Ông Phạm Lâm Tới - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: "Từ quan tâm triển khai, Phong trào đã thu được những kết quả hết sức ý nghĩa. Nếu như năm 2000, toàn tỉnh mới có 700 làng, thôn, bản, tổ dân phố (chiếm 31,3%) đạt danh hiệu văn hóa thì đến năm 2018, toàn tỉnh có 1.835 làng, thôn, bản, tổ dân phố (chiếm 58%) đạt chuẩn văn hóa”.
Có thể nói, phong trào "Xây dựng làng, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa” đã góp phần tạo nên phong trào thi đua rộng khắp trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Trong cộng đồng dân cư, tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau phát triển sản xuất, sáng tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh được phát huy, góp phần mỗi năm giảm từ 4 - 5% số hộ nghèo.
Kinh tế phát triển, đời sống người dân ổn định tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế. Hầu hết các thôn, làng, bản, tổ dân phố, xã, phường, thị trấn văn hóa đều có cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp bảo đảm theo quy định. Từ xây dựng văn hóa, thiết chế văn hóa cơ sở được tăng cường.
Hết năm 2018, toàn tỉnh có 93/180 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa, đạt 51,6%; 1.607/2.263 làng, thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hóa, đạt 71%; có 83 xã, phường, thị trấn xây dựng xã, phường, thị trấn văn hoá, trong đó có 32 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, 11 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.
Đặc biệt, từ phong trào, có 1.315 làng, bản, tổ dân phố xây dựng được quy ước văn hóa; toàn tỉnh thành lập 2.248 tổ an ninh nhân dân, 3.056 tổ tự quản, 2.394 tổ hòa giải, duy trì hoạt động của 132 mô hình tiên tiến về công tác bảo đảm an ninh trật tự.
Triển khai xây dựng văn hóa, không chỉ duy trì những nét đẹp văn hóa truyền thống, loại bỏ những tập tục lạc hậu, các cấp chính quyền và nhân dân thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, củng cố các mối đại đoàn kết dân tộc, tăng cường tình làng nghĩa xóm, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội. Phong trào "Xây dựng làng, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa” là yếu tố để số hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa năm 2018 đạt 76,2%, tăng 1,6% so với năm 2017.
Xây dựng văn hóa phải gắn liền với xây dựng con người và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở bắt nguồn từ nền tảng xây dựng văn hóa gia đình, thôn tổ dân phố văn hóa - nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống con người.
Thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014, của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) "Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Chương trình hành động 144 của Tỉnh ủy đề ra mục tiêu, năm 2019, 65% thôn, bản, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hóa để bảo đảm mục tiêu 65% thôn, bản, tổ dân phố của Yên Bái đạt tiêu chuẩn văn hóa, đồng thời nâng cao chất lượng làng văn hóa theo tiêu chí cũng như ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào "TDĐKXDĐSVH” tại phiên họp tổng kết năm 2018, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2019.
Người dân ngày càng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Ảnh: Phụ nữ xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên vệ sinh đường làng.
Do đó, cùng tiếp tục đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về phong trào "TDĐKXDĐSVH” nói chung và thôn, bản, tổ dân phố văn hóa nói riêng, trong đó, xây dựng làng bản văn hóa phải được xác định là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Phong trào phải được gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua ở từng địa phương.
Một vấn đề đặt ra, hiện các địa phương đang triển khai sắp xếp thôn, bản, tổ dân phố theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Điều này sẽ dẫn đến việc trường hợp: các thôn, làng, bản, tổ dân phố văn hóa sáp nhập lại với nhau và các thôn, làng, bản, tổ dân phố văn hóa sáp nhập với các thôn, làng, bản, tổ dân phố chưa ra mắt xây dựng văn hóa.
Về vấn đề này, ông Phạm Lâm Tới cho biết: "Cùng tổ chức tập huấn, ban hành công văn hướng dẫn cơ sở kiểm tra, rà soát, đánh giá công nhận lại các thôn, làng, bản, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa sau khi sát nhập. Với chức năng cơ quan thường trực, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tham mưu Ban Chỉ đạo cấp tỉnh có công văn chỉ đạo kiện toàn lại các ban vận động (ban công tác mặt trận) trưởng các thôn, làng, bản, tổ dân phố văn hóa; hướng dẫn xây dựng kế hoạch mới thay đề án, kế hoạch cũ. Các thôn, làng, bản, tổ dân phố sau khi rà soát, kiểm tra, đánh giá lại phải đủ các thủ tục, hồ sơ (kế hoạch xây dựng thôn, làng, bản, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa; bản hương ước, quy ước mới), trình ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH các huyện, thị xã, thành phố thẩm định, phê duyệt”.
Theo đó, các địa phương đang sáp nhập thôn, bản cần tiến hành rà soát, nơi nào đủ tiêu chuẩn theo quy định và hồ sơ, Ban Chỉ đạo tổng hợp làm văn bản đề nghị UBND huyện, thị xã, thành phố ra quyết định công nhận lại theo tên mới sau khi sáp nhập.
Các thôn, làng, bản, tổ dân phố văn hóa sau khi sáp nhập lại xét thấy chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định, thì yêu cầu cơ sở tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân phấn đấu để công nhận vào năm sau, không chạy theo thành tích, số lượng mà xem nhẹ chất lượng Phong trào.
Các thôn, bản văn hóa được công nhận danh hiệu văn hóa phải là nơi người dân có đời sống ấm no, có đời sống tinh thần phong phú, tiếp thu văn hóa tốt đẹp của nhân loại nhưng vẫn duy trì được bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp. Đặc biệt, các thôn, bản phải có cảnh quan môi trường sống trong lành, ổn định về chính trị và an toàn xã hội...
Nguyễn Đình