Năm học 2018 - 2019, thành phố Yên Bái có 45 trường học, với hơn 21.300 học sinh. Xác định công tác vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong trường học có vị trí quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe học sinh. Vì vậy, ngay từ đầu năm học, các trường học trên địa bàn đã triển khai nhiều biện pháp đảm bảo VSATTP tại các bếp ăn, nâng cao chất lượng dinh dưỡng hàng ngày, đảm bảo cho học sinh phát triển toàn diện cả thể chất và tinh thần.
Khu vực bếp ăn Trường TH&THCS Hợp Minh rộng 84m2, được bố trí sạch sẽ, tiện nghi, đặc biệt có khu vực ăn riêng cho các em học sinh. Đúng giờ, khi tiếng trống báo hiệu những tiết học buổi sáng kết thúc, các em học sinh trật tự nối đuôi nhau xuống nhà ăn. Từng phần ăn đủ dinh dưỡng, thịt, cá, rau, củ vẫn còn nóng hổi được chia phần đã sẵn sàng.
Giới thiệu từng khu vực cụ thể trong bếp ăn, thầy Nguyễn Văn Huy - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Bếp ăn của nhà trường được bố trí theo quy tắc một chiều. Khu vực tiếp nhận, sơ chế thực phẩm tươi sống và khu vực chế biến, chia khẩu phần ăn được đi theo hai cửa tách biệt để đảm bảo VSATTP. Nhà trường thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra thường xuyên, lưu mẫu thức ăn và kiểm thực ba bước”.
Cũng như Trường TH&THCS Hợp Minh, các trường học khác có bếp ăn bán trú trên địa bàn thành phố Yên Bái tuy không có khu vực nhà ăn riêng cho học sinh, nhưng công tác đảm bảo VSATTP luôn được thực hiện tốt, các bếp ăn đều được bố trí theo tiêu chuẩn một chiều, có hợp đồng với đơn vị cung cấp thực phẩm. Đơn vị cung cấp thực phẩm đều phải có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận VSATTP, hóa đơn, chứng từ thực phẩm phải rõ nguồn gốc xuất xứ.
Chia sẻ về việc tăng cường đảm bảo VSATTP, tạo sự tin tưởng của phụ huynh học sinh, cô giáo Lê Thị Quang - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Huệ cho biết: "Ngoài những quy định chung đảm bảo VSATTP, chúng tôi đã tận dụng nguồn thực phẩm địa phương như rau, củ, quả từ các hợp tác xã sản xuất rau an toàn. Đồng thời, đưa phụ huynh học sinh vào cuộc bằng cách hợp đồng với các phụ huynh học sinh kinh doanh dịch vụ cung cấp thực phẩm đảm bảo đủ điều kiện theo quy định”.
Hàng năm, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của cấp trên, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) thành phố Yên Bái đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện quản lý chặt chẽ VSATTP trong trường học.
Theo đó, toàn ngành phấn đấu không để xảy ra ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua quá trình ăn uống tại trường học, nâng cao nhận thức và kỹ năng thực hành VSATTP của người tham gia các hoạt động tổ chức ăn uống tại trường học; giáo dục cho học sinh những thói quen cần thiết về vệ sinh ăn uống thông qua các hoạt động giáo dục hàng ngày, phối hợp chặt chẽ với ngành y tế phòng, chống dịch bệnh và thực hiện kiểm tra công tác bảo đảm VSATTP trong trường học…
Đến nay, tất cả các cơ sở đều thường xuyên được kiểm tra, đánh giá, kiểm nghiệm thực phẩm. Công tác đảm bảo VSATTP đối với các bếp ăn tập thể ở các trường đã được quán triệt, phổ biến sâu rộng, tạo bước chuyển mới trong nhận thức, hành vi, trách nhiệm của cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh, nhất là người đứng đầu các cơ sở giáo dục.
Hiện nay, một số địa phương trong nước xuất hiện các dịch bệnh liên quan đến thực phẩm cung cấp hàng ngày cho học sinh như bệnh dịch tả lợn châu Phi. Yên Bái chưa xuất hiện dịch bệnh, nhưng trước tình hình đó, thời gian tới, thành phố tiếp tục thắt chặt kiểm soát VSATTP, đảm bảo sức khỏe cho học sinh, chủ động phòng ngừa các sự cố về VSATTP xảy ra trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Đồng chí Đào Thị Xuân Huế - Phó trưởng Phòng GD&ĐT thành phố cho biết: "Cùng với việc triển khai thực hiện văn bản chỉ đạo của các cấp, các ngành về VSATTP, Phòng GD&ĐT thành phố cũng đã chỉ đạo các đơn vị trường học trên địa bàn thực hiện một số nội dung như: Tăng cường thông tin, tuyên truyền, giáo dục kiến thức về VSATTP, biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm cho giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh; đảm bảo thực hiện tốt chế độ kiểm thực ba bước và lưu mẫu thực phẩm; tăng cường giám sát điều kiện VSATTP trong quá trình nhập, chế biến, bảo quản thực phẩm; phối hợp chặt chẽ với trạm y tế cấp xã, phường triển khai tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là lúc giao mùa…”.
Lê Thương