Yên Bái: “Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm” - Thông điệp ý nghĩa và cần thiết

  • Cập nhật: Thứ tư, 27/2/2019 | 2:20:19 PM

YênBái - Đúng vào kỷ niệm 64 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2/2019), Sở Y tế Yên Bái cùng với Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức Lễ phát động "Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm” thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ, y bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Yên Bái, lãnh đạo Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc, cùng đông đảo bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang khám chữa bệnh tại viện. 

Đại biểu cắt băng khai mạc Lễ phát động “Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm”
Đại biểu cắt băng khai mạc Lễ phát động “Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm”

Kháng sinh ra đời là bước ngoặt lớn trong y học về điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Kháng sinh không chỉ được được sử dụng trong điều trị mà còn được sử dụng trong thức ăn, chăn nuôi nhằm mục đích phòng, chữa bệnh và kích thích tăng trưởng.

Hiện nay mô hình bệnh tật của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, tỷ lệ bệnh lây nhiễm vẫn còn ở mức cao, tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp. Vì vậy, việc sử dụng kháng sinh là hết sức cần thiết để điều trị cho người bệnh; song, việc sử dụng kháng sinh không thích hợp, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không mắc bệnh lý nhiễm khuẩn… đã làm gia tăng tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh. 

Vấn đề kháng thuốc đã xuất hiện ngay từ khi kháng sinh ra đời và ngày càng trở nên trầm trọng do nhiều vi sinh vật thích nghi và trở nên kháng với nhiều loại thuốc. Kháng thuốc đã trở thành vấn đề toàn cầu, đặc biệt nổi cộm ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. 

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2017 thế giới có khoảng 800 ngàn người tử vong do kháng thuốc, tiêu tốn hàng chục tỷ USD để điều trị kháng. Tại châu Âu, năm 2014 tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc là 25 nghìn người; tại Thái Lan là 38 nghìn người; tại Hoa Kỳ khoảng 2 triệu người mắc bệnh nhiễm khuẩn và tử vong 23 nghìn người/năm, chi phí trực tiếp hơn 20 tỷ USD/năm và chi phí gián tiếp khoảng 30 tỷ USD/năm… Kháng thuốc và xu thế gia tăng kháng thuốc đã và đang trở thành một nguy cơ lớn cho toàn thể nhân loại.

Trước tình trạng kháng thuốc ngày càng trầm trọng, ngày 7/4/2011, nhân Ngày sức khỏe thế giới, WHO đã lấy khẩu hiệu "Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa” để kêu gọi các nước cùng chung tay phòng chống kháng thuốc. 

Hưởng ứng lời kêu gọi của WHO, Bộ Y tế đã xây dựng và phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn 2013 – 2020 với mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống kháng thuốc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, khám chữa bệnh góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. 

Kế hoạch của Bộ Y tế đòi hỏi sự nỗ lực và cam kết của tất cả các bộ ngành, chính quyền từ trung ương đến địa phương, từ bản thân người thầy thuốc và từng người dân để ngăn chặn tình trạng kháng thuốc.

Đúng vào ngày 27/2/2019, song song với nhiều hoạt động kỷ niệm 64 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam, Sở Y tế Yên Bái cùng với Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức Lễ phát động "Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm”. Buổi lễ thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ, y bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Yên Bái, lãnh đạo Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc, cùng đông đảo bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang khám chữa bệnh tại viện. 

Thông điệp được Ban tổ chức đưa ra tại Lễ phát động rất cụ thể và ý nghĩa, bao gồm: Toàn bộ ngành y tế Yên Bái đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng, cán bộ y tế về kháng kháng sinh; phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành liên quan trong việc quản lý, sử dụng kháng sinh hợp lý trong chăn nuôi. 

Tăng cường tuyên truyền và kiểm tra việc bán thuốc kháng thuốc theo đơn của các nhà thuốc, quầy thuốc; không để tình trạng bán thuốc tràn lan không cần đơn của bác sỹ. Cán bộ y tế, đặc biệt là các bác sỹ sử dụng kháng sinh cho người bệnh thật hợp lý và có trách nhiệm; tuân thủ các phác đồ, hướng dẫn sử dụng kháng sinh của Bộ Y tế, không lạm dụng kháng sinh trong điều trị. 



Các thầy thuốc ký tên hưởng ứng chiến dịch "Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm”.

Có mặt tại buổi lễ phát động, ông Nguyễn Mạnh Thắng – phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái cho biết: "Qua thông điệp tại buổi lễ và qua các phương tiện truyền thông, tôi hiểu rõ hơn về vấn đề lạm dụng kháng sinh và vấn đề kháng thuốc. Ngành y tế tổ chức phát động buổi lễ hôm nay và cam kết sẽ có nhiều biện pháp, trong đó có biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn là rất cần thiết. Tôi cho rằng, để ngăn chặn tình trạng kháng thuốc thì các cơ sở y tế, đặc biệt là đội ngũ y, bác sỹ phải là người thay đổi trước, bản thân họ phải có trách nhiệm tuyên truyền và thực hiện việc không lạm dụng thuốc cho người bệnh”. 

Ông Lê Đình Hợp – xã Nga Quán, huyện Trấn Yên đề cập đến vấn đề lạm dụng thức ăn trong chăn nuôi: "Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, dư lượng kháng sinh trong thịt, lạm dụng thuốc tăng trọng, tạo nạc… quá trầm trọng, để lại nhiều hậu quả đáng tiếc rồi. Tuy nhiên, những người nông dân như chúng tôi thì làm sao có thể biết được loại thức ăn này hay loại thuốc kia có chứa chất cấm, có nhiều kháng sinh hay không. 

Mặt khác, người tiêu dùng cũng không thể biết được thịt, cá bán ngoài chợ có dư lượng kháng sinh hay không. Để khắc phục tình trạng này nhất thiết phải tăng cường công tác quản lý, giám sát trong quá trình sản xuất, tiêu thụ thức ăn và thuốc thú y. Cần phải thay đổi luật, xử lý thật nghiêm những trường hợp vi phạm”.

Có thể nói, buổi lễ phát động "Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm” đúng vào Ngày Thầy thuốc Việt Nam” càng thêm ý nghĩa sâu sắc để mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi y bác sỹ và từng người dân thấy được nguy cơ của vấn đề kháng thuốc nói riêng, bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nói chung; hiểu hơn về khẩu hiệu "Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa” của Tổ chức Y tế thế giới.

Lê Phiên

Các tin khác
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Yên Bái.

Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm 2019, ngày 27/2, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành liên quan đã tổ chức phát động Chương trình Sức khỏe Việt Nam.

Lao động địa phương tại xưởng sản xuất của Công ty may Chiến Thắng, thị xã Nghĩa Lộ.

Nhờ làm tốt công tác dự báo xu thế phát triển của từng ngành, nghề, lĩnh vực kinh tế ở địa phương năm 2018, thị xã Nghĩa Lộ đã giải quyết việc làm cho 1.200 lao động, góp phần chuyển dịch lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp.

Thực hiện hiệu quả Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em là 1 trong 7 nội dung, hoạt động vừa được Hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) Cụm thi đua các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc cam kết thực hiện trong giao ước thi đua năm 2019 của Cụm.

Đúng dịp Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 năm nay, Bộ Y tế chính thức phát động một chương trình có ý nghĩa thiết thực trong việc nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe toàn dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục