Ông Lâm Tuấn Khanh - Hiệu trưởng Trường TCDTNT Nghĩa Lộ cho biết: "Trường hiện có 48 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó có 40 biên chế (thiếu 3 biên chế so với chỉ tiêu giao); 3 hợp đồng theo Nghị định 68 và 5 hợp đồng lao động. Năm học 2019 - 2020, nhà trường được giao tuyển sinh và đào tạo 3.444 lượt học sinh, sinh viên, học viên, trong đó, trường đảm nhiệm 70 lớp với 2.528 lượt học sinh, học viên; liên kết, phối hợp 25 lớp với 916 học sinh, sinh viên, học viên. 6 tháng đầu năm, nhà trường đã đào tạo 72 lớp với 2.438 lượt học sinh, học viên và sinh viên, đạt 70% kế hoạch”.
Để có kết quả trên, nhà trường đã vượt qua nhiều khó khăn. Về cơ sở vật chất, hiện thiếu hệ thống sân chơi, bãi tập phục vụ hoạt động thể dục, thể thao; thiếu nhà ăn, phòng y tế trang thiết bị, phòng ở cho học sinh nội trú... Trường có 2 cơ sở đào tạo, nhưng số phòng học chỉ đáp ứng 60% yêu cầu, nhiều phòng học đã xuống cấp.
Về đội ngũ, nhà trường có 33 giáo viên dạy nghề và văn hóa THPT, đáp ứng được 80% (11.289/13.969 giờ) số giờ giảng, từ đó dẫn đến nhiều khó khăn về kinh phí, bố trí lịch học và đáp ứng tiến độ đào tạo… Không để những khó khăn ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo, ngay từ đầu năm, Trường TCDTNT Nghĩa Lộ đã triển khai nhiều giải pháp.
"Chúng tôi đã chuyển nhà công vụ của giáo viên để làm chỗ ở cho học sinh, đồng thời, cho học sinh học 2 ca, bố trí xen kẽ các phòng học, một số lớp phải học đan xen” - ông Lâm Tuấn Khanh - Hiệu trưởng cho biết. Bên cạnh những giải pháp đó, nhà trường hết sức quan tâm công tác truyền thông nên số tuyển sinh đều đạt và vượt chỉ tiêu giao.
Với phương châm: "Có thầy giỏi mới có trò giỏi”, nhà trường luôn quan tâm khuyến khích, tạo điều kiện cho giáo viên tham gia học nâng cao trình độ, tập huấn, bồi dưỡng và chuyển đổi; tham gia hội giảng, hội thi, nghiên cứu khoa học theo 4 tiêu chí: phẩm chất chính trị đạo đức - năng lực chuyên môn - nghiệp vụ sư phạm - khả năng nghiên cứu khoa học, do đó, 100% giáo viên đã được chuẩn hóa, trình độ ngày càng nâng lên.
Là trường chuyên biệt vừa đào tạo văn hóa và đào tạo nghề, trên 90% học sinh, học viên đang học là người dân tộc thiểu số, vì vậy, cùng với thực hiện đúng quy định về chính sách học bổng, chính sách miễn, giảm học phí và trợ cấp xã hội theo quy định, nhà trường còn thực hiện tốt để học sinh nội trú được đảm bảo chế độ dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm, y tế học đường, an ninh trật tự... 6 tháng đầu năm, đã có 1.860 lượt học sinh được hưởng chính sách học bổng với tổng số tiền trên 2,5 tỷ đồng; 2.816 lượt học sinh được hưởng chính sách miễn, giảm học phí với tổng kinh phí trên 1,5 tỷ đồng. Học sinh nhà trường còn được tham gia các hoạt động: trồng rau xanh, thể dục thể thao, văn nghệ, các hoạt động xã hội… để rèn kỹ năng sống.
Nổi bật trong công tác đào tạo thời gian qua là nhà trường đã làm tốt công tác phối hợp với các doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo, đánh giá chất lượng, tư vấn giới thiệu việc làm. Việc đưa nhiều học sinh, sinh viên đi thực tế nghề hàn, may thời trang… tại các doanh nghiệp ở Hà Nội, Bắc Ninh đã tạo cơ hội cho các em tìm được việc làm ngay sau khi ra trường. Qua khảo sát, khi tốt nghiệp, ngoài một số em học lên trình độ cao hơn, tỷ lệ đi làm đạt hệ trung cấp của trường những năm qua đạt trên 95%; có 90% học viên đào tạo nghề theo Đề án 1956 có việc làm phi nông nghiệp; trên 80% có việc làm hoặc tự tạo việc làm phát triển kinh tế gia đình đối với nghề nông nghiệp.
Phát huy những kết quả đã đạt được, tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của tỉnh và ngành Lao động - Thương binh - Xã hội trong tháo gỡ khó khăn về cơ sở vật chất và nhân lực, Trường TCDTNT Nghĩa Lộ tiếp tục tăng cường liên kết đào tạo nghề; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giảng dạy; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh; thực hiện tốt các chính sách học nghề đối với học sinh; trú trọng công tác tư vấn giới thiệu việc làm cho học sinh sau khi ra trường… để nhà trường này không chỉ hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đào tạo nghề mà từ ngôi trường này sẽ có thêm nhiều học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ văn hóa, tay nghề, có việc làm và thu nhập ổn định, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các địa phương.
Nguyễn Đình