Trong những năm qua, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (VSATTP) trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định: công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về VSATTP được đẩy mạnh, huy động được các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương và cộng đồng tham gia, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội; người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng.
Công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm nghiệm về VSATTP được tăng cường. Nhiều vụ hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng đã được các cơ quan chức năng phát hiện ngăn chặn, có những vụ đã được đưa ra xử lý hình sự; hoạt động sản xuất, nuôi trồng, cung ứng dịch vụ các sản phẩm liên quan đến ATTP đã dần đi vào nề nếp.
Công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực ATTP được đẩy mạnh thông qua Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh và Bộ phận Phục vụ hành chính công cấp huyện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các tổ chức, cá nhân giải quyết các thủ tục hành chính trong thời gian sớm nhất.
Tuy nhiên, tại một số nơi, vẫn còn tình trạng vi phạm pháp luật về ATTP như: sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm nhập lậu, hàng kém chất lượng không bảo đảm an toàn lưu thông trên thị trường…
Phát biểu tại Lễ phát động, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Tiến nhấn mạnh: Để tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong công tác bảo đảm ATTP, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP Trung ương đã chọn chủ đề Tháng hành động vì ATTP năm 2019 là "Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
Nhằm huy động sự tham gia của toàn xã hội, đặc biệt là trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các sở, ban, ngành, các địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đảm bảo chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến ATTP trên địa bàn tỉnh. Đề cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP.
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Nêu cao vai trò của các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về ATTP của các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các ngành, địa phương trong việc triển khai các hoạt động bảo đảm ATTP để đem lại những kết quả thiết thực, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo đảm ATTP của tỉnh; kiên quyết ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng nhập lậu, chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể và các bệnh truyền qua thực phẩm.
Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố cần thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật trong sơ chế, chế biến, sản xuất, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh đảm bảo ATTP.
Đối với người tiêu dùng, phải có kiến thức và thực hành đúng về ATTP, biết cách chọn mua, sơ chế, chế biến, bảo quản, sử dụng thực phẩm an toàn, tẩy chay thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; khi phát hiện những cơ sở vi phạm ATTP cần báo ngay cho cơ quan chức năng gần nhất.
Đồng chí Dương Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra bếp ăn của Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Miền Tây.
Cũng trong dịp này, Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh đã đi kiểm tra một số bếp ăn nội trú, bán trú tại các trường học và diễu hành tuyên truyền, cổ động "Tháng hành động vì
ATTP” năm 2019 trên các trục đường chính của thị xã Nghĩa Lộ.
Minh Huyền - Quyết Thắng