Chính vì vậy, Ngày dân số Việt Nam (26/12) năm nay, Bộ Y tế chọn chủ đề "Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên vì tương lai giống nòi” với mục tiêu tăng cường nhận thức, kiến thức giới tính của nhóm tuổi này.
Những con số báo động
Chia sẻ trên trang facebook cá nhân, anh Lê Thành Trung – trưởng nhóm Câu lạc bộ "Sẻ chia sự sống Hà Nội" không ít lần khiến bạn bè phải giật mình về số lượng thai nhi bị từ bỏ mà các thành viên của câu lạc bộ lượm nhặt được từ các phòng khám.
Ngày ít thì 2, 3 thai nhi, những ngày "cao điểm”, câu lạc bộ thu về tới hơn 10 bé. Mới đây, ngày 19/12, anh Trung cùng các thành viên của câu lạc bộ đã đưa gần 500 thai nhi bị bỏ rơi trong tháng 11 và đầu tháng 12 về chôn cất tại giáo sứ An Bài (Nam Định), trong số ấy, không ít bé là "giọt máu” của những ông bố bà mẹ nhí.
Anh Trung kể, có hôm, 4 giờ chiều anh nhận được điện thoại từ một phòng khám thông báo có 2 ca bắt đầu "làm”. "Sau 3 tiếng, hơn 7 giờ tối tôi ghé qua và nhận được một túi bên trong có 2 hộp giấy. 2 sinh mạng nằm gọn lỏn trong túi nilon... Có hôm chúng tôi thu nhận được 7 thai nhi bị phá bỏ. Tôi chỉ ước con người sống có trách nhiệm hơn” - anh Trung tâm sự.
Thống kê của BV Phụ sản T.Ư cho thấy, những năm gần đây, tỷ lệ nạo phá thai ở độ tuổi TN/VTN không ngừng gia tăng. Mỗi năm cả nước có khoảng 1,2 - 1,6 triệu ca nạo phá thai, trong đó 20% ở lứa tuổi VTN và khoảng 15 - 20% là TN chưa lập gia đình.
Cùng với đó, số TN có quan hệ tình dục trước hôn nhân tăng, tuổi trung bình quan hệ tình dục lần đầu cũng đã giảm xuống ở mức 18,1 tuổi. Theo các chuyên gia y tế, thực tế này phản ánh tình trạng nhiều bạn trẻ thiếu kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục. Đây là nguy cơ dẫn đến những hệ lụy khôn lường về tâm lý, thể chất, thậm chí gây vô sinh.
Chủ động trang bị kỹ năng
Vấn đề giáo dục sức khỏe sinh sản cho thế hệ trẻ tại Việt Nam đã được lồng ghép vào các môn học như Giáo dục công dân, Sinh học hay các buổi hoạt động ngoại khóa. Các bậc phụ huynh cũng được khuyến khích chủ động cung cấp cho con em kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục. Hơn nữa, thông tin về lĩnh vực này cũng xuất hiện không ít trên internet.
Như tại quận Ba Đình - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Nguyễn Thanh Hiếu cho biết, Trung tâm Y tế quận đã phối hợp với nhiều trường học trên địa bàn tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản cho TN/VTN.
"Qua các buổi nói chuyện, nhiều em học sinh đã chủ động chia sẻ những thắc mắc và điều khó nói về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục. Tuy nhiên, cũng không ít em còn e rè, thiếu kiến thức về vấn đề này” – bà Hiếu chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Thị An – nguyên quản lý chương trình bảo vệ trẻ em, tổ chức Plan (tổ chức phi chính phủ quốc tế phát triển cộng đồng lấy trẻ em làm trung tâm) cho hay, chủ động cung cấp kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho TN/VTN là rất cần thiết. "Khi được giáo dục, các em sẽ có trách nhiệm hơn với cuộc sống của mình để hạn chế rủi ro cho bản thân và bạn tình. Nếu chúng ta không dạy thì trẻ sẽ học từ những nguồn khác, có thể là thông tin lệch lạc. Khi chúng ta để những thông tin ấy định hình và lan truyền trong giới trẻ thì khó thay đổi nhận thức của trẻ” – bà An nhấn mạnh.
Theo bà An, hướng dẫn cho các em cách quan hệ tình dục an toàn là đoạn cuối của câu chuyện giáo dục sức khỏe sinh sản. Đầu tiên, hãy dạy cho trẻ cách yêu quý bản thân, trách nhiệm với chính mình, gia đình và xã hội. Lồng vào đó hướng dẫn các em về tình dục an toàn, nhận biết dấu hiệu phát hiện bệnh lây truyền qua đường tình dục, dấu hiệu có thai. Tuy nhiên, trước hết, bố mẹ phải là người đầu tiên mở lòng với con mình và có cách giáo dục theo kiểu tùy cơ ứng biến.
(Theo Tin tức)