HĐY các cấp duy trì hoạt động ổn định ở 9/9 huyện, thị, thành phố và 3 chi hội trực thuộc Tỉnh hội, với 121 hội, chi hội và 1.571 hội viên tham gia sinh hoạt... Hệ thống phòng chẩn trị lồng ghép tại cơ sở xã, phường là 47 phòng. Trong đó, 29 phòng chẩn trị tư nhân và 18 phòng chẩn trị của ông lang, bà mế lồng ghép tại trạm y tế đảm bảo y đức và Luật KCB…
Để phát huy tốt vị trí, vai trò của đông y trong công tác KCB, đặc biệt là việc thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 4/7/2008 của Ban Bí thư về "Phát triển nền đông y Việt Nam và HĐY Việt Nam trong tình hình mới”, ngành y tế tỉnh đã chủ động tham mưu, chỉ đạo, ban hành, hướng dẫn các văn bản về hoạt động KCB; tiến hành thẩm định cấp chứng chỉ hành nghề cho các cán bộ y tế, lương y, cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở KCB và phòng chẩn trị YHCT kịp thời…
Nhờ vậy, đến nay mạng lưới hoạt động về lĩnh vực YHCT đã phát triển rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở; các trung tâm y tế huyện và trạm y tế đều có hoạt động KCB bằng YHCT và vườn thuốc nam theo mẫu tại trạm. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, phát triển và bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật cho các hội viên, cán bộ y tế nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới luôn được quan tâm.
Các hoạt động KCB không ngừng được củng cố, phát huy kết hợp giữa YHCT với y học hiện đại đã đáp ứng phần nào nhu cầu của người dân... 6 tháng đầu năm, tổ chức Hội các cấp đã KCB bằng YHCT cho 149.544 lượt người, trong đó, 87.430 lượt người KCB tại các phòng chẩn trị tư nhân; 35.517 lượt người KCB tại các cơ sở ông lang, bà mế; KCB không dùng thuốc cho 12.671 lượt người; KCB miễn phí cho 1.223 lượt người… Các cấp hội không để xảy ra tai biến hay vi phạm trong hoạt động chuyên môn.
Cùng với hoạt động KCB, công tác phát triển nguồn dược liệu luôn được xác định là yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển nền đông y. Do đó, Hội luôn quan tâm, khuyến khích những gia đình hội viên có diện tích đất trồng để phát triển vườn thuốc nam, bảo tồn cây thuốc quý; đồng thời, phối hợp với các xã, phường, thị trấn xây dựng các vườn thuốc mẫu.
Từ đó, phong trào trồng cây thuốc nam được các cấp Hội hưởng ứng và thực hiện hiệu quả. Toàn tỉnh trồng mới và tu bổ được 543 vườn thuốc nam; 171 vườn thuốc nam được trồng mới và tu bổ tại các trạm y tế, trường học; 372 hộ gia đình có vườn thuốc nam…
Ngoài ra, có nhiều mô hình liên kết phối hợp trồng cây thuốc rất hiệu quả như: Công ty TNHH Dược phẩm Tuệ Linh trồng cây cà gai leo, quế, xả, húng quế, cỏ ngọt để sản xuất trà quế tại huyện Văn Yên; các huyện: Văn Chấn, Yên Bình, Trấn Yên và thị xã Nghĩa Lộ với mô hình trồng cây lá khôi, trồng nhàu... đem lại thu nhập cao góp phần cải thiện đời sống nhân dân cũng như đóng góp vào việc xây dựng nông thôn mới.
Bác sĩ Chuyên khoa I Trần Quốc Toàn - Phó Chủ tịch HĐY tỉnh cho biết: "Thời gian tới, Hội tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng KCB tại các đơn vị, cơ sở y tế các tuyến. Bên cạnh đó, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao y đức, trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, hội viên nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập các cơ sở KCB, sản xuất, kinh doanh thuốc đông y, phát triển vùng trồng cây dược liệu. Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao kiến thức, thực hành của người dân về hiệu quả, tác dụng của các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc, kết hợp y học hiện đại với YHCT trong hoạt động chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân”.
Trần Minh