Điện lực Nghĩa Lộ (ĐLNL) sản xuất, kinh doanh trên địa bàn 4 huyện, thị xã phía Tây của tỉnh. Là đơn vị có địa bàn hoạt động rộng, đông quân số, đặc biệt, kinh doanh trong lĩnh vực có tính đặc thù tiềm ẩn nhiều tai nạn lao động (TNLĐ), vì vậy, trong thời gian qua, đơn vị luôn quan tâm, thực hiện các quy định của pháp luật, của ngành về công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ).
Ông Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc ĐLNL cho biết: "Đảm bảo ATVSLĐ - phòng chống cháy nổ (PCCN) là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành điện nói chung và của ĐLNL nói riêng. Chính vì vậy, hàng năm cùng với lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đơn vị còn chú trọng xây dựng và thực hiện kế hoạch công tác ATVSLĐ, phù hợp nhu cầu thực tế, đáp ứng đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả trang bị phương tiện.
Qua đó, năm qua, ĐLNL không để xảy ra TNLĐ, góp phần tích cực tạo hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh”. Theo kế hoạch được xây dựng từ đầu năm, hàng tháng, hàng quý, các thiết bị an toàn được kiểm tra đánh giá số lượng, chất lượng và công tác quản lý sử dụng để triển khai mua sắm và cấp phát tới các đơn vị, cá nhân đảm bảo đầy đủ, an toàn như: găng cách điện, sào cách điện, bút thử điện, dây lưng an toàn, quần, áo, giày, dép…
Năm 2018, ĐLNL đã đầu tư hơn 178 triệu đồng cho công tác an toàn bảo hộ lao động - PCCN, hơn 65 triệu đồng cho chăm sóc sức khỏe - phòng chống bệnh nghề nghiệp, hơn 270 triệu đồng trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động, hơn 13 triệu đồng cho vệ sinh lao động - cải tiến điều kiện làm việc… Tổng kinh phí là hơn 650 triệu đồng.
Công tác phòng chống TNLĐ được ĐLNL đặc biệt quan tâm. Đơn vị thành lập và duy trì hoạt động của Tiểu ban phòng chống TNLĐ với phương án, chương trình kế hoạch hành động cụ thể. Theo đó, mỗi cán bộ, công nhân, người lao động, tổ sản xuất phải thực hiện phương án phòng chống tai nạn cho cá nhân, tổ, đội sản xuất, tổ chức học tập và áp dụng biện pháp an toàn cho các công việc thường xuyên, hàng ngày của cán bộ, công nhân.
Hàng ngày, vào đầu giờ sáng hoặc trước khi giao việc cho cho công nhân, hay trước khi thực hiện công việc, người giao việc, người chỉ huy trực tiếp nhóm công tác đều thực hiện phổ biến nội dung công việc, phân công công việc và phổ biến các biện pháp an toàn cụ thể cho từng công việc của cá nhân trong đơn vị công tác.
Ông Phạm Vinh Quang - Trưởng phòng Kế hoạch, Kỹ thuật, An toàn, ĐLNL cho biết: "Đối với những công việc phải làm vào ngày nghỉ, đêm tối, công việc nguy hiểm, lãnh đạo đơn vị, kỹ thuật viên an toàn phải có mặt liên tục tại hiện trường để kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp an toàn và chịu trách nhiệm về thực hiện các quy định an toàn. Với các công việc diễn ra trong ngày làm việc bình thường thì lãnh đạo đơn vị, kỹ thuật viên an toàn phải thay nhau thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các tổ, đội, nhóm công tác”.
Không chỉ đảm bảo an toàn trong sản xuất, kinh doanh, ĐLNL còn tập trung cho công tác an toàn điện trong nhân dân. Định kỳ hàng tháng, hàng quý, tiến hành kiểm tra, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp an toàn trong sử dụng điện và sử dụng điện tiết kiệm, phát tờ rơi tuyên truyền về an toàn cho khách hàng sử dụng điện. Đồng thời tạm dừng không cấp điện cho các trường hợp sử dụng điện mất an toàn và chỉ khi khách hàng cải tạo, sửa chữa đảm bảo an toàn thì đơn vị mới cấp điện trở lại.
Thời gian tới, ĐLNL sẽ kiểm tra, rà soát cán bộ làm công tác kỹ thuật, an toàn đảm bảo trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong công tác quản lý kỹ thuật, vận hành, ATLĐ; tổ chức kiểm định các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; tăng cường kiểm tra đột xuất tại hiện trường; trang cấp đầy đủ, kịp thời các trang bị, dụng cụ an toàn, bảo hộ lao động cho các đơn vị và cá nhân; tổ chức tốt Phong trào thi đua "Năm văn hóa ATLĐ và kỷ luật lao động”, Phong trào "Đảm bảo ATLĐ - Ý thức trách nhiệm”… quyết tâm không để xảy ra TNLĐ, sự cố cháy nổ do chủ quan, góp phần đạt hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh.
Thành Trung