Trung tuần tháng 6, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Văn Chấn thụ lý giải quyết đơn xin ly hôn của chị Giàng Thị Chu, sinh năm 1995 với anh Cứ A Lồng, sinh năm 1996, đều thường trú ở thôn Ngã 2, xã Sùng Đô, Văn Chấn.
Theo lời chị Chu, dù chị và anh Lồng đã có với nhau 2 con nhưng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, chị phải đi kiếm việc làm ở Hà Nội để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, anh Lồng ở nhà không chịu làm ăn lại sử dụng ma túy, thường xuyên gọi chị về đánh, mắng. Phản bác lời của chị Chu, anh Lồng cho rằng mình không nghiện ma túy, việc đánh mắng vợ vì vợ bỏ nhà đi theo người đàn ông khác, không chịu chăm con.
Qua điều tra, xác minh của Tòa án, việc chị Chu đi làm ăn xa và thường xuyên bị chồng gọi về đánh mắng là có thật, còn anh Lồng chưa rõ có nghiện ma túy không. Trước thực trạng trên, Tòa án đã hòa giải, khuyên nhủ, mong vợ chồng anh Lồng, chị Chu nghĩ đến 2 đứa con thơ mà hòa hợp, tập trung phát triển kinh tế, tuy nhiên hai bên vẫn quyết tâm ly hôn.
Lao động xa nhà được xem là một trong những nguyên nhân phổ biến trong các vụ ly hôn gần đây ở Văn Chấn. Đáng chú ý là số vụ ly hôn ngày càng tăng cả về số vụ và độ tuổi ngày càng trẻ hóa. 6 tháng đầu năm nay, TAND huyện Văn Chấn đã thụ lý giải quyến gần 200 vụ ly hôn, tăng 27 vụ so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ ly hôn của các cặp vợ chồng trẻ tuổi chiếm trên 85%.
Cụ thể, ở xã Phù Nham, 6 tháng đầu năm đã tiếp nhận 10 đơn xin ly hôn. Mặc dù cấp ủy, chính quyền xã và ban hòa giải các thôn, bản đã triển khai nhiều giải pháp động viên các cặp vợ chồng hàn gắn vết thương, trở lại đoàn tụ nhưng hầu hết đều không thành.
Anh Lưu Minh Anh - cán bộ tư pháp xã Phù Nham chia sẻ: "Thực tế việc hòa giải rất khó vì hầu hết các vụ ly hôn liên quan đến lao động xa nhà, các cặp vợ chồng đã mất niềm tin với nhau nên có động viên họ về ở với nhau thì được một thời gian lại bất hòa. Nhiều lúc, các cặp vợ chồng đệ đơn thẳng lên TAND huyện xin giải quyết nhanh, không cần qua chính quyền cấp xã nên chúng tôi cũng khó nắm bắt được”.
Trao đổi với các thẩm phán TAND huyện Văn Chấn được biết, có đến 9/10 vụ ly hôn liên quan đến lao động xa nhà. Nguyên nhân sâu xa là do sự xa cách, thiếu gắn bó về mặt tình cảm. Quá trình lao động xa nhà cũng có trường hợp vợ hoặc chồng ở nhà không có việc làm lại nảy sinh thói hư, tật xấu. Cũng có trường hợp khác đi lao động xa nhà nhiễm thói hư, tật xấu của xã hội gây nên những rạn nứt trong quan hệ vợ chồng khó có thể hàn gắn được.
Đặc biệt, các đối tượng đang trong độ tuổi lao động là lứa tuổi rất nhạy cảm với những thay đổi nhưng lại thiếu bản lĩnh, thiếu những kỹ năng sống cần thiết khi bươn chải ngoài xã hội hoặc sống trong điều kiện thiếu thốn về mặt tình cảm.
Xem xét căn nguyên chủ yếu của các vụ ly hôn gần đây ở Văn Chấn để lại cho ngành chức năng và xã hội nhiều suy ngẫm, đặc biệt là trách nhiệm của gia đình và cộng đồng xã hội đối với việc hạn chế sự tan vỡ hôn nhân gia đình. Tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập là nhu cầu chính đáng của mỗi cá nhân, mỗi gia đình nhưng làm sao để việc nâng cao thu nhập góp phần xây đắp hạnh phúc, giúp các cặp vợ chồng có cuộc sống tốt đẹp là vấn đề đặt ra.
Giải bài toàn này cần có sự vào cuộc không chỉ của gia đình, cấp ủy, chính quyền địa phương mà phải toàn xã hội. Trước mắt, mỗi gia đình hãy trang bị cho con em mình kỹ năng sống, kỹ năng làm vợ, làm chồng, biết sẻ chia, hy sinh vì người khác và đặc biệt sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.
Cấp ủy, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện tốt Luật Hôn nhân và Gia đình; phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, người có uy tín trong cộng đồng trong việc vận động các cặp vợ chồng xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ.
Về lâu dài, cần tăng cường công tác giáo dục tạo môi trường sống lành mạnh để người lao động yên tâm lao động sản xuất; tạo việc làm tại chỗ cho lao động vừa giảm sức ép về nhà ở, giao thông, an ninh trật tự cho các khu công nghiệp, các tỉnh, thành phố lớn vừa giúp người lao động có điều kiện lao động sản xuất ổn định và phát triển kinh tế gia đình, địa phương.
Ngọc Sơn