Chúng tôi đến Trường Mầm non Trung Tâm khi cô và trò lớp 5 tuổi đang diễn ra hoạt động vui chơi và cô giáo tích cực lồng ghép Chuyên đề "tăng cường tiếng Việt” thông qua các trò chơi, hoạt động ở các góc học tập giúp trẻ giao tiếp, hỏi, trả lời, gợi ý, mạnh dạn nêu ý tưởng cho giáo viên và trẻ khác. Để hướng dẫn phát âm chuẩn, rõ ràng, trên mỗi đồ dùng cá nhân, đồ chơi hay dụng cụ học tập, giáo viên đều dán chữ viết, ký hiệu chữ cái để trẻ nhận biết, làm quen…, từ đó, thu hút các bé tham gia các hoạt động "học mà chơi, chơi mà học”.
Bé Lý Thị Viên - lớp mẫu giáo 4-5 tuổi cho biết: "Ở lớp, con được các cô giáo dạy chơi các trò chơi, học chữ viết, học tiếng Việt…, con rất vui và không bị nói ngọng nữa”.
Trường Mầm non Trung Tâm có 10 nhóm lớp với 300 trẻ, trong đó có 256 trẻ là người DTTS, chiếm trên 85%. Chính vì vậy, Nhà trường luôn quan tâm thực hiện Chuyên đề "Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non”; kế hoạch của UBND huyện Lục Yên về thực hiện Đề án "Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025” và bám sát hướng dẫn, chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện. Để thực hiện Chuyên đề có hiệu quả, vào đầu mỗi năm học, Nhà trường đã tiến hành điều tra, rà soát học sinh DTTS để tăng cường tiếng Việt ở từng nhóm lớp, theo từng mức độ.
Đồng thời, khảo sát cơ sở vật chất, năng lực và khả năng sử dụng tiếng DTTS của giáo viên; tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn thực hiện tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non do ngành giáo dục các cấp tổ chức; phối hợp với cha mẹ học sinh, các ban, ngành, đoàn thể của xã và tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tạo sân chơi phát triển khả năng nói tiếng Việt, chuẩn bị hành trang cho trẻ vào lớp 1.
Cô giáo Phùng Thị Hồng Nguyệt cho biết: "Để thực hiện Chuyên đề "Tăng cường tiếng Việt cho trẻ”, tôi cũng như các cô giáo khác đã lồng ghép, tích hợp vào các hoạt động trong ngày như: đón, trả trẻ, thể dục sáng, kể chuyện, hát, múa… từ đó, trẻ là người DTTS đã có tiến bộ nhiều về tiếng Việt, thay tình trạng nói ngọng, nói lắp bằng nói đủ câu, rõ ràng”.
Cô Châu Thị Nhung - Hiệu trưởng Trường Mầm non Trung Tâm cho biết: "Từ khi bắt đầu triển khai Chuyên đề, Nhà trường đã chú trọng, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết của việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS, từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các bậc cha mẹ, giáo viên đối với việc tăng cường chăm sóc, giáo dục trẻ”.
Nhà trường cũng đã tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền, phối hợp với các đoàn thể địa phương, đẩy mạnh xã hội hóa huy động nguồn lực, vận động phụ huynh đưa trẻ trong độ tuổi ra lớp; thực hiện tốt duy trì sĩ số, hạn chế thấp nhất tình trạng trẻ nghỉ học, đi học không chuyên cần; xây dựng các bài viết tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hỗ trợ cha mẹ và cộng đồng tăng cường tiếng Việt cho trẻ.
Bên cạnh đó, nhà trường còn xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt như: trang trí, xây dựng phòng học quy mô, nề nếp, các góc phù hợp, tạo hứng thú cho trẻ khám phá, học tập. Đặc biệt, các lớp đều xây dựng góc địa phương, tạo sự gần gũi, thân quen cho trẻ; khuyến khích phụ huynh, cộng đồng dân cư - nơi có trẻ DTTS cùng sưu tầm nguyên vật liệu, làm đồ dùng, đồ chơi để bổ sung, tăng cường cho các nhóm lớp; thực hiện nghiêm túc Chương trình Giáo dục Mầm non theo độ tuổi.
Việc triển khai thực hiện Chuyên đề "Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non” với cách làm thường xuyên, đồng bộ ở Trường Mầm non Trung Tâm đã đạt được những kết quả tích cực. Trẻ DTTS đã mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp bằng tiếng Việt, khả năng vốn từ phong phú hơn và là hành trang quan trọng tạo đà giúp các em tiếp cận với chương trình học lớp 1 nhanh, hiệu quả…
Trần Ngọc