Giờ làm việc của cô giáo Hoàng Lan Phương - lớp 4 tuổi B và các cô giáo ở Trường Mầm non Minh Huệ, thành phố Yên Bái đều đặn bắt đầu từ lúc 6 giờ 30 phút. Các cô phải đến sớm để chuẩn bị phòng học sạch sẽ đón trẻ vào lớp lúc 7 giờ.
Một ngày như mọi ngày, sau khi đón trẻ, cho trẻ ăn sáng, các bé ra sân tập thể dục buổi sáng rồi vào uống sữa và tham gia các hoạt động chung, hoạt động góc, tìm hiểu, khám phá chủ đề học tập theo kế hoạch.
Sau khi trẻ tham gia hoạt động ngoài trời là đến giờ ăn trưa, ngủ trưa, ăn chiều rồi lại tham gia vào các hoạt động vui chơi, học các môn năng khiếu... Khi các bé đã ngủ các cô lại tranh thủ giờ nghỉ trưa ít ỏi làm đồ dùng dạy học.
Công việc thường ngày của các cô kết thúc vào lúc 18h. Chỉ từng ấy đầu việc thôi đã đủ thấy sự vất vả của nghề mà các cô đang nỗ lực hàng ngày. Bởi học sinh ở độ tuổi mầm non, đòi hỏi các cô phải ân cần, tỉ mỉ, nhẹ nhàng. Nhiều trẻ chỉ rời tay bố mẹ ra là đã khóc, có khi cô phải bế suốt để dỗ dành…
Cô Hoàng Lan Phương chia sẻ: "Đặc điểm tâm lý của trẻ mầm non là mau thích, mau chán nên chúng tôi phải linh hoạt kết hợp thật tinh tế giữa chơi và học. Do đó, ngoài việc làm đồ dùng dạy học đa dạng để kích thích trí tò mò của trẻ, nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động để trẻ trải nghiệm. Từ đó, trẻ sẽ tiếp thu bài học một cách tự nhiên và hứng thú chứ không phải là nhồi nhét kiến thức khô cứng”.
Lên vùng cao Mù Cang Chải, chúng tôi đến thăm Trường Mầm non Hoa Ban, xã Khao Mang. Cô giáo Lê Thị Bích Huệ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Trường hiện có 6 điểm trường lẻ, điểm trường gần nhất cách điểm chính 4km, điểm xa cách đến 15 km. 468 học sinh của trường chủ yếu là người dân tộc Mông. Toàn trường có 28 cán bộ, giáo viên, trong đó 50% là giáo viên ở miền xuôi. Với địa hình phức tạp cộng thêm những thiếu thốn trong sinh hoạt cùng sự bất đồng về ngôn ngữ song với lòng yêu nghề, mến trẻ, các cô giáo đã nỗ lực học tiếng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng để hoàn thành tốt công việc được giao”.
Năm nay là năm thứ 9 cô giáo Đặng Hương Giang, quê ở huyện Văn Yên gắn bó với sự nghiệp giáo dục nơi này. Hiện, cô Giang đang phụ trách giảng dạy lớp ghép 4 - 5 tuổi với 30 trẻ ở điểm trường Tủa Mả Pán.
Cô tâm sự: "Khó khăn nhất với tôi là lúc mới ra trường, kinh nghiệm chưa có, ngôn ngữ bất đồng vì 100% trẻ ở lớp là người dân tộc Mông. Song với tình yêu trẻ, tôi đã nỗ lực học tiếng, tìm hiểu phong tục tập quán của người dân và đưa ra những phương pháp dạy học kết hợp với đồ dùng đồ chơi tự làm để cuốn hút trẻ đến lớp”.
Giáo viên mầm non dù ở miền núi, vùng cao hay ở đồng bằng cũng đều vất vả với những công việc thầm lặng mà không phải ai cũng nhìn thấy và thấu hiểu được. Song tình cảm của phụ huynh dành cho các thầy, các cô chính là động lực, tiếp thêm sức mạnh giúp thầy cô vượt qua những khó khăn, vất vả để hết lòng chăm sóc, dạy dỗ, ươm những "mầm xanh” khỏe mạnh cho tương lai.
Thanh Chi