Đến năm 2025, cơ bản hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng DTTS. Tỉnh Yên Bái đã xây dựng và đang triển khai thực hiện giai đoạn 1 (2015 - 2020) của Đề án này.
Trước đề án này, vấn đề giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS được tỉnh đặc biệt chú trọng quan tâm, đặt mục tiêu thực hiện trong nhiều năm qua nhằm nâng cao nhận thức, từng bước nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng DTTS.
Tuy nhiên, ở những địa bàn có đông đồng bào DTTS sinh sống, tình trạng tảo hôn vẫn chưa có xu hướng giảm. Năm 2015, toàn tỉnh có 377 trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; năm 2016 số trường hợp vi phạm là 340 cặp; năm 2017 trên 392 cặp..., tập trung chủ yếu ở các huyện Văn Chấn, Văn Yên, Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Lục Yên, trong đó, chiếm phần lớn là người Mông, người Dao.
Năm 2018, trong số 384 trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống có tới 282 trường hợp là người Mông, 63 trường hợp là người Dao, 14 trường hợp là người Tày, 4 trường hợp người Thái, còn lại là người Kinh, Nùng, Mường, Giáy, Cao Lan.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tập trung nhiều ở vùng cao, vùng đồng bào DTTS do kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi chậm phát triển; có nơi giao thông chỉ đi lại được vào mùa khô; trình độ dân trí không đồng đều; ý thức tuân thủ pháp luật của người dân chưa cao. Thêm vào đó, phong tục tập quán, tư tưởng trọng nam vẫn còn nặng nề...
Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2018” được triển khai thực hiện thí điểm tại xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên và xã Lâm Giang, huyện Văn Yên với tổng kinh phí 820 triệu đồng, trong đó ngân sách địa phương 210 triệu đồng.
Qua 3 năm triển khai thực hiện các mô hình thí điểm của Đề án, chuyển biến rõ nhất đó là nhận thức của người dân về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã dần được nâng lên.
Tại 8 thôn triển khai thực hiện mô hình xã Lâm Giang, đã thực hiện sửa đổi, bổ sung hương ước và tổ chức ký cam kết với 829/945 hộ thực hiện không tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống. Năm 2017 - 2018, xã không còn trường hợp vi phạm. Tại xã Phúc Lợi, 443/528 hộ tại tham gia mô hình được truyền thông, cung cấp thông tin. Năm 2017, xã còn 9 trường hợp tảo hôn; năm 2018, qua tuyên truyền, vận động số cặp tảo hôn đã giảm đáng kể.
Với phương châm "mưa dầm thấm lâu”, các mô hình thí điểm và nhân rộng thuộc Đề án đã tập trung truyền thông, tập huấn kiến thức, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến nhân dân, trong đó nòng cốt là đội ngũ cán bộ thôn, bản, đội ngũ những người có uy tín, già làng, trưởng bản trong đồng bào DTTS.
Qua đó, phổ biến rộng rãi các chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số; tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình cùng các quy định xử phạt liên quan; những hậu quả để lại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đối với giống nòi, đặc biệt là chất lượng dân số.
Thông qua các hội nghị, hội thảo, người dân được trực tiếp chia sẻ những kinh nghiệm tuyên truyền, vận động, tư vấn, thay đổi hành vi về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình (Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính Phủ); hậu quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống...
Không thể phủ nhận công tác giảm nghèo của tỉnh Yên Bái, nhất là đối với 2 huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải những năm qua đã đạt được những thành tựu rõ rệt. Tuy nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS của tỉnh vẫn còn rất khó khăn: sản xuất manh mún, mang tính tự cung, tự cấp; tập tục còn lạc hậu; trình độ dân trí không đồng đều; tỷ lệ hộ nghèo ở các xã có đông đồng bào DTTS vẫn cao hơn khá nhiều so mặt bằng chung của tỉnh; ý thức thực thi, tuân thủ pháp luật của một bộ phận người dân hạn chế; công tác tuyên truyền, vận động hiệu quả chưa cao..., thì hiệu quả các mô hình thí điểm thực hiện Đề án trên mới chỉ là những kết quả bước đầu cần duy trì, nhân rộng.
Trước những khó khăn thực tại của địa phương, tỉnh đề xuất các bộ, ngành Trung ương xem xét hỗ trợ kinh phí cho các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách địa phương để thực hiện các nội dung của Đề án.
Đồng thời, nghiên cứu cấp kinh phí để tiếp tục thực hiện nhân rộng mô hình thí điểm về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn các huyện có tỷ lệ từ 30% đồng bào DTTS sinh sống, để từng bước đẩy lùi, ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS đối với tỉnh Yên Bái nói riêng.
Cần xem đây là một trong các giải pháp góp phần giảm nghèo, thúc đẩy bình đẳng giới và quyền con người, cũng như là "chìa khóa” cho sự phát triển bền vững của kinh tế - xã hội của cộng đồng và quốc gia.
Minh Thúy