Với bệnh nhân HIV/AIDS, điều trị ARV (thuốc kháng vi-rút HIV) cần liên tục và suốt đời. Vì vậy, việc chính thức đưa thuốc ARV vào danh mục thuốc được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả được xem là chính sách nhân văn của Nhà nước, nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện cho người nhiễm HIV giảm gánh nặng khi điều trị và chữa bệnh.
Theo báo cáo của Sở Y tế Yên Bái, lũy tích toàn tỉnh có trên 5.800 người nhiễm HIV có địa chỉ, hiện đang quản lý trên 2.100 người, trong đó có 1.467 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh và có 1.390 bệnh nhân có thẻ BHYT, đạt trên 94%, còn 77 bệnh nhân đang làm hồ sơ để cấp thẻ.
Theo tính toán, chi phí cho một bệnh nhân HIV/AIDS điều trị bằng thuốc ARV theo phác đồ bậc 1 là 2,6 triệu đồng/năm. Trước đây, tất cả chi phí này đều chủ yếu dựa vào nguồn tài trợ của Quỹ Toàn cầu và Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, hết năm 2018, các nguồn viện trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS đã dần bị cắt giảm. Vì vậy, tấm thẻ BHYT được coi là "cứu tinh” cho các bệnh nhân nhiễm HIV.
Bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Văn Hà - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái cho biết: "Đa phần các bệnh nhân điều trị bệnh HIV/AIDS đều có sức khỏe yếu, việc làm không ổn định nên về mặt tài chính gặp nhiều khó khăn mà khi bị nhiễm HIV, người bệnh có nguy cơ cao bị các bệnh nhiễm trùng tấn công, chi phí điều trị rất tốn kém. Vì vậy, việc mua và sử dụng thẻ BHYT sẽ góp phần giảm nhẹ được gánh nặng kinh tế trong quá trình điều trị”.
Bệnh nhân N.V.V ở phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Có thẻ BHYT giúp tôi và gia đình yên tâm chữa bệnh, được nhận thuốc ARV miễn phí nên các chi phí khác khi đi khám cũng đỡ tốn hơn. Nếu không có BHYT chắc tôi cũng bỏ cuộc vì giờ sức khỏe yếu, làm nghề chạy xe ôm hôm được hôm không thì lấy đâu tiền chữa bệnh”.
Đầu tháng 3 vừa qua, Yên Bái cùng với các địa phương trong cả nước tổ chức sự kiện "Những bệnh nhân đầu tiên chính thức nhận thuốc ARV từ nguồn BHYT”. Đây là sự kiện khởi động chính thức áp dụng điều trị, cấp phát thuốc ARV từ nguồn BHYT và là dấu mốc quan trọng trong công tác phòng chống HIV/AIDS.
Theo đó, ngoài quyền lợi chung, người nhiễm HIV khi tham gia BHYT sẽ được Quỹ BHYT chi trả thuốc kháng HIV; xét nghiệm HIV trong khám bệnh, chữa bệnh đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai và sinh con theo yêu cầu chuyên môn nếu không được các nguồn kinh phí khác chi trả; kỹ thuật đình chỉ thai nghén ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV;
Cùng đó là khám bệnh, xét nghiệm HIV, thuốc kháng vi rút HIV và dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khác liên quan đến HIV/AIDS đối với trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV; xét nghiệm HIV theo yêu cầu chuyên môn trong khám, chữa bệnh.
Được thực hiện xét nghiệm HIV, điều trị bằng thuốc kháng HIV đối với người phơi nhiễm với HIV, người nhiễm HIV do tai nạn rủi ro (trừ các trường hợp tai nạn rủi ro nghề nghiệp đã được ngân sách nhà nước chi trả); điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội.
Hiện nay, các cơ sở khám chữa bệnh BHYT đã tiếp nhận bệnh nhân nhiễm HIV đến khám và điều trị. Tính từ đầu tháng 3 đến nay có 879 lượt bệnh nhân nhiễm HIV đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế và được BHXH tỉnh thanh toán tổng số tiền trên 156 triệu đồng.
Xác định BHYT là nguồn lực chủ đạo trong công tác phòng chống HIV/AIDS, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 38/KH-UBND ngày 21/2/2019 về việc bảo đảm kinh phí mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS và hỗ trợ phần cùng chi trả thuốc kháng HIV cho bệnh nhân có thẻ BHYT tỉnh Yên Bái năm 2019.
Trong năm 2019, dự kiến toàn tỉnh có trên 2.000 bệnh nhân nhiễm HIV còn sống được quản lý có thẻ BHYT sử dụng thuốc ARV, trong đó trên 1.960 người có địa chỉ tại Yên Bái và 40 người ngoại tỉnh điều trị tại Yên Bái.
Tỉnh Yên Bái phấn đấu hết năm 2019, 100% số người nhiễm HIV đang điều trị thuốc kháng HIV tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS có thẻ BHYT; hàng năm bảo đảm 100% số người nhiễm HIV điều trị thuốc ARV có thẻ BHYT được hỗ trợ chi phí cùng chi trả đối với thuốc ARV khi tham gia điều trị ARV.
Để người nhiễm HIV chủ động hơn trong việc tham gia BHYT, từ đó được bảo đảm tốt nhất việc điều trị bệnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh Yên Bái đã xây dựng cơ sở dữ liệu bệnh nhân điều trị ARV phục vụ cho việc theo dõi thanh toán thuốc ARV từ nguồn BHYT và thiết lập hệ thống thông tin quản lý đến từng bệnh nhân tham gia điều trị ARV.
Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp cùng Sở Y tế tăng cường công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông cho những người nhiễm HIV tham gia BHYT và lợi ích của việc điều trị sớm bằng thuốc AVR, lợi ích của BHYT trong việc khám và điều trị HIV/AIDS.
Cùng với đó, các cơ sở khám chữa bệnh cần nâng cao công tác tuyên truyền đến đội ngũ nhân viên, y, bác sỹ trong công tác bảo mật thông tin và tránh đối xử, phân biệt kỳ thị đối với các bệnh nhân HIV để họ được yên tâm chữa bệnh và vận động các bệnh nhân khác sớm tham gia điều trị, góp phần giải quyết những khó khăn, thách thức trong công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.
H.D