Học. Cụ thể là, tổ chức hội đã kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tạo mọi hành lang về cơ chế, chính sách để Công ty hoạt động tốt, góp phần tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động".
Thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, những năm qua, Hội LHPN phường Nam Cường cũng đã phát động các phong trào thi đua phụ nữ làm kinh tế giỏi, giúp nhau xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, tuyên truyền tới chị em hội viên các chính sách hỗ trợ của thành phố đối với các dự án chăn nuôi, trồng trọt như dự án chăn nuôi gà, nuôi lợn nái, lợn thịt, nuôi thỏ, nuôi ba ba, nuôi ong lấy mật, trồng cây ăn quả, cây dược liệu; động viên, khuyến khích chị em tích cực tham gia hưởng ứng.
Đồng thời, tạo mọi điều kiện, giúp chị em được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế. Nhờ có những hoạt động tích cực đó, đến nay, tổ chức hội phụ nữ của phường đã có trên 30 mô hình phát triển kinh tế có mức thu nhập từ 70 đến 200 triệu đồng/năm, tạo thêm việc làm thu nhập cho gần 100 lao động.
Chị Đinh Thị Thu Hảo - Chủ tịch Hội LHPN phường Nam Cường cho hay: "Đối với công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, chúng tôi luôn chỉ đạo các chi hội trực thuộc quan tâm tạo điều kiện cho chị em được vay nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và vay nguồn vốn giải quyết việc làm và thực hiện tốt phong trào tiết kiệm 5.000 đồng/tháng để giải quyết cho hội viên nghèo vay đầu tư phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Không chỉ ở Hội LHPN các phường Hợp Minh, Nguyễn Thái Học, Nam Cường, trong những năm qua, tất cả các tổ chức hội phụ nữ cơ sở thuộc Hội LHPN thành phố Yên Bái đều triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế.
Khu nhà xưởng sửa chữa ô tô của bà Vũ Thị Tố Loan ở phường Nguyễn Thái Học.
Theo đó, hoạt động phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, phát huy nội lực trong các tổ chức hội cơ sở được triển khai thực hiện có hiệu quả. Hiện nay, Hội LHPN thành phố đang duy trì 46 nhóm phụ nữ tiết kiệm, với 209 hội viên tham gia, tiết kiệm được gần 2 tỷ đồng, giải quyết cho 80 hội viên vay vốn phát triển kinh tế. Đồng thời, quản lý tốt 87 tổ tiết kiệm và vay vốn, với 2.216 thành viên tham gia, với tổng dư nợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội trên 47 tỷ đồng, giải quyết hàng nghìn lượt hội viên vay đầu tư phát triển kinh tế gia đình.
Mặt khác, Hội LHPN thành phố còn phối hợp với các ngành chức năng, tổ chức tốt các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, giúp cho chị em có thêm kinh nghiệm trong đầu tư phát triển kinh tế. Do có những biện pháp tích cực, nên đến nay, toàn thành phố có 947 mô hình phát triển kinh tế của chị em hội viên phụ nữ có mức thu nhập từ 70 đến 100 triệu đồng/năm, 240 mô hình có mức thu nhập từ 100 đến 300 triệu đồng/năm. Qua đó, góp phần thực hiện tốt mục tiêu xóa đói giảm nghèo ở địa phương, giúp chị em vươn lên làm giàu chính đáng.
Bà Dương Thị Hải Yến - Chủ tịch Hội LHPN thành phố cho biết: "Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các cấp hội cơ sở quan tâm tạo điều kiện cho chị em vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Đồng thời, duy trì có hiệu quả các mô hình tiết kiệm 5.000 đồng/tháng. Từ đó, tạo thêm nguồn vốn giúp chị em nghèo được vay với lãi suất thấp để đầu tư phát triển kinh tế gia đình, góp phần giúp chị em nâng cao thu nhập và xóa nghèo bền vững".
Trong những năm qua, thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế đã đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong các cấp hội phụ nữ ở thành phố. Thông qua hoạt động này, giúp chị em gắn bó, đoàn kết với nhau hơn, phát huy tốt tinh thần tương thân tương ái, cùng sẻ chia trách nhiệm giúp đỡ các hội viên nghèo vươn lên khắc phục khó khăn, thoát nghèo bền vững, cùng thi đua phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội, góp phần xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Thu Hồng - Thanh Nghị (Trung tâm TT và VH thành phố Yên Bái)