Sự cố y khoa là điều khó tránh khỏi đối với hệ thống y tế ở bất kỳ quốc gia nào, kể cả những quốc gia có nền y học tiên tiến. Các thống kê trên thế giới cho thấy các sự cố y khoa thường gây hậu quả đối với bệnh nhân, nhẹ có thể làm kéo dài thời gian nằm viện, ảnh hưởng đến chức năng một số cơ quan trong cơ thể, nặng có thể gây mất chức năng vĩnh viễn hoặc dẫn đến tử vong.
Theo một số nghiên cứu, ở các nước phát triển, tỷ lệ sự cố y khoa chiếm khoảng từ 0,4 đến 16% số trường hợp nhập viện. Tại Mỹ, mỗi năm có khoảng 44.000 trường hợp tử vong do sự cố y khoa. Với các nước đang phát triển, tỷ lệ này sẽ còn cao hơn do những thiếu hụt về nhân lực có chất lượng, trang thiết bị thiếu thốn, trình độ quản lý còn hạn chế.
Ở Việt Nam không có số liệu thống kê sự cố y khoa cụ thể do nhiều nguyên nhân: sợ bị kiện, bị kỷ luật, bị đồng nghiệp và người bệnh đánh giá. Do vậy, nhiều nhân viên y tế và chính các cơ sở y tế thường giấu và sự việc chỉ được biết khi xảy ra các sự cố nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người bệnh.
Nhằm nâng cao nhận thức chung về vấn đề này, những năm qua, ngành Y tế Yên Bái luôn quan tâm, đặt vấn đề an toàn người bệnh lên hàng đầu, hàng năm luôn có văn bản nhắc nhở thực hiện công tác an toàn người bệnh và yêu cầu thông báo các sự cố y khoa, đặc biệt quan tâm các sự cố đã xảy ra chưa gây hậu quả hoặc sự cố suýt xảy ra là một phương pháp tốt để cải tiến các quy trình và cảnh báo các đồng nghiệp khác không bị mắc các lỗi tương tự.
Xác định rõ điều này, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái luôn đề cao vấn đề an toàn người bệnh, hàng năm cử hàng chục lượt cán bộ đi tập huấn về an toàn người bệnh đồng thời mời các chuyên gia hàng đầu trong nước cũng như quốc tế về bệnh viện để đào tạo, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm cho nhân viên y tế trong tỉnh Yên Bái.
Bên cạnh đó, Bệnh viện cũng liên tục cải tiến các quy trình như: quy trình nhận diện người bệnh, quy trình thực hiện an toàn phẫu thuật… Nhờ có các biện pháp này mà trong những năm gần đây hầu như không có sự cố y khoa nghiêm trọng nào xảy ra tại Bệnh viện.
Tuy nhiên, muốn thực hiện tốt an toàn người bệnh, ngoài nhân viên y tế còn cần có sự hợp tác của người bệnh. Một trong những phương pháp hạn chế nhầm lẫn là bất kỳ thực hiện một động tác nào, nhân viên y tế cũng cần hỏi lại người bệnh về tên tuổi, địa chỉ và các vấn đề liên quan. Điều đó thực tế đã giúp hạn chế khá nhiều sự cố.
Ví dụ, ngày 18/10/2019, bệnh nhân Lê Huy T - 49 tuổi ở xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên nhập viện tại Bệnh viện Đa khao tỉnh, được chẩn đoán gãy cổ xương cánh tay trái do ngã và có chỉ định kết hợp xương. Bệnh nhân lên phòng mổ được kiểm tra đầy đủ hồ sơ bệnh án, đánh dấu vị trí mổ nhưng khi hỏi về tiền sử bệnh viêm gan thì bệnh nhân bảo chưa được làm xét nghiệm. Ngay lập tức, bệnh nhân được tạm dừng trong 30 phút để lấy máu kiểm tra xem có các bệnh lây truyền không nhằm ca mổ được thực hiện an toàn, phòng ngừa cả khả năng lây nhiễm cho người nhà và nhân viên y tế. Sau 30 phút có kết quả xét nghiệm âm tính về các bệnh lây nhiễm, ca mổ đã được thực hiện với kết quả tốt.
Đặt ra vấn đề sự cố y khoa và áp dụng quy trình rà soát giúp tránh sự cố không mong muốn trước hết cho người bệnh và sau đó là nhân viên y tế nhằm nâng cao chất lượng điều tri, an toàn người bệnh, các đơn vị y tế đặc biệt phải luôn quan tâm đến thực hiện quy trình tránh sai sót, đồng thời người nhà nên có hiểu biết đúng đắn về an toàn người bệnh và có thái độ hợp tác, đừng thấy nhân viên y tế hỏi nhiều về các thông tin cơ bản của mình mà thấy bị làm phiền và khó chịu vì sự cố y khoa có thể xảy đến bất cứ ai.
Bác sĩ Diêm Sơn - Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái