Duy trì sĩ số và bảo đảm tỷ lệ chuyên cần: Kinh nghiệm từ Kiên Thành

  • Cập nhật: Thứ ba, 2/10/2018 | 8:00:21 AM

YBĐT - Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (THCS) xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên đang nuôi dạy trên 500 học sinh, trong đó 195 em học bán trú. Là trường vùng sâu, vùng xa, gần 100% học sinh là đồng bào Dao, Tày, Mông, đến từ 9 thôn, bản trong xã, nhiều em học sinh phải trèo đèo, lội suối cả chục cây số mới đến được lớp học.

Hoạt động vui chơi, giải trí giúp các em học sinh bớt nhớ nhà và hòa nhập hơn.
Hoạt động vui chơi, giải trí giúp các em học sinh bớt nhớ nhà và hòa nhập hơn.

Chính vì thế, việc duy trì sĩ số, bảo đảm tỷ lệ chuyên cần trở thành nhiệm vụ quan trọng và rất khó khăn. Thực tế, những năm trước đây, học sinh ở Kiên Thành ra lớp không đúng độ tuổi, bỏ học giữa chừng khá nhiều; chuyện học sinh nghỉ học không lý do, đặc biệt sau kỳ nghỉ hè, nghỉ lễ, tết là khá phổ biến. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng kể trên trong đó chủ yếu là nhận thức của đồng bào các dân tộc chưa đầy đủ; chế độ, chính sách của Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục vùng cao còn nhiều hạn chế...
 
Duy trì sĩ số, bảo đảm tỷ lệ chuyên cần của học sinh trở thành nhiệm vụ quan trọng nhưng hết sức khó khăn của Trường Tiểu học và THCS Kiên Thành trong suốt thời gian qua, nhất là từ khi thực hiện việc sắp xếp lại trường lớp, xóa các điểm lẻ, tập trung về trường chính.

Thầy giáo Đào Trọng Hai – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Đời sống của đồng bào các dân tộc xã Kiên Thành còn khó khăn và không đồng đều; tiềm năng, thế mạnh của địa phương chưa được khai thác hết. Nguyên nhân của tình trạng ấy một phần quan trọng là do trình độ dân trí không cao. Giáo dục phải đi trước nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống mới.
 
Từ nhận thức đúng đắn ấy, Chi bộ, Ban Giám hiệu nhà trường đã rất trăn trở, bàn luận và xác định ba giải pháp để duy trì sĩ số, bảo đảm tỷ lệ chuyên cần. Đó là, triển khai đầy đủ, có chất lượng các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước; chăm lo thật tốt cuộc sống, sinh hoạt của các em học sinh và cuối cùng là cán bộ, giáo viên quan tâm, chăm sóc học sinh của mình với tình yêu thương, tinh thần trách nhiệm cao nhất”. Từ năm 2016, Nghị định số 116 của Chính phủ ra đời. Tiếp đó, tỉnh Yên Bái cũng đã có Quyết định số 24 quy định, hướng dẫn cụ thể việc áp dụng Nghị định số 116 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
 
Theo đó, học sinh tiểu học, nhà ở cách trường 2 km; học sinh THCS cách trường 4 km mà đường đi khó khăn, qua đèo dốc, suối thì được học bán trú, được hỗ trợ 15 kg gạo và số tiền bằng 40% mức lương cơ sở/học sinh/tháng. Nhằm giúp người dân và các bậc phụ huynh hiểu rõ hơn, Ban Giám hiệu nhà trường đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền cũng như thực hiện rà soát, xét duyệt học sinh bán trú, bảo đảm đúng quy định, đúng đối tượng.
 
 
 
Nhân viên dinh dưỡng chuẩn bị khẩu phần ăn cho học sinh bán trú.
 
Trên cơ sở tổng số học sinh đã được phê duyệt, nhà trường xây dựng phương án, bố trí nơi ăn, ở cho học sinh. Theo đó, học sinh bán trú được chia làm 3 khu, tùy vào độ tuổi, giới tính và dân tộc; thành lập các tổ tự quản, nội quy ăn ở và bố trí mỗi phòng có từ 3 đến 4 cán bộ, giáo viên phụ trách.
 
Đồng thời, đơn vị cũng thành lập Tiểu ban Quản lý học sinh bán trú với trách nhiệm, tham gia quản lý, giám sát chế độ, chính sách, xây dựng mối liên lạc với phụ huynh học sinh, tuyên truyền, xây dựng và triển khai các phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, giáo dục kỹ năng sống, xây dựng thói quen nề nếp sinh hoạt cho học sinh...

Việc tổ chức bữa ăn cho học sinh tại trường bảo đảm đủ số lượng, đúng chất lượng và giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm được nhà trường đặc biệt quan tâm. Mọi công đoạn nhập, xuất lương thực, thực phẩm đều được giám sát chặt chẽ theo đúng quy trình. Nhân viên dinh dưỡng là người địa phương, được đào tạo, tập huấn qua các lớp nấu ăn, an toàn vệ sinh thực phẩm và được tuyển chọn từ người địa phương, có sức khỏe bảo đảm. Mỗi lần nhận gạo đều có khối lượng lớn. Vì việc bảo quản khó khăn nên gạo nhanh xuống cấp.
 
Trên cơ sở xin ý kiến chỉ đạo từ UBND huyện, nhà trường đã có sáng kiến, bàn giao số gạo đã tiếp nhận từ Nhà nước cho đại diện phụ huynh học sinh quản lý, chuyển đổi và nhận lại gạo để nấu ăn cho học sinh theo từng đợt nên các em đã có những bát cơm không chỉ đầy đủ mà còn thơm dẻo, ăn ngon miệng. Nhờ thế, phụ huynh yên tâm hơn khi để con ở lại bán trú. Các thầy, cô giáo còn có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng cơ sở vật chất; tìm kiếm nguồn nước sạch, xử lý nguồn nước thải hay áp dụng công nghệ tận dụng nguồn nhiệt trong quá trình đun nấu để lắp đặt hệ thống nước nóng giúp các em tắm giặt, vệ sinh trong những ngày mùa đông.

Sau một tháng tựu trường, học sinh Trường Tiểu học và THCS Kiên Thành như bầy chim ríu rít, học, chơi, ăn, ngủ trong khuôn viên ngôi trường khang trang, sạch đẹp, với sự quan tâm, chăm sóc, dạy bảo của các thầy, các cô.
 
Phụ huynh Giàng A Chơ - người dân tộc Mông ở thôn Đồng Ruộng đưa con xuống học bán trú đã hoàn toàn yên tâm khi thấy đứa con bé bỏng đã tự tin, nhanh nhẹn, hòa đồng với chúng bạn. A Chơ kể rằng: "Cuối tuần trước, mình xuống đón con, thấy nó sạch sẽ và ngoan hẳn lên, vợ chồng mình vui lắm! Về nhà chơi, nó kể được ăn ngon, được vui chơi, múa hát. Sáng thứ Hai, con mình đã đòi xuống trường để gặp thầy cô và các bạn”.
 
Học sinh Lý Văn Tường - người dân tộc Dao ở thôn Đồng Phay cho biết: "Về học bán trú, lúc đầu, em cũng rất nhớ nhà nhưng được các thầy cô động viên, chỉ bảo, em cũng quen dần. Hơn nữa, đi học không chỉ là ước mơ của em, mong muốn của bố mẹ mà đến đây em còn được ăn no đủ, được dạy bảo kỹ năng sống, được hòa đồng với các bạn trong phòng, trong lớp”.

Để cho các bậc cha mẹ yên tâm khi có con đi học bán trú, để các em học sinh thấy được niềm vui, niềm hạnh phúc khi tới trường, tới lớp, chắc chắn không chỉ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cũng như việc thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách cho các em học sinh mà trên tất cả là tình yêu thương, tinh thần trách nhiệm của tập thể cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học và THCS Kiên Thành - những người mỗi ngày phải vượt hàng chục cây số đèo dốc quanh co, lầy lội, bụi bặm, qua sông, lội suối để đến với các em.
 
Dù chưa có bất cứ một chế độ, chính sách nào nhưng các thầy cô vẫn thay nhau ở lại trường để chăm sóc các em từ bữa ăn, giấc ngủ, có những lần thức trắng đêm khi học sinh bị ốm hay phải an ủi, dỗ dành lúc tủi thân, nhớ nhà; đôi khi lại ân cần chia sẻ, động viên, tâm sự khi học sinh lớn gặp phải chuyện buồn hoặc vi phạm khuyết điểm...
 
Ngay từ đầu năm học, dù bận rất nhiều công việc nhưng hàng loạt các hoạt động như: huấn luyện bóng chuyền hơi, bóng đá, cầu lông; thi kéo co; củng cố các đội văn nghệ, câu lạc bộ ca hát, múa; nâng cao chất lượng thư viện ngoài trời; triển khai mượn đất để xây dựng vườn rau xanh... vẫn được Ban Giám hiệu nhà trường quan tâm vì qua các hoạt động ấy, các em sẽ vơi đi nỗi nhớ nhà, yêu mến, gắn bó với mái trường thân thương.

Thấy các em học sinh đang say mê khi học tập, hồn nhiên, hòa đồng, tự tin trong vui chơi; nề nếp, vệ sinh trong ăn ở, sinh hoạt và chứng kiến vợ chồng cô giáo Lại Diệu Hoa - Phạm Đức Sơn chia tay nhau với lời dặn: "Đêm nay, em ở lại trực bán trú, anh về lo cho con, cẩn thận nó ốm, thời tiết đang chuyển mùa đấy!”, tôi thực sự xúc động và khâm phục các thầy cô giáo vùng cao. Qua đó tin tưởng chắc chắn rằng, sự nghiệp giáo dục sẽ đi lên vì có những cán bộ, giáo viên tâm huyết như thế!

Lê Phiên

Các tin khác

Hàng trăm người đã đăng ký hiến mô, tạng giúp lan tỏa mạnh mẽ hành động cứu người đầy ý nghĩa và nhân văn; góp phần cứu chữa người bệnh có nhu cầu.

Lực lượng chức năng TP Hà Nội vừa phát hiện thêm nhiều lô nước muối sinh lý không đảm bảo tiêu chuẩn của các cơ sở sản xuất đang được lưu hành trên thị trường.

YBĐT - Sáng 1/10, tại thị xã Nghĩa Lộ, UBND tỉnh, Ban đại diện Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh và UBND thị xã Nghĩa Lộ đã tổ chức phát động "Tháng hành động vì NCT Việt Nam" và khai mạc Giải bóng chuyền hơi NCT lần thứ 3, tỉnh Yên Bái năm 2018. 

Đoàn công tác liên ngành kiểm tra điểm kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố Yên Bái.

YBĐT - Với nhịp sống ngày nay thì những món ăn nhanh, tiện lợi, hợp túi tiền như thức ăn đường phố là lựa chọn phổ biến của nhiều người. Tuy vậy, thức ăn đường phố lại tiềm ẩn nhiều nguy hại, đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục