- Xin ông cho biết tình hình diễn biến dịch bệnh sởi đến thời điểm hiện nay ở nước ta như thế nào?
Ông Đặng Quang Tấn: Trên thế giới hiện nay đã có hơn 180 quốc gia có lưu hành sởi trong năm 2018 và đầu năm 2019. Trong đó, 11 nước trong khu vực Đông Nam Á đều ghi nhận ca mắc sởi trong thời gian này. Ngay cả nước một số nước ở châu Âu, mặc dù đã thanh toán được dịch bệnh sởi, nhưng trong năm 2018 và đầu năm 2019 đã ghi nhận quay trở lại của dịch bệnh này như Italia, Ucraina… Nguyên nhân đều được chỉ ra là do tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh không đạt như yêu cầu.
Việt Nam cũng đang nằm trong bối cảnh đó. Tính từ đầu năm 2019 đến nay, toàn quốc ghi nhận 429 trường hợp mắc sởi dương tính trong tổng số 5.246 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, không có trường hợp tử vong.
Hiện cả nước đã có 43 tỉnh, thành ghi nhận rải rác các trường hợp mắc sởi. Các tỉnh, thành có số mắc cao như: Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Cà Mau, Điện Biên, Yên Bái.
Tuy nhiên, so sánh số ca mắc với thế giới, số ca mắc sởi ở nước ta thấp hơn so với thế giới, đặc biệt, số ca mắc ghi nhận tại thời điểm này vẫn thấp hơn so với số ca mắc trung bình 5 năm gần đây, trừ thời điểm đỉnh dịch năm 2014. Vì ngay trong năm 2018, Bộ Y tế đã triển khai, chỉ đạo quyết liệt việc tiêm vaccine sởi - rubella cho các tỉnh có nguy cơ và những đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng.
- Mặc dù số ca mắc hiện nay vẫn thấp hơn so với trung bình 5 năm gần đây, nhưng so với cùng kỳ năm 2018, hiện nay số ca mắc tại một số địa phương tăng đột biến, có nơi tăng hơn 10 lần, điển hình như Hà Nội. Điều này có cho thấy dịch bệnh đang diễn biến bất thường không, thưa ông?
Ông Đặng Quang Tấn: Theo thống kê cùng kỳ này năm ngoái, Hà Nội ghi nhận khoảng 20 ca bệnh, hiện nay ghi nhận 192 ca mắc. Đúng là số mắc tăng gấp 10 lần, nhưng số ca mắc này tăng là do tỷ lệ dân di cư từ các địa phương khác về Thủ đô tăng cao, số trẻ này rất khó kiểm soát và quản lý cả về tiêm chủng.
Thống kê của Cục Y tế dự phòng cho thấy, hầu hết trẻ mắc bệnh sởi đều không được tiêm vaccine phòng bệnh sởi hoặc không rõ về tình trạng tiêm chủng (chiếm hơn 95%), chủ yếu ca mắc ở trẻ dưới 5 tuổi. Chỉ có 1,3% trẻ đã được tiêm chủng đầy đủ nhưng vẫn mắc sởi.
Ngoài ra, hiện nay, do bệnh sởi đang ghi nhận tại nhiều quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có 11 quốc gia khu vực Đông Nam Á, nên sự giao lưu giữa các quốc gia có thể khiến bệnh lây lan rộng nếu cộng đồng chưa có kháng thể (không được tiêm vaccine phòng bệnh) vì bệnh sởi lây qua đường hô hấp, rất dễ lây.
Tiêm vaccine phòng bệnh là biện pháp hữu hiệu nhất.
- Những đối tượng nào dễ mắc bệnh sởi và tại sao trẻ dưới 9 tháng tuổi (chưa đến tuổi tiêm vaccine sởi) vẫn mắc bệnh, thưa ông?
Ông Đặng Quang Tấn: Bệnh sởi có thể ghi nhận ở mọi lứa tuổi như trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người trưởng thành… Ở phụ nữ mang thai mắc bệnh sởi là do chưa từng được tiêm vaccine sởi hoặc chưa từng mắc bệnh sởi. Đối với trẻ dưới 9 tháng tuổi mà bị mắc bệnh là do không miễn dịch từ mẹ sang con nên dễ mắc bệnh.
Như vậy, có thể khẳng định, nếu không tiêm chủng thì khi tiếp xúc với trường hợp có sởi, chắc chắn sẽ bị lây bệnh, thậm chí có thể lây rộng cộng đồng nếu cộng đồng chưa có kháng thể.
Những người đã tiêm đầy đủ 2 mũi phòng bệnh sởi hoặc người đã mắc bệnh sẽ có miễn dịch lâu dài, khả năng mắc và lây bệnh rất khó, trường hợp chưa mắc sởi hoặc chưa tiêm rất dễ lây.
- Với số ca bệnh sởi vẫn tiếp tục ghi nhận gia tăng như hiện nay, Bộ Y tế có lo ngại vấn đề gì và có nhận định như nào về tình hình dịch bệnh cũng như biện pháp phòng chống bệnh trong thời gian tới?
Ông Đặng Quang Tấn: Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, chúng ta không được chủ quan. Trước hết, phải làm tốt công tác cách ly bệnh nhân mắc sởi trong các cơ sở điều trị, phân luồng điều trị theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Đối với những bệnh nhân nhẹ chỉ cần cách ly ở nhà, ăn uống đầy đủ dĩnh dưỡng là trẻ có thể bình phục, không nhất thiết phải đưa vào bệnh viện.
Dự báo trong thời gian tới, dịch bệnh sởi có thể tiếp tục ghi nhận nhiều ca mới tại các tỉnh do trẻ không được tiêm chủng hoặc không tiêm đầy đủ, thời tiết mùa đông xuân cũng là điều kiện thuận lợi cho virus sởi lây truyền, người dân di biến động trong dịp tết tăng cao. Hiện dịch bệnh đang có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, nên nguy cơ lây lan và bùng phát dịch bệnh nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Vì vậy, Bộ Y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện khám sàng lọc, phân loại bệnh nhân, thường xuyên hướng dẫn người chăm sóc bệnh nhân thực hiện các biện pháp phòng bệnh để hạn chế lây nhiễm chéo.
Đôn đốc các tỉnh, thành triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi-rubella cho 57 tỉnh, thành có nguy cơ cao hoặc tại những tỉnh, thành có số mắc cao hoặc tăng đột ngột, lưu ý các địa bàn có di biến động dân cư cao, khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Giám sát chặt chẽ tình hình bệnh sởi tại cộng đồng và cơ sở y tế; đẩy mạnh tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh và các biện pháp phòng chống để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh.
Vấn đề lo ngại nhất hiện nay là tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng bệnh, ngành Y tế đặc biệt nhấn mạnh rõ lợi ích của việc tiêm vaccine phòng sởi là biện pháp hiệu quả nhất hiện nay.
- Cảm ơn ông!
(Theo chinhphu.vn)