Ông Nguyễn Văn Liệu - Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: "Để thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, thời gian qua, Ban Chỉ đạo Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” từ tỉnh đến cơ sở tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chỉ thị, quyết định của cấp trên... Qua đó, về việc cưới, cơ bản được tổ chức bảo đảm tiết kiệm, trang trọng, lành mạnh. Việc tổ chức cỗ bàn linh đình đã giảm, phần lớn các đám cưới đều tổ chức trong một ngày. Trong việc tang, cơ bản người dân đã thực hiện tốt theo quy định của tỉnh, Trung ương. Các tập tục lạc hậu trong đám tang như: tổ chức ăn uống linh đình, rắc vàng mã, phúng viếng vòng hoa… ở thành phố, thị xã, thị trấn đã giảm; việc thực hiện hỏa táng khi có người thân qua đời để bảo đảm vệ sinh môi trường được nhiều gia đình thực hiện”.
Cùng kết quả đạt được, thực tế việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Trong đó, việc mời dự, tổ chức cưới của một số cán bộ, công chức, viên chức còn tràn lan và trong ngày hành chính.
Tại một số nơi, việc tổ chức tiệc cưới còn linh đình và vẫn còn tình trạng tảo hôn. Đối với việc tang, vẫn còn tình trạng để người chết quá thời gian quy định, nhiều nơi ở các xã, thôn, bản vùng cao, vùng dân tộc thiểu số vẫn tổ chức ăn uống linh đình gây tốn kém cho các hộ nghèo.
Đặc biệt, tình trạng dựng rạp đám cưới, đám ma chiếm dụng hành lang đường phố, thậm chí lấn chiếm cả lòng đường vẫn diễn ra tại thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và những điểm dân cư sống ven các quốc lộ 32, 70... Những rạp cưới, rạp tang lấn chiếm lòng đường hè phố vừa gây mất văn minh đô thị, lại là "quả bom hẹn giờ” gây mất an toàn giao thông, nguy hiểm cho tính mạng người dân.
Nguyên nhân của tình trạng trên, về khách quan, hầu hết do người dân, nhất là khu vực thành thị, điểm đông dân cư sống bám ven mặt đường. Tuy nhiên, do quy hoạch về hạ tầng chưa theo kịp tốc độ phát triển, nguồn vốn đầu tư hạn chế… nên lòng đường, vỉa hè của chúng ta thường hẹp, đặc biệt thiếu nơi đỗ phương tiện, nhất là hiện nay, khi các loại phương tiện, trong đó có ô tô, tăng nhanh. Những thiết chế văn hóa, trong đó những điểm để tổ chức hoạt động chung của các cơ sở phường, phố đều thiếu, nhất là mặt bằng.
Tại thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ, chưa có những địa điểm dịch vụ thực sự phù hợp với điều kiện của đại bộ phận người dân. Trong khi đó, điều kiện kinh tế của đa số bộ phận người dân còn khó khăn nên không có điều kiện tổ chức tại nhà hàng.
Những điều này, cộng với tâm lý "việc lớn thường phải tổ chức tại gia” nên khi có việc, các gia đình thường lấy vỉa hè, lòng đường làm nơi tổ chức. Xuất phát từ những vấn đề trên, để phù hợp với tình hình thực tế và nhằm tạo điều kiện cho người dân, ngày 6/8/2015, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 12 quy định về việc quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố tại các tuyến đường giao thông đô thị trên địa bàn tỉnh Yên Bái không vào mục đích giao thông, trong đó có việc dựng rạp đám cưới hỏi, đám ma...
Cùng nguyên nhân khách quan, về chủ quan, do công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa thực sự sâu rộng nên người dân chưa nắm được pháp luật, từ đó, ý thức chấp hành của một bộ phận người dân chưa tốt. Các ngành chức năng, các địa phương còn buông lỏng quản lý, không kịp thời, chủ động xử lý các vi phạm trong việc cưới, việc tang. Hoặc có xử lý cũng dựa trên "tình cảm”, phạt cho tồn tại, nên tình trạng vi phạm vẫn diễn ra...
Chấn chỉnh việc thực hiện các quy định trong việc cưới, việc tang, trong tháng 3 và tháng 4 năm 2019, UBND tỉnh đã liên tiếp ban hành 2 công văn về việc chấn chỉnh việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, biện pháp trước mắt cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến nhân dân, đặc biệt là đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới việc tang theo Quyết định số 26/2012/QĐ-UBND ngày 23/7/2012 của UBND tỉnh Yên Bái và Nghị định số 46 ngày 26/5/2016 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.
Trên căn cứ tình hình thực tế, các ngành chức năng cần tích cực nghiên cứu, tham mưu với UBND tỉnh sửa đổi các quy định của tỉnh về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và quy định về việc quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố tại các tuyến đường giao thông đô thị trên địa bàn tỉnh Yên Bái không vào mục đích giao thông.
Sau công tác tuyên truyền, cần tiến hành ký cam kết với các gia đình không vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, trong đó có việc dựng rạp cưới, rạp tang lấn chiếm hành lang, lòng lề đường. Các ngành và địa phương cần tạo điều kiện bố trí những nơi có thể giúp người dân tổ chức việc cưới như nhà văn hóa, những mặt bằng đất trống chưa sử dụng để tổ chức việc cưới.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch và tích cực triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm việc dựng rạp lấn chiếm hành lang, lòng lề đường, kiên quyết xử lý dỡ bỏ và không để tiếp tục tái diễn.
Cùng giải pháp trước mắt, về lâu dài, cần điều chỉnh quy hoạch về hạ tầng, trong đó quan tâm quy hoạch đô thị, nhất là các điểm đỗ, bãi đỗ xe, các nhà hàng, khách sạn bảo đảm các điều kiện. Tiếp tục tạo điều kiện đẩy mạnh xã hội hóa các loại hình dịch vụ trong đó có dịch vụ cưới hỏi, tang lễ. Các địa phương cần quan tâm xây dựng các thiết chế văn hóa, trong đó có việc dành quỹ đất công cộng để phục vụ các hoạt động văn hóa, các sự kiện trên địa bàn, trong đó có nhu cầu của từng người dân…
Việc cưới, việc tang là công việc hệ trọng của mỗi người, mỗi gia đình. Tuy nhiên, trước những vụ tai nạn giao thông thảm khốc diễn ra tại một số địa phương trong cả nước thời gian qua chính là hồi chuông cảnh báo cho chúng ta. Vì sự an toàn bản thân và cộng đồng cũng như góp phần xây dựng đô thị văn minh, mỗi người dân cần nêu cao ý thức chấp hành pháp luật và những quy định chung để việc cưới việc tang, thực sự văn minh.
Theo Điều 12 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì hành vi dựng rạp trên đường sẽ bị xử phạt tiền từ 2 triệu đến 3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng đối với tổ chức. Khi gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 203 Bộ luật Hình sự.
|
Nguyễn Đình