Dẫn chúng tôi đi thăm quan nhà xưởng thực hành, ông Lê Anh Tuấn - Hiệu trưởng cho biết: "Nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho tỉnh và khu vực, phấn đấu tới năm 2020 trở thành trường nghề chất lượng cao, nhà trường đã được đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở mới với các hạng mục: giải phóng và san ủi tạo mặt bằng, xây dựng nhà lớp học lý thuyết, nhà xưởng thực hành, nhà làm việc của cán bộ, giáo viên, nhà đa năng, nhà ăn tập thể, ký túc xá, các công trình phụ trợ khác theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và mua sắm trang, thiết bị hiện đại đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, công nghệ mới của khu vực và quốc tế, đáp ứng quy mô đào tạo cho 5.000 học sinh, sinh viên trong tương lai.
Hiện nay, nhà trường đã hoàn thành các hạng mục được đầu tư của Dự án và đưa vào khai thác sử dụng hiệu quả. Trong đó, ưu tiên đầu tư cho các nghề trọng điểm: công nghệ ô tô, điện công nghiệp, gia công và thiết kế sản phẩm mộc, chế tạo thiết bị cơ khí và vận hành máy thi công nền... Đặc biệt, nhà trường quan tâm đến công tác tuyển sinh các hệ đào tạo, chú trọng đến tuyển sinh đối với các nghề trọng điểm”.
Để thực hiện Dự án hiệu quả, trước hết, đội ngũ phải bảo đảm chất lượng và số lượng. Hiện nay, nhà trường có 181 cán bộ, giáo viên, công nhân viên, trong đó cán bộ, giáo viên có trình độ đại học và trên đại học chiếm phần lớn. Với 14 phòng, khoa và 1 trung tâm đào tạo lái xe, nhà trường phát triển đào tạo các hệ chính quy: cao đẳng 9 nghề, trung cấp 17 nghề, sơ cấp 13 nghề thuộc các lĩnh vực: Điện, điện tử, điện lạnh, công nghệ thông tin, công nghệ ô tô…
Trước nhu cầu cấp bách hiện nay về đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương, nhà trường tập trung lãnh đạo và thực hiện 2 nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên làm nền tảng và đào tạo lao động kỹ thuật cao làm khâu đột phá; coi trọng nâng cao chất lượng chuẩn hoá cho đội ngũ giảng viên, nhằm xây dựng đội ngũ giảng viên dạy nghề theo hướng đảm bảo đủ số lượng, đồng bộ về cơ cấu, có trình độ năng lực, phẩm chất đáp ứng điều kiện mới.
Hàng năm, đội ngũ giáo viên bắt buộc phải thực hiện đan xen tổ chức dự giờ, bình giảng, hội giảng cấp khoa, cấp trường. Ngoài bồi dưỡng tại chỗ, rút kinh nghiệm thực tiễn từ giảng dạy, giáo viên nhà trường còn tham gia các chương trình tập huấn nâng cao trình độ do Tổng cục Dạy nghề tổ chức. Những năm gần đây, thực hiện chính sách hỗ trợ học phí, đảm bảo các chế độ khác, nhà trường đã khuyến khích giáo viên tham gia các khoá học nâng cao trình độ trên đại học.
Bên cạnh việc bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, nhà trường thường xuyên tổ chức nghiên cứu đổi mới nội dung, chương trình dạy nghề. Cán bộ, giáo viên luôn chủ động rà soát, điều chỉnh biên soạn lại các chương trình dạy nghề theo hướng gắn với thực tế môi trường lao động sản xuất, tiếp cận với kỹ thuật, công nghệ tiên tiến; liên thông giữa các trình độ đào tạo nghề phù hợp thực tiễn trên địa bàn tỉnh và hội nhập với quốc gia.
Song song với nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, trường đã liên kết với hệ thống các trường đại học đáp ứng nhu cầu cho học sinh, sinh viên hiện nay. Hàng năm, đã có trên 95% học sinh, sinh viên của nhà trường khi tốt nghiệp có việc làm tại các doanh nghiệp, trong và ngoài tỉnh và đủ điều kiện đi xuất khẩu lao động.
Ông Lê Anh Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm: "Định hướng phát triển của trường đến năm 2020 là tối thiểu trên 70% giáo viên, giảng viên có trình độ sau đại học, trong đó có 1 tiến sỹ; 100% giáo viên các nghề trọng điểm sử dụng tốt 1 ngoại ngữ phục vụ nghiên cứu, giảng dạy; mở rộng chuyên ngành đào tạo 10 nghề cao đẳng, 15 nghề trung cấp; quy mô đào tạo trình độ cao đẳng nghề là 250, trình độ trung cấp nghề 600, có ít nhất 2 lớp đào tạo thí điểm theo chương trình quốc tế; phấn đấu đào tạo 5.000 học sinh, sinh viên/năm các hệ…”.
Trần Minh