Xác định công tác phòng, chống bệnh dại là nhiệm vụ quan trọng, ngay từ đầu năm, Trung tâm Y tế huyện Văn Yên đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống bệnh dại trên địa bàn huyện; kiện toàn Ban Chỉ đạo, phân công các ngành thành viên xuống cơ sở kiểm tra, giám sát, chỉ đạo các trạm y tế tham mưu cho UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch truyền thông về phòng, chống bệnh dại.
Bác sỹ Lê Đình Tiến – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: "Để hạn chế tỷ lệ tử vong, từng bước quản lý và khống chế dịch lan rộng, tiến tới loại trừ bệnh dại ở người, Trung tâm đã huy động sự tham gia của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân củng cố mạng lưới, trao đổi thông tin thường xuyên với cơ quan thú y về tình hình bệnh dại ở người và động vật để có biện pháp phòng, chống kịp thời".
Trung tâm cũng phối hợp với đơn vị chức năng mở các lớp tập huấn về chuyên môn, kỹ năng truyền thông phòng, chống và quy trình xử lý ổ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cho đội ngũ cán bộ y tế làm công tác phòng, chống bệnh dại từ huyện đến thôn, bản.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng kế hoạch truyền thông trực tiếp dưới nhiều hình thức như: tư vấn tại các cơ sở y tế, thảo luận nhóm, thăm hộ gia đình, lồng ghép vào các buổi họp thôn, bản và tại các đơn vị trường học; phối hợp với Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện tăng cường tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, xây dựng pano, áp phích để nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh dại.
Củng cố hệ thống giám sát, báo cáo dịch bệnh nói chung và bệnh dại nói riêng ở súc vật và người theo đúng quy định; thường xuyên trao đổi thông tin với Trung tâm Dịch vụ và Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện, kịp thời nắm bắt tình trạng các ổ dịch, tiêm phòng vắc-xin cho đàn chó nuôi để có biện pháp hỗ trợ tốt nhất trong công tác phòng, chống bệnh dại ở người.
Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; lập kế hoạch, tổ chức triển khai công tác phòng chống bệnh dại, giám sát tình hình dịch bệnh chặt chẽ từ các thôn, bản; tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe, tập trung vào các nội dung về mức độ nguy hiểm cũng như khi bị động vật nghi dại cắn phải đến các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và đi tiêm phòng ngay, không được sử dụng thuốc nam điều trị tại nhà; phổ biến các biện pháp phòng chống bệnh dại, đảm bảo 100% người dân bị súc vật nghi dại cắn được cơ sở y tế tư vấn và tiêm phòng.
Từ đầu năm 2019 đến nay, Trung tâm Y tế huyện đã tổ chức tiêm vacxin phòng dại cho 475 ca bị chó, mèo cắn. Từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn huyện chỉ có 1 trường hợp người dân ở xã Châu Quế Thượng bị tử vong do bị chó nghi dại cắn nhưng không đến cơ sở y tế để tiêm phòng.
Trần Ngọc