Cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học tỉnh Yên Bái 2018 đã kết thúc nhưng dư âm vẫn còn đang rất nóng trong các trường học, bởi những ý tưởng hay, những sản phẩm mang tính ứng dụng và xuất phát từ chính đời sống hàng ngày.
Hình ảnh hai cô gái Nguyễn Thảo My và Phan Huyền Nhung, lớp 12 Văn, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành tự tin trình bày Dự án "Thao túng tinh thần” khiến những người có mặt tại cuộc thi hôm đó thấy bất ngờ và đầy tự hào về một thế hệ học trò bản lĩnh, tự tin, nỗ lực tìm tòi sáng tạo.
Ý tưởng của các em hoàn toàn mới, những khái niệm được khái quát từ chính những quan niệm, hành động vốn tồn tại trong các mối quan hệ cha mẹ với con, thầy cô với học trò và giữa bạn với bạn mà lâu nay rất nhiều người lớn chưa thể định danh được đó là gì. Không ít người lớn ngỡ ngàng trước sự định danh ấy, rồi những khảo sát kỳ công từ thực tế trong các bạn học sinh tại một số trường học và chỉ ra nguyên nhân, đề xuất những giải pháp.
Nguyễn Thảo My chia sẻ: "Hệ quả của việc thao túng tinh thần là rối loạn tâm lý, tự làm đau bản thân, tự tạo áp lực, phụ thuộc vào người khác, tự hạ thấp mình, căm ghét bản thân, sợ giao tiếp... có thể dẫn đến những hành động tiêu cực như bỏ học, tự tử... Ý tưởng của đề tài chính là từ thực tế. Chúng em đã thấy đó là những ám thị của các bạn học sinh phải chịu do những lời đùa ác ý của bạn bè, từ những sự lặp đi lặp lại định hướng của cha mẹ mà không chịu nghe những mong muốn của con, thái độ của giáo viên với học sinh làm cho các bạn ảnh hưởng đến tâm lý, dần dần làm mất tinh thần, bẻ gãy niềm tin của các bạn”.
Khi được hỏi từ đâu mà có ý tưởng của đề tài này, Thảo My không ngần ngại cho biết: "Chắc chắn là nhiều bạn đã từng nghe những câu như: Bố mẹ đăng ký mấy trường kinh tế cho con rồi đấy, mấy môn vẽ vời của con không mài ra mà ăn được; điểm kém thế này mai sau chỉ có vứt đi; xấu như vậy dù có đua đòi làm đẹp cũng không khá hơn được; bài dễ thế này mà cậu cũng phải hỏi cô giáo à, cậu đang làm mất thời gian của cả lớp đấy, cậu không thấy xấu hổ à?... Lần 1 sẽ không vấn đề gì, lần 2 rồi 3 sẽ làm cho đối tượng bị tác động tinh thần khiến nạn nhân nghi ngờ về óc phán đoán và giá trị của bản thân và xung quanh em, nhiều bạn bè của em cũng ít nhiều có dấu hiệu bị thao túng tinh thần”.
Đề tài của Thảo My và Huyền Nhung xuất phát từ chính thực tế mà các em đang sống, từ môi trường học, từ bạn bè, nhưng cái hơn hẳn đó là các em đã biết khái quát, định danh và có hướng giải quyết vấn đề này. Có lẽ sau đề tài của các em, nhiều bậc phụ huynh, nhiều giáo viên giật mình nhận ra bấy lâu ít nhiều đã thao túng tinh thần con em mình, học sinh của mình mà mình không biết.
Em Dương Đức Mạnh - học sinh lớp 9, Trường THCS Viễn Sơn, Văn Yên sau khi nghe Đề tài "Thao túng tinh thần” đã chia sẻ: "Hàng ngày, em có gặp những hiện tượng này trong quan hệ bố mẹ với con, bạn với bạn, tuy nhiên em không nghĩ để lại hậu quả to lớn như vậy. Các chị ấy cũng chỉ ra cách để em đối thoại với bố mẹ, bạn bè nhằm giảm thiểu việc tác động thao túng tinh thần. Một đề tài rất hay, em mở mang hơn khi được nghe đề tài này”.
Ban Giám khảo Cuộc thi nhận định, đây là một đề tài mới và sát thực tế, có tính sáng tạo cao và đã trao giải Nhất rất thuyết phục cho Thảo My và Huyền Nhung.
Dự án bảo tồn và phát huy văn hóa tín ngưỡng đạo Mẫu của Trường phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh.
Còn với Dự án "Nghiên cứu chế tạo công cụ thu gom để xử lý an toàn vỏ thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ tại vùng rau xã Tuy Lộc” của Nguyễn Xuân Quỳnh và Nguyễn Thị Hồng Ngọc – lớp 9A, Trường Tiểu học và THCS Tuy Lộc, thành phố Yên Bái tuy không đoạt giải, nhưng ý tưởng lại hoàn toàn xuất phát từ thực tế, ý thức bảo vệ môi trường của các em. Công cụ thu gom của các em loại bỏ được những hạn chế của công cụ hiện tại đó là tránh việc tiếp xúc trực tiếp với mặt đất gây ô nhiễm vùng đất phía dưới. Đồng thời công cụ thay thế có mái che, tránh việc trôi thuốc bảo vệ thực vật sang các vùng khác. Không chỉ là công cụ, các em còn xây dựng các chương trình tuyên truyền tới nhân dân trong vùng.
Xuân Quỳnh chia sẻ: "Chúng em đã tổ chức được 17 buổi tuyên truyền từ khi thực hiện đề tài. Nhờ sự hỗ trợ của nhà trường, nhân dân một số thôn chúng em cũng đã xây dựng được những nhà thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật tại 3 thôn. Qua những buổi tuyên truyền đã có tác động tới người dân trong vùng”.
Cô giáo Đặng Minh Hòa – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Tuy Lộc, người trực tiếp hướng dẫn các em chia sẻ: "Đề tài của các em đã ứng dụng trong thực tiễn, tuy không phải là những nghiên cứu cao siêu nhưng cho thấy các em có ý thức trách nhiệm với cộng đồng. Đặc biệt, các em đã xây dựng được những buổi tuyên truyền với nội dung phong phú, thiết thực, được chính quyền địa phương đánh giá cao. Tuy các em không đoạt giải nhưng ý tưởng của các em đã được đưa vào thực tế và đặc biệt thúc đẩy phong trào sáng tạo trong học sinh nhà trường, thúc đẩy ý thức trách nhiệm cộng đồng trong các em học sinh”.
Em Nguyễn Xuân Quỳnh và Nguyễn Thị Hồng Ngọc - lớp 9A, Trường Tiểu học và THCS Tuy Lộc, thành phố Yên Bái với Dự án "Nghiên cứu chế tạo công cụ thu gom để xử lý an toàn vỏ thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ tại vùng rau xã Tuy Lộc”.
Dự án của Thảo My - Huyền Nhung của Xuân Quỳnh – Hồng Ngọc chỉ là hai trong số 57 dự án tham gia vòng chung kết Cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm 2018 và là số ít trong rất nhiều những sáng tạo của học sinh trên địa bàn toàn tỉnh.
Những ý tưởng hoàn toàn xuất phát từ đời sống hàng ngày mà các em tiếp xúc. Đặc biệt, nó cho thấy ý thức trách nhiệm xã hội của học sinh, góp phần hoàn thiện giáo dục toàn diện trong trường học mà chúng ta đang hướng tới. Qua đó, hoàn toàn tin tưởng vào một thế hệ học sinh bản lĩnh, giỏi giang sẽ đóng góp công sức vào sự phát triển của tỉnh sau này.
Thanh Ba