Văn Chấn nỗ lực hồi sinh sau lũ

  • Cập nhật: Thứ tư, 3/10/2018 | 7:58:12 AM

YBĐT - Sau những thiệt hại rất lớn về người và tài sản do bão lũ, người dân huyện Văn Chấn lại phải đối mặt với nguy cơ sạt lở đất trên diện rộng, buộc hàng trăm hộ phải di dời. Với quyết tâm tạo điều kiện tốt nhất để các hộ dân sớm ổn định cuộc sống, huyện đã triển khai nhiều giải pháp tích cực.

Người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai dựng nhà tại khu tái định cư bản Ngoa, xã Phúc Sơn.
Người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai dựng nhà tại khu tái định cư bản Ngoa, xã Phúc Sơn.

Nậm Mười là một trong những xã của huyện Văn Chấn bị thiệt hại nặng nề về người và của trong những đợt mưa lũ vừa qua. Ngoài 2 người chết, hàng trăm héc-ta quế, lúa và hoa màu bị vùi lấp, cuốn trôi, xã có 97 hộ phải di dời.
 
Để ổn định đời sống cho các hộ dân bị thiên tai, xã đã nỗ lực tìm quỹ đất nhưng do địa bàn vùng cao, địa hình đồi núi dốc là chủ yếu nên tìm được diện tích đất an toàn, đủ rộng và bảo đảm thuận lợi cho đời sống sinh hoạt của người dân rất khó khăn. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh và huyện, xã đã vận động một số hộ dân nhượng lại phần đất lâm nghiệp để xây dựng 4 khu tái định cư tại thôn Ngã Hai, La Háu Pành và Khe Trang tạo mặt bằng cho 53 hộ, số còn lại được bố trí ở xen ghép.

Trong các đợt mưa bão từ năm 2017 đến nay, ngoài những thiệt hại về người và tài sản, toàn huyện có 649 hộ dân buộc phải di dời, trong đó 115 hộ phải di dời khẩn cấp. Đặc biệt, các hộ phải di dời không chỉ nằm rải rác ở các xã có khe suối lớn chảy qua mà có thôn, bản cả chục hộ, thậm chí nửa thôn, bản phải di dời do sạt trượt cả quả đồi, như: thôn Nậm Kịp, xã Nậm Lành có 12 hộ; thôn Nậm Cưởm, xã Nậm Búng có 38 hộ... Trong khi đó, tại nhiều địa phương, diện tích đất dự phòng không có nên việc bố trí tái định cư gặp không ít khó khăn.

Trước tình hình đó, huyện đã chỉ đạo các địa phương tích cực vận động anh em, họ hàng và nhân dân hiến đất, sang nhượng đất để bố trí mặt bằng làm nhà ở trước mắt cho các hộ dân phải di dời khẩn cấp, sau là các hộ phải di dời. Nhiều địa phương đã có cách làm hay, sáng tạo vận động nhân dân hiến hàng nghìn mét vuông đất và tham gia đóng góp vật liệu, ngày công, giúp các hộ dân sớm ổn định cuộc sống.
 
Ngoài ra, hiện nay, huyện đang chỉ đạo 7 xã xây dựng và mở rộng 12 khu tái định cư tập trung. Dù điều kiện địa hình đồi núi dốc, rất khó đáp ứng cho số lượng lớn hộ dân đến tái định cư nhưng mỗi khu định cư huyện đều cố gắng bố trí từ 35 – 40 hộ với diện tích mỗi hộ được cấp từ 250 m2 trở lên. Trong quá trình tìm quỹ đất, huyện đã vận dụng linh hoạt các chính sách của Nhà nước để vận động nhân dân sang nhượng, chuyển đổi các diện tích đất bảo đảm mặt bằng xây dựng các khu tái định cư.
 
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân dựng nhà, song song với việc san tạo mặt bằng, huyện đã quy hoạch và tiến hành xây dựng hệ thống giao thông, lưới điện sinh hoạt và hệ thống nước sạch. Các hộ dân đều được bốc thăm, chia lô và được các địa phương cho đăng ký ngày dựng nhà để phân công lực lượng hỗ trợ. Hiện có trên 300 hộ dân đang tiến hành dựng nhà cửa, trong đó các hộ di dời khẩn cấp cơ bản hoàn thành việc dựng nhà ở.

Với số hộ phải di dời khá lớn trên quy mô 10 xã, trong khi việc tìm quỹ đất rất khó khăn nhưng huyện đã tích cực tuyên truyền, động viên nhân dân hỗ trợ nhau khắc phục hậu quả bão lũ. Tuy các hộ bị thiên tai đều gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế nhưng chính quyền địa phương cũng có những phương án hỗ trợ kịp thời.
 
Ông Hà Văn Hưng – Chủ tịch UBND xã Sơn Lương cho biết: "Với số lượng 39 hộ dân di dời trong đợt đầu, xã đã bố trí ở xen ghép 17 hộ, còn 22 hộ được bố trí ở tập trung tại khu tái định cư Bản Tủ. Xã đã phân công cán bộ theo dõi giúp đỡ. Ngoài việc huy động các tổ chức, đoàn thể và nhân dân hỗ trợ các hộ dựng nhà, đối với các hộ đặc biệt khó khăn, xã cũng đứng ra ứng vật liệu để các hộ có điều kiện dựng lại nhà cửa”.

Trong điều kiện vừa phải tập trung khôi phục bão lũ vừa thực hiện các chính sách an sinh xã hội nhưng với quyết tâm cao, huyện Văn Chấn đã chỉ đạo quyết liệt trong việc bố trí mặt bằng, hỗ trợ dựng nhà cho các hộ dân tái định cư. Vượt qua những khó khăn về địa hình, điều kiện thời tiết, các địa phương đã chuẩn bị tốt mọi điều kiện và động viên nhân dân đoàn kết, tương trợ lẫn nhau xây dựng cuộc sống trên vùng đất mới.

Trần Van

Các tin khác
Ngày hội Hiến máu tình nguyện do Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh Yên Bái và Tỉnh đoàn phối hợp tổ chức.

YBĐT - Được thành lập đầu năm 2011, trải qua 7 năm hoạt động, từ một câu lạc bộ nhỏ chỉ 40 thành viên, Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh đã không ngừng phát triển, hiện có 13 chi hội, 4 câu lạc bộ với hơn 900 thành viên. 

Đối tượng Lý A Dì tại cơ quan điều tra.

YBĐT - Huyện Mù Cang Chải có trên 90% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo cao, cuộc sống bà con còn gặp nhiều khó khăn, nhận thức hạn chế nên dễ nghe và tin theo lời dụ dỗ của kẻ xấu. Đặc biệt, phụ nữ và trẻ em rất dễ trở thành nạn nhân của những kẻ mua bán người.

Thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, nhằm giúp giáo viên, học sinh các nhà trường có định hướng tốt nhất trong tổ chức dạy, học và ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng đề thi tham khảo kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 và sẽ công bố công khai trong thời gian sớm nhất.

Miền Bắc sẽ có 3-4 đợt không khí lạnh trong tháng 10/2018.

Trong tháng 10/2018, không khí lạnh từ phía bắc sẽ có xu hướng mạnh dần và tác động đến khu vực miền Bắc nước ta, với 3-4 đợt không khí lạnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục