Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học và THCS xã Bản Công hiện có 661 học sinh ăn bán trú, trong đó có 589 học sinh ăn 3 bữa/ngày theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Với đặc thù chủ yếu là con em dân tộc Mông nên ngoài việc dạy học, nhà trường luôn quan tâm đến công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho học sinh.
Các thầy, cô đã tận dụng quỹ đất trống trồng rau, chăn nuôi, cải thiện bữa ăn; đồng thời, nâng cao kỹ năng sống cho học sinh. Để có bữa cơm đủ chất và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng ngày, các nhân viên dinh dưỡng của nhà trường phải chọn lọc kỹ lưỡng nguồn thực phẩm đầu vào.
Thầy Nguyễn Duy Tiến - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Cùng với các chế độ mà học sinh được hưởng theo các chính sách của Nhà nước, hàng năm, nhà trường còn tổ chức tăng gia sản xuất; đặc biệt, chú trọng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh bán trú, làm sao để các em có những bữa ăn đầy đủ để phụ huynh yên tâm”.
Trường PTDTBT Tiểu học và THCS xã Xà Hồ, số lượng học sinh ăn ở bán trú đông nên vấn đề nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh cũng luôn được nhà trường đặt lên nhiệm vụ hàng đầu.
Cô Nguyễn Thị Bắc - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Hiện nhà trường có 883 học sinh, trong đó có 704 học sinh ăn bán trú 3 bữa/ngày. Để bảo đảm bữa ăn, nhà trường luôn chọn lọc các đơn vị cung cấp thực phẩm có uy tín. Cùng với đó, hàng năm, các thầy, cô giáo và học sinh trồng và thu hoạch trên 3 tấn rau xanh để cải thiện bữa ăn”.
Năm học 2018 - 2019, huyện Trạm Tấu có 10 trường PTDTBT tiểu học & THCS với 6.537 học sinh; trong đó, có 5.309 học sinh được hưởng chế độ bán trú theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP và 1.198 học sinh được hưởng theo chế độ Nghị quyết số 57/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Số lượng học sinh bán trú đông nên cùng với chú trọng các giải pháp trong dạy học, việc nâng cao chất lượng bữa ăn trong các nhà trường luôn được huyện quan tâm.
Theo đó, UBND huyện chỉ đạo phòng chức năng, nhất là các trường học công khai, minh bạch trong chi tiêu nuôi dưỡng học sinh, thành lập tổ tiếp nhận và nghiệm thu thực phẩm, hàng ngày có bảng công khai tài chính; tổ chức nấu ăn 3 bữa/ngày cho học sinh bán trú, bảo đảm khẩu phần ăn cho học sinh đủ dinh dưỡng, thực đơn thay đổi theo mùa, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm...
Huyện yêu cầu các trường cần chú trọng tăng gia, trồng rau, chăn nuôi, cải thiện chất lượng bữa ăn hàng ngày, gắn quản lý với công tác tổ chức ăn ở tập trung cho học sinh bán trú.
Việc cải thiện chất lượng bữa ăn hàng ngày cho học sinh đã góp phần nâng cao thể lực và chất lượng giáo dục. Nhờ vậy, đến nay, hàng năm, tỷ lệ học sinh chuyên cần toàn huyện đạt trên 95%; học sinh khối tiểu học hoàn thành và hoàn thành tốt các nội dung năm học đạt trên 98,5% và tỷ lệ học sinh khá, giỏi khối THCS đạt gần 25%.
Hà Tĩnh - Lâm Văn Hưng