Hội nghị lần này nhấn mạnh tới sự thay đổi bức tranh toàn cảnh về giáo dục nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế và xã hội.
Đây là lúc để thay đổi
Trong bài phát biểu với chủ đề vai trò của công nghệ thông tin trong phát triển giáo dục và đào tạo, người đứng đầu ngành Giáo dục Việt Nam cho rằng, tiến trình phát triển giáo dục của mỗi đất nước đang trở nên khả thi hơn bao giờ hết nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin. Đây là chìa khóa quan trọng mở ra nhiều cơ hội cho mọi người được tiếp cận với giáo dục, học tập suốt đời và nâng cao chất lượng giáo dục.
Nhìn lại giáo dục Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Việt Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục trung học vào năm 2010 và giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2017.
Chất lượng giáo dục phổ thông của Việt Nam được ghi nhận qua kết quả các chương trình đánh giá quốc tế như PISA, PASEC. Trong các kì thi Olympic khoa học quốc tế, Việt Nam luôn nằm trong top 10 các nước có thành tích tốt nhất.
Đặc biệt là trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh việc khai thác hiệu quả các ứng dụng của CNTT vào quá trình dạy, học và quản lý trong nhà trường. Nhờ đó các chỉ tiêu chất lượng giáo dục cụ thể về cơ hội tiếp cận, chất lượng giáo dục cho nhóm học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, bình đẳng giới đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
"Lớp học thông minh với các công nghệ hỗ trợ đang ngày càng trở nên phổ biến giúp việc học trở nên hiệu quả hơn, nhất là đối với nhóm học sinh có nhu cầu đặc biệt, đối tượng trẻ khuyết tật” - Bộ trưởng chia sẻ
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, giáo dục Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Mặc dù mục tiêu phổ cập giáo dục trung học cơ sở đã đạt được nhưng đối với học sinh các dân tộc thiểu số, tỉ lệ bỏ học vẫn cao và tỉ lệ tiếp tục theo học vẫn ở mức thấp ở cấp trung học.
Cho dù đạt kết quả cao trong các chương trình đánh giá năng lực quốc tế, học sinh vẫn bị đánh giá là thiếu hụt về kĩ năng sống, áp lực từ các kỳ thi, thiếu thời gian vui chơi và rèn luyện thể lực.
"Thêm nữa, vấn đề bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên còn nhiều thách thức, đặc biệt là đổi mới sáng tạo trong phương pháp dạy học. Đây là những vấn đề không chỉ của riêng chúng tôi mà có lẽ cũng là của các bạn. Chúng ta cần phải làm tốt hơn và đây là lúc để thay đổi”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Công nghệ hỗ trợ người học, nuôi dưỡng yêu thương…
Khẳng định đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin là giải pháp mang tính đột phá, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, cần sử dụng công nghệ như một công cụ để đổi mới sáng tạo, mang lại cơ hội giáo dục cho mọi người ở mọi lúc, mọi nơi. Nhờ đó chất lượng giáo dục được nâng lên, mọi người được hạnh phúc.
Bộ trưởng cũng cho biết, những nỗ lực của Việt Nam trong việc tận dụng công nghệ nhằm xây dựng một nền giáo dục công bằng và chất lượng, trong đó đã triển khai Cổng thông tin Trường học kết nối cung cấp bài giảng và tài liệu học tập miễn phí cho giáo viên và học sinh trên cả nước; phát triển hệ thống đào tạo giáo viên trực tuyến cho hơn một triệu giáo viên nhằm cải thiện chất lượng sư phạm, tạo đột phá về đổi mới sáng tạo trong dạy và học.
"Chúng tôi đã xây dựng hệ thống thông tin toàn ngành để phục vụ công tác thống kê dự báo và xây dựng chiến lược, đảm bảo những chính sách được đưa ra dựa trên kết quả nghiên cứu và số liệu đáng tin cậy” - Bộ trưởng cho hay.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Giáo dục Việt Nam cũng khuyến cáo về mặt trái của việc lạm dụng công nghệ thông tin.
"Một nghịch lý là chúng ta đang cố gắng tìm các giải pháp công nghệ để khiến robot có thể hành động suy nghĩ như con người, nhưng sự phát triển của công nghệ cũng có nguy cơ biến con người thành robot. Những vấn đề như sự thiếu hụt kỹ năng trong giao tiếp, sự vô cảm với cộng đồng, bạo lực học đường gia tăng cũng là một phần của hệ quả này. Đây là thách thức lớn của thời đại mà chúng ta cần quan tâm giải quyết”.
Trao đổi về giải pháp của Việt Nam để giải quyết thách thức nêu trên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, từ năm 2018, Việt Nam đã ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới dựa trên sự phát triển phẩm chất và năng lực của người học, hướng tới việc giúp học sinh có những kỹ năng cần thiết trong thế kỷ 21. Đồng thời, phát động mạnh mẽ chương trình "Trường học hạnh phúc” trên quy mô cả nước.
"Tôi muốn nhấn mạnh lại rằng, cho dù đổi mới công nghệ trong giáo dục sẽ mang lại những tiềm năng to lớn, công nghệ sẽ không thể thay thế được vai trò quan trọng của con người trong giáo dục. Điểm mấu chốt vẫn là chúng ta cần xây dựng môi trường học tập hạnh phúc mà ở đó công nghệ hỗ trợ người học, nuôi dưỡng yêu thương và thúc đẩy động lực học tập suốt đời”.
Nằm trong chuỗi các hoạt động của đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có các cuộc tiếp xúc song phương với Bộ trưởng Giáo dục Malaysia, Thái Lan; tham quan, tìm hiểu kinh nghiệm về mô hình giảng dạy và đào tạo và quản lý trường học tại một số cơ sở giáo dục của Malaysia.
Hội nghị Bộ trưởng giáo dục các nước Đông Nam Á lần thứ 50 diễn ta từ ngày 22-25/7, tại Kualalumpur, Malaysia. Tại hội nghị này, SEAMEO sẽ nhấn mạnh sự thay đổi của bức tranh toàn cảnh về giáo dục để hỗ trợ phát triển kinh tế và xã hội.
Hội nghị cũng tạo diễn đàn mở để thảo luận về định hướng chiến lược dựa trên bảy lĩnh vực ưu tiên của SEAMEO phù hợp với quan điểm và vấn đề của giáo dục quốc tế cộng đồng, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á.
Hội nghị cũng tìm kiếm sự hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực giáo dục giữa các nước Đông Nam Á và các nước ngoài khu vực. Các Bộ trưởng giáo dục sẽ thảo luận việc thiết lập các ưu tiên cho SEAMEO sau năm 2020 thông qua kế hoạch chiến lược SEAMEO 2021-2030. |
(Theo Dân Trí)