Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện về việc tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 8.
Công điện do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký thay Thủ tướng Chính phủ, gửi các cơ quan: Ủy ban nhân dân các tỉnh ven biển từ Bình Định đến Bà Rịa - Vũng tàu; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; các Bộ: Quốc phòng; Công an; Giao thông vận tải; Xây dựng; Y tế, Tài nguyên và Môi trường; Thông tin và Truyền thông; Nông nghiệp và PTNT; Công Thương; Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam.
Toàn văn Công điện như sau:
Do ảnh hưởng của Bão số 8 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, hôm nay (ngày 18 tháng 11 năm 2018), trên địa bàn các tỉnh Nam Trung Bộ đã xảy ra mưa lớn gây sạt lở đất, ngập lụt cục bộ, thiệt hại nặng nề về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân, đặc biệt là tại tỉnh Khánh Hòa. Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân các gia đình có người bị thiệt mạng, chia sẻ những khó khăn, mất mát của đồng bào, chính quyền các địa phương.
Theo dự báo, trong những ngày tới, mưa lũ có thể còn diễn biến phức tạp, nguy cơ cao tiếp tục xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập úng tại các tỉnh Nam Trung Bộ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa và các địa phương khác ở khu vực Nam Trung Bộ tập trung chỉ đạo ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ; tổ chức tìm kiếm người còn mất tích, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, mai táng người bị thiệt mạng; hỗ trợ chỗ ở, lương thực, thực phẩm, không để người dân bị đói.
2. Tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ trượt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời dân cư đảm bảo an toàn. Tăng cường tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn người dân chủ động phòng ngừa; cử người canh gác, hướng dẫn giao thông tại các khu vực có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu, nước chảy xiết, nhất là qua các ngầm, tràn, hạn chế thiệt hại do mưa lũ.
3. Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng đóng chân trên địa bàn tham gia hỗ trợ công tác cứu hộ cứu nạn và khắc phục hậu quả mưa lũ, hỗ trợ lực lượng, phương tiện cho địa phương khi có yêu cầu.
4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương chỉ đạo rà soát, kiểm tra, vận hành đảm bảo an toàn các hồ đập thủy lợi, thủy điện.
5. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, khắc phục nhanh các sự cố sạt lở, đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến quốc lộ, kịp thời hỗ trợ địa phương khắc phục sự cố trên các trục giao thông chính.
6. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Tổng cục Khí tượng Thủy văn tiếp tục theo dõi diễn biến của mưa lũ; thường xuyên cập nhật thông tin để nhân dân biết chủ động phòng, tránh.
7. Các Bộ, ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn các địa phương triển khai ngay các phương án đối phó với mưa lũ; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, hỗ trợ địa phương khi có yêu cầu.
8. Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương tăng thời lượng phát sóng; thường xuyên thông báo diễn biến mưa lũ để các Bộ, ngành, địa phương và nhân dân biết, chủ động phòng tránh.
9. Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức thường trực theo dõi, tổng hợp diễn biến mưa lũ, đôn đốc, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các biện pháp cụ thể đối phó với mưa lũ; đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo khi vượt thẩm quyền.
(Theo chinhphu.vn)