Song, hiện nay, nguồn dược liệu này đang bị giảm sút do sự khai thác tràn lan, nhận thức của người dân còn hạn chế, nhất là tại các địa phương vùng cao. Không chỉ vậy, do yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội đang đặt ra vấn đề mâu thuẫn giữa cung và cầu, bảo tồn và khai thác sử dụng nguồn tài nguyên quý giá này.
Mặt khác, việc nghiên cứu gây trồng cây thuốc còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của thị trường - đây là nguy cơ ảnh hưởng lớn tới sự tồn tại và phát triển của cây thuốc tự nhiên.
Tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, nguồn nguyên, dược liệu quý đang cạn kiệt dần đến mức báo động và hệ quả là chính những người dân mất nguồn sinh kế từ bán cây thuốc nam, quan trọng hơn là thiếu nguyên liệu cho các bài thuốc truyền thống. Trước thực tế đó, các cấp hội đông y (HĐY) tỉnh đã có nhiều giải pháp bảo tồn và phát triển nguồn cây thuốc bản địa.
Thực tế, nhiều bài thuốc của đồng bào Dao, Tày, Nùng kém hiệu quả do thiếu các vị thuốc cơ bản mà hiện nay rất khó tìm thấy trong tự nhiên. Điển hình như: cây lan kim tuyến trong bài thuốc chữa bệnh u bướu của người Dao; cây lá khôi là một trong ba vị quan trọng dùng để chữa bệnh đau dạ dày của người Tày… Theo những ông lang, bà mế nhiều bài thuốc do thiếu vị nên hiệu lực giảm mặc dù đã tìm các vị thuốc khác để thay thế.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Chủ tịch HĐY tỉnh cho biết: "Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển y dược cổ truyền, tỉnh Yên Bái có Kế hoạch số 206/KH-UBND tỉnh ngày 8/12/2017 phát triển cây dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Theo đó, yêu cầu tập trung phát triển các chủng loại dược liệu hàng hóa, trong đó, ưu tiên phát triển các chủng loại dược liệu có lợi thế cạnh tranh lớn nhờ phù hợp các tiểu vùng khí hậu, đặc biệt các sản phẩm có thế mạnh địa phương”.
Để bảo tồn và phát triển nguồn cây thuốc bản địa, các cấp HĐY tỉnh đã có nhiều giải pháp thiết thực: tập trung công tác tuyên truyền về bảo tồn và phát triển cây thuốc; đẩy mạnh phát động phong trào trồng cây thuốc đầu xuân đến mọi người dân, trường học, trạm y tế… Bên cạnh đó, lồng ghép trong các cuộc hội thảo tuyên truyền tới các hội viên về tầm quan trọng và ý nghĩa của từng loài thuốc để đảm bảo cho bài thuốc đủ vị, nâng cao hiệu quả trong điều trị.
Mặt khác, các cấp hội lựa chọn những cây thuốc có giá trị kinh tế cao đáp ứng nhu cầu thị trường để sản xuất trở thành hàng hóa đem lại thu nhập cao cho người dân. Hơn thế, các cấp hội đã xây dựng nhiều mô hình trồng cây thuốc nam ở các huyện: Văn Chấn, Trấn Yên mang hiệu quả cao, góp phần giúp người dân xóa đói giảm nghèo, vươn lên khá giả từ trồng cây dược liệu, điển hình như gia đình ông Hoàng Văn Ly ở xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn; ông Phạm Ngọc Chiến, xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên và nhiều hộ gia đình khác ở các huyện Văn Yên, Lục Yên…
Song song với đó, các cấp hội thường xuyên quan tâm đến công tác nghiên cứu khoa học về bảo tồn và phát triển cây dược liệu quý, xây dựng mô hình trồng cây thuốc nam. Qua kết quả nghiên cứu đều chỉ ra rằng, thu nhập từ trồng cây thuốc nam cao hơn từ 20 - 40% so với cây nông nghiệp khác, đem lại lợi ích đáng kể về thu nhập và làm giàu từ thu hoạch cây thuốc.
Nhận thức rõ được tính cấp thiết và tầm quan trọng của công tác bảo tồn và phát triển nguồn cây thuốc bản địa. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng với các cấp hội, nỗ lực của người dân, tin rằng, cây dược liệu của tỉnh Yên Bái sẽ sớm có chỗ đứng trên thị trường.
Trần Minh