Trấn Yên: Chuyển biến từ đào tạo nghề cho lao động nông thôn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/3/2018 | 1:56:21 PM

YBĐT - Cái được lớn nhất là người nông dân đã thay đổi nhận thức từ thói quen lao động nhỏ lẻ trong sản xuất nông nghiệp. 

Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được huyện Trấn Yên xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng giúp người dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập giảm nghèo bền vững.

Do vậy, ngay sau khi có Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" và Kế hoạch thực hiện Đề án của UBND tỉnh, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” trên địa bàn huyện.
 
Cùng đó, huyện đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của đào tạo nghề cho lao động nông thôn; phối hợp với Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên tổ chức tuyên truyền, tư vấn, vận động hội viên, đoàn viên tham gia học nghề bằng nhiều hình thức, lựa chọn nghề phù hợp nhằm nâng cao thu nhập.

Ông Vũ Văn Phong - Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết: sau 8 năm thực hiện Đề án, cái được lớn nhất là người nông dân đã thay đổi nhận thức từ thói quen lao động nhỏ lẻ trong sản xuất nông nghiệp. Giờ đây, phần lớn trong số họ đã mạnh dạn làm ăn nhờ những kiến thức, hiểu biết thông qua các lớp tập huấn, các chương trình đào tạo nghề để đưa lại hiệu quả hơn trong sản xuất, kinh doanh. Không chỉ nhiều nghề mới đang cho thu nhập khá mà ngay trong sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ dân đã biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên năng suất cây trồng, vật nuôi cũng nhanh hơn, cao hơn trước.

Trước đây, nhiều hộ dân ở xã Hòa Cuông còn khá lạ lẫm với nghề trồng dâu nuôi tằm và toàn xã chỉ có vài hộ tham gia trồng hơn 3 ha. Sau khi có chủ trương của huyện, xã đưa cây dâu về trồng tại Hòa Cuông và hỗ trợ người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm thì ngày càng có nhiều hộ tham gia. Đặc biệt, các lớp đào tạo nghề trồng dâu nuôi tằm được tổ chức trên địa bàn đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
 
Anh Đào Quang Cảnh ở thôn 5 xã Hòa Cuông là một trong những hộ đầu tiên trong xã đưa cây dâu về trồng trên đất lúa và hoa màu kém hiệu quả của gia đình với xuất phát điểm là 8 sào dâu.
 
 Anh Cảnh chia sẻ: "Trước đây, cuộc sống của gia đình tôi gặp nhiều khó khăn do không có nghề nghiệp ổn định. Sau khi tìm hiểu về trồng dâu nuôi tằm từ các địa phương khác và tham gia lớp đào tạo nghề dâu tằm do xã tổ chức, năm 2017, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích ruộng, soi bãi, vườn đồi sang trồng dâu được thêm 9 sào và năm 2018 này sẽ trồng thêm 5 sào. Hiện tại, với 8 sào dâu kinh doanh và việc ươm cây giống bán cho các hộ trong xã đã đem lại nguồn thu nhập cho gia đình tôi gần 100 triệu đồng mỗi năm”.

Không riêng gì hộ anh Cảnh mà hiện nay ở xã Hòa Cuông hầu hết các hộ sau khi tham gia lớp đào tạo nghề trồng dâu nuôi tằm đều mạnh dạn chuyển đổi diện tích ruộng, soi bãi, vườn đồi kém hiệu quả kinh tế sang trồng dâu nuôi tằm. Do đó, diện tích trồng dâu của xã ngày càng được mở rộng và tăng lên gần 10 ha.
 
Trong năm 2018, Hòa Cuông tiếp tục phấn đấu trồng mới 10 ha dâu. Song song với việc mở rộng diện tích, chính quyền xã cũng chú trọng chuyển giao khoa học, kỹ thuật thông qua các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn. Đồng thời, huy động sự vào cuộc tích cực của các hội đoàn thể, nhất là Hội Nông dân, Hội Phụ nữ với mục tiêu quan trọng, nhất là giúp người dân có thêm kiến thức để áp dụng vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bên cạnh đào tạo các nghề nông nghiệp, huyện còn chú trọng tới các nghề phi nông nghiệp như: may mặc, kỹ thuật nấu ăn, xây dựng... để giúp người dân chuyển đổi cơ cấu ngành nghề phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh gia đình và thực tế tại địa phương.
 
Qua đào tạo nghề, học viên đã tiếp cận được kiến thức mới về lĩnh vực mình đào tạo. Từ đó, có thể tạo việc làm tại chỗ hoặc tự tạo việc làm, có cơ hội được nhận vào làm việc tại các cơ sở sản xuất và các doanh nghiệp tại địa phương; qua đó, nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình.
 
Chị Nguyễn Thị Hồng Tưởng ở thôn 1, thị trấn Cổ Phúc là một ví dụ. Sau khi được tham gia lớp đào tạo nghề nấu ăn với thời gian 3 tháng, chị đã được tìm hiểu thêm nhiều kiến thức về lựa chọn, chế biến thực phẩm. Từ đó, giúp chị tự tin, mạnh dạn mở rộng quy mô cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống của gia đình. Nhờ vậy, thu nhập của gia đình chị cũng ổn định hơn trước và ngày càng tăng lên.

Nhờ chú trọng gắn đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ với nhu cầu thực tiễn tại từng địa phương và nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của huyện, tỷ lệ hộ nghèo của Trấn Yên giảm dần qua từng năm. Nhiều ngành nghề được đào tạo đã phát huy hiệu quả rõ rệt, giúp nâng cao đời sống của người dân.
 
Thời gian tới, huyện xác định tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền; phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, đoàn thể trong xã hội nhằm tạo ra bước chuyển biến tích cực trong đào tạo nghề, gắn đào tạo với giải quyết việc làm; phối hợp với các doanh nghiệp có nhu cầu lao động để triển khai đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, giải quyết việc làm giúp cho lao động nông thôn có thu nhập ổn định, đảm bảo an sinh xã hội; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá về số lượng, chất lượng đào tạo, đặc biệt là giải quyết việc làm sau đào tạo nghề.
 
Kim Oanh

Các tin khác
Người lao động đến giao dịch tại bộ phận “một cửa” của BHXH huyện Trấn Yên.

YBĐT - Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Trấn Yên luôn nỗ lực thực hiện tốt chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm các chế độ bảo hiểm trên địa bàn.

Chị em phụ nữ xã Tuy Lộc tích cực nuôi heo đất tiết kiệm để giúp hội viên nghèo phát triển kinh tế.

YBĐT - Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố Yên Bái đã triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế; từ đó, góp phần tích cực trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc. 

Lực lượng đoàn viên thanh niên tích cực tham gia tuyên truyền bài trừ ma túy và tệ nạn xã hội.

YBĐT - Tỉnh Yên Bái hiện nay có trên 220.000 đoàn viên, thanh niên tham gia sinh hoạt tại 17 đơn vị huyện, thị, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc. 

YBĐT - Chiều 8/3, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức gặp mặt nhân dịp kỷ niệm 108 năm Ngày Quốc tế phụ nữ (8/3/1910-8/3/2018) và 1978 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40- 2018).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục