Thời gian qua, từ sự tăng cường chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP); sự phối hợp giữa các ngành chức năng và chính quyền các cấp được tăng cường; sự phân công, phân cấp trách nhiệm cụ thể hơn; hạn chế được sự chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ sót trong quá trình quản lý… nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng từng bước được nâng lên.
Trên địa bàn tỉnh không để xảy ra các vụ ngộ độc đông người và tử vong do ngộ độc thực phẩm. Tuy đạt được những kết quả đáng mừng, nhưng năm qua, công tác quản lý Nhà nước về ATTP vẫn bộc lộ những hạn chế. Đội ngũ cán bộ quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm tuyến cơ sở còn thiếu và yếu, công tác xét nghiệm ở tuyến cơ sở còn hạn chế.
Công tác truyền thông, thanh kiểm tra được quan tâm triển khai, nhưng nhận thức của một cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa chưa thực sự được nâng lên. Việc quản lý ATTP theo phân cấp liên quan tới nhiều ngành, việc triển khai còn riêng lẻ, do vậy, công tác tổng hợp, phân tích và quản lý còn gặp nhiều khó khăn…
Khắc phục những tồn tại, hạn chế này, trong năm 2019, tỉnh Yên Bái xác định củng cố và nâng cao năng lực hệ thống quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Bên cạnh đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, tỉnh sẽ nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về ATTP nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm về ATTP, góp phần phòng ngừa chủ động các sự cố về ATTP.
Đặc biệt, tỉnh sẽ kiểm soát ATTP trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm được thiết lập và phát huy hiệu quả, chủ động trong bảo vệ sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng.
Năm 2019, Yên Bái phấn đấu có 75% người sản xuất, chế biến, người kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng và chủ cơ sở được cập nhật về ATTP; 100% cán bộ quản lý ATTP tuyến tỉnh, huyện được cập nhật văn bản, kiến thức về ATTP thông qua các hội nghị, hội thảo; 75% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được thanh tra, kiểm tra đạt yêu cầu về vệ sinh ATTP; tỷ lệ cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc diện được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP do ngành y tế cấp đạt 55%, ngành công thương cấp đạt 55%.
Tỷ lệ cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nông lâm sản, thủy sản được kiểm tra, phân loại, đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận do ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp đạt 55%.
Đặc biệt, tỉnh hạn chế tỷ lệ mắc trong các vụ ngộ độc thực phẩm cấp tính được ghi nhận dưới 10 ca/100.000 dân, hạn chế tối đa đến không có người dân tử vong do ngộ độc thực phẩm…
Để đạt mục tiêu đã đề ra, ngoài việc nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về ATTP, tỉnh tập trung tuyên truyền đến người dân kiến thức và tầm quan trọng của đảm bảo ATTP, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn; tuyên truyền tới các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, các cơ sở thức ăn đường phố… các quy định về ATTP; thông tin danh sách các cơ sở đủ điều kiện cũng như các cơ sở không đảm bảo, vi phạm quy định về ATTP.
Cùng đó, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thông qua các đợt thanh, kiểm tra định kỳ, đột xuất theo phân công, phân cấp; phối hợp liên ngành trong thanh tra, kiểm tra, xử lý, xử phạt, thu giữ và tiêu hủy thực phẩm, vật tư nông nghiệp, thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm giả, gian lận thương mại, phụ gia thực phẩm không trong danh mục cho phép, thực phẩm không đảm bảo chất lượng. Đặc biệt là tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm quy định ATTP đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi…
Năm 2018, mặc dù không có ca tử vong do ngộ độc thực phẩm nhưng trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 3 vụ ngộ độc thực phẩm, tăng 1 vụ so với năm 2017 với 61 người mắc, tăng 5 ca so với cùng kỳ; 3 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành của tỉnh tiến hành kiểm tra 137 cơ sở. Trong đó: xử lý vi phạm với số tiền phạt 114.950.000 đồng; tịch thu hàng trị giá 97.486.000 đồng; tiêu hủy hàng trị giá 52.758.000 đồng; các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh đã phát hiện, điều tra, xử lý 57 vụ vi phạm pháp luật về ATTP... Số liệu cho thấy, quản lý Nhà nước về ATTP là vấn đề đòi hỏi các cấp, các ngành cần tăng cường, đẩy mạnh, đặc biệt là công tác phòng ngừa chủ động các sự cố về ATTP.
Khánh Linh