Trước mắt sẽ bổ sung 3 vi chất vào sữa học đường

  • Cập nhật: Thứ năm, 5/9/2019 | 8:44:20 AM

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, vi chất sắt, canxi và vitamin D sẽ được bổ sung vào sữa học đường trước, và nghiên cứu các vi chất còn lại để thêm vào sau.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trước băn khoăn về việc ngày khai giảng năm học mới đã đến nhưng Thông tư quy định về sữa tươi chương trình Sữa học đường vẫn chưa được ban hành, trong khi đó đây là cơ sở pháp lý để các địa phương, trường học căn cứ thực hiện, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ vào chiều 4/9 đã giải đáp cụ thể.

Theo Thứ trưởng Sơn, chương trình Sữa học đường được Chính phủ phê duyệt ngày 8/7/2016 và sau 2 tháng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 5450 quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi trong Chương trình, sau đó Bộ Y tế đã gửi nhiều văn bản đến các địa phương để thực hiện Quyết định 5450. Cho đến hiện tại, đã có gần 20 tỉnh, thành phố đưa Chương trình Sữa học đường vào thực hiện, các tỉnh khó khăn như Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn vẫn dành một phần kinh phí của địa phương thực hiện chương trình.

"Cho đến nay, việc triển khai Quyết định 5450 đã có cơ sở để địa phương quan tâm, thực hiện Chương trình Sữa học đường dựa vào đó lựa chọn các loại sữa đảm bảo chất lượng cho Chương trình. Trong thời gian chờ đợi Thông tư ban hành, Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình", Thứ trưởng Sơn nói.

Về quá trình xây dựng Thông tư, từ 2017, Bộ Y tế đã giao các đơn vị chuẩn bị dự thảo ban hành Thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Sơn, quá trình này không thể làm ngắn gọn được vì liên quan đến việc bổ sung 21 vi chất theo đề nghị của Viện Dinh dưỡng. Việc bổ sung vi chất này đòi hỏi có cơ sở khoa học, nghiên cứu để đánh giá tác dụng của các loại vi chất này với sức khỏe của "lứa tuổi vàng" của dân tộc. Trải qua một thời gian lấy ý kiến, ngày 22/8/2019, Bộ Y tế đã làm việc với các doanh nghiệp sữa, Hiệp hội Dinh dưỡng, Hiệp hội Thực phẩm chức năng…

Bộ Y tế ủng hộ chủ trương bổ sung vi chất vào sữa học đường

Thứ trưởng Sơn truyền đạt lại quan điểm của Bộ trưởng Bộ Y tế như sau: "Bộ Y tế khi ban hành văn bản quản lý Nhà nước sẽ hướng đến quyền lợi của người dân, tính khoa học, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tính khả thi. Chương trình Sữa học đường phải mang lại tính an toàn, hiệu quả của sản phẩm.

Bộ Y tế ủng hộ chủ trương bổ sung vi chất vào sản phẩm sữa sử dụng trong Chương trình Sữa học đường và sẽ sớm ban hành Thông tư trong tháng 9/2019. Theo Thông tư này, sản phẩm sữa tươi có 2 loại được ưu tiên là sữa tươi nguyên chất tiệt trùng và sữa tươi tiệt trùng. Còn 2 nhóm sữa tươi thanh trùng không được lựa chọn bởi thời gian bảo quản không đảm bảo với khu vực vùng sâu vùng xa".

Về vi chất, Thứ trưởng Sơn khẳng định, Bộ Y tế đã giao Viện Dinh dưỡng có báo cáo cấp Bộ về vấn đề này. Nếu đến thời điểm ban hành Thông tư vẫn chưa có báo cáo, dữ liệu khoa học chứng nhận được tác động có lợi của 21 vi chất thì chúng tôi vẫn ban hành Thông tư, trước mắt bổ sung 3 vi chất nằm trong Quyết định 1300 của Thủ tướng là vi chất sắt, canxi và vitamin D, đồng thời tiếp tục giao Viện Dinh dưỡng nghiên cứu các vi chất còn lại để bổ sung vào sau.

"Bộ Y tế sẽ phối hợp với các bộ ngành, các ban của Quốc hội để tổng hợp, thống kê, đánh giá toàn bộ Chương trình Sữa học đường", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kết lại.

(Theo VTV)

Các tin khác
Với trẻ bước vào lớp 1, ngôi trường mới sẽ khiến các em ít nhiều cảm thấy bỡ ngỡ. Ảnh minh họa.

Sáng 5/9, hơn 24 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước khai giảng năm học mới 2019-2020

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải tập duyệt cho lễ khai giảng.

Hôm nay, ngày 5/9, gần 217.000 học sinh Yên Bái bước vào năm học mới. Phát huy kết quả vượt bậc của năm học trước, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Yên Bái đã sẵn sàng tất cả các điều kiện tốt nhất cho năm học 2019 - 2020, hứa hẹn một năm học nhiều thành công.

Ảnh minh họa.

Thủ đoạn phổ biến nhất là giả danh công an, cán bộ tòa án để dọa dẫm, bắt người dân chuyển tiền vào tài khoản.

Nhân dân huyện Trạm Tấu tu sửa đường giao thông nông thôn.

Hàng năm, Hội Nông dân huyện Trạm Tấu phối hợp với Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện tổ chức 250 lớp tập huấn và đào tạo nghề cho 8.500 lượt hội viên tham gia về: kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh, phòng chống rét cho gia súc, gia cầm...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục