Ngoài ra, địa bàn thị xã cũng là đầu mối, nơi trung chuyển hàng hóa đi các huyện, thị phía Tây của tỉnh. Do vậy, luôn tiềm ẩn tình trạng buôn bán, chế biến, sử dụng thực phẩm không an toàn.
Xuất phát từ những đặc thù của địa bàn, thời gian qua, thị xã Nghĩa Lộ đã thực hiện đồng bộ, quyết liệt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) theo chuỗi đối với từng ngành hàng quản lý; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và người dân về tầm quan trọng và tác dụng của công tác vệ sinh ATTP với mọi người, mọi gia đình và cộng đồng xã hội.
Nhất là Luật ATTP và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về tầm quan trọng của ATTP đối với đời sống xã hội, đến sức khỏe con người, sự phát triển của giống nòi và phát triển kinh tế - xã hội, làm cho mọi người dân thấy được quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với vấn đề ATTP nhằm thay đổi hành vi bảo đảm ATTP của cả cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Tạo sự chuyển biến căn bản trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng đảm bảo chất lượng vệ sinh ATTP.
Bà Hoàng Thị Hồng Hạnh - Phó Chủ tịch UBND thị xã, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo ATTP thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Thông qua việc đẩy mạnh công tác truyền thông, chất lượng vệ sinh ATTP ngày càng đi vào chiều sâu; nhận thức của nhà quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về ATTP bước đầu đã có chuyển biến; việc thực hiện phân công, phân cấp và phối hợp giữa các sở, ban, ngành và cơ sở bước đầu phát huy hiệu quả; công tác quản lý và đảm bảo ATTP có chuyển biến tích cực, nên trong thời gian vừa qua, trên địa bàn thị xã không có trường hợp nào tử vong do ngộ độc thực phẩm”.
Công tác tổ chức kiểm tra và hậu kiểm cấp giấy chứng nhận các cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến, sơ chế thực phẩm cũng được tăng cường. Thị xã tập trung kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống.
Đồng thời kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, trọng tâm vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp tết Nguyên đán và trong các lễ hội như: thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm...
Trong đợt cao điểm dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi và mùa lễ hội xuân 2019, các lực lượng, cơ quan chức năng của thị xã đã tổ chức kiểm tra liên ngành 21 cơ sở trên địa bàn, chủ yếu tập trung vào các cơ sở ăn uống, kinh doanh, sản xuất và chế biến thực phẩm.
Qua kiểm tra, phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh hàng hết hạn sử dụng, không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, có nhiều trường hợp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP hết thời hạn. Đã có 3 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ bị đề nghị lực lượng chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
Hưởng ứng "Tháng hành động vì ATTP” năm 2019 với chủ đề "Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, thời điểm này, thị xã Nghĩa Lộ tập trung tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông đảm bảo chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến ATTP; đề cao vai trò, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong việc thực thi pháp luật về ATTP.
Thị xã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ; tăng cường vai trò giám sát của các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và người tiêu dùng đối với việc thực thi pháp luật về ATTP của các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm… nhằm giảm thiểu tình trạng tiêu dùng thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng.
Thành Trung