Được học tập, hướng dẫn về an toàn giao thông nên ngày nào đi học bé Vũ Cát Tường - học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái cũng nhớ đội mũ bảo hiểm, bé bảo nếu không đội mũ bảo hiểm là vi phạm pháp luật, nguy hiểm tính mạng khi tham gia giao thông.
Chị Liên mẹ bé chia sẻ: "Nhiều hôm do vội, nhà lại gần trường, tôi bảo không phải đội nhưng cháu nhất quyết không đồng ý. Em bé nhất nhà mà như thế, nên cả nhà tôi không ai là không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy”.
Cũng như các đơn vị trường học trong tỉnh, ngay từ đầu năm học, Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học đã xây dựng kế hoạch PBGDPL và triển khai thực hiện nghiêm túc; các văn bản quy phạm pháp luật mới đều được các nhà trường phổ biến kịp thời đến giáo viên, học sinh.
Cùng với đó, nhà trường còn lồng ghép trong các tiết học, giờ hoạt động ngoại khóa và cả phổ biến tới phụ huynh học sinh trong các buổi họp phụ huynh. Từ đó, 100% học sinh nhà trường không vi phạm quy định về an toàn giao thông.
Những năm qua, ý thức về tầm quan trọng của công tác công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho học sinh, ngành giáo dục đã đưa nội dung này vào chương trình chính khóa ở cả ba cấp học.
Ngoài lồng ghép vào một số bộ môn khác, các nội dung liên quan đến pháp luật được thể hiện rõ nhất ở môn Đạo đức và môn Giáo dục công dân. Nhiều trường học sinh còn được tiếp cận với các vấn đề pháp luật thông qua môn Giáo dục kỹ năng sống.
Đối với học sinh bậc THPT, các kiến thức pháp luật quan trọng, gần gũi với cuộc sống được đưa vào chương trình môn Giáo dục công dân. Trong đó, nội dung cơ bản giúp các em hiểu và nhận thức rõ về pháp luật và đời sống, pháp luật với sự phát triển của đất nước, công dân với các quyền tự do cơ bản...
Nhiều hoạt động PBGDPL hiệu quả đã được các nhà trường tổ chức như các buổi hoạt động ngoại khóa phù hợp với từng cấp học với nội dung pháp luật về an toàn giao thông; phòng chống ma túy, mại dâm; bảo vệ môi trường; phòng chống bạo lực học đường…
Chính những hoạt động thiết thực này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các bậc phụ huynh và dư luận xã hội, góp phần quan trọng giảm thiểu tai nạn giao thông và xây dựng thành công mô hình "Nhà trường không ma túy”...
Nhiều đơn vị trường học đã linh hoạt, sáng tạo lựa chọn nội dung hoạt động phù hợp với thực tiễn như: Thi viết bài tìm hiểu về Luật Giao thông đường bộ; Luật Phòng, chống ma túy; thi vẽ tranh đả kích thói hư tật xấu trong trường học; tổ chức các cuộc thi làm báo tường với chủ đề "An toàn giao thông” hoặc lồng ghép vào các chương trình văn nghệ, thể dục thể thao… thu hút đông đảo học sinh tham gia.
Qua mỗi cuộc thi, các em không chỉ thể hiện được nhận thức đúng đắn mà còn đề ra được những phương pháp phù hợp, giúp công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong nhà trường ngày càng sát thực và hiệu quả. Hoạt động PBGDPL đã tác động lớn tới việc giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, nâng cao sự hiểu biết pháp luật và ý thức trách nhiệm của cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên.
Nhận thức pháp lý của giáo viên và học sinh nâng lên, tình trạng vi phạm pháp luật trong trường học và vi phạm pháp luật của học sinh ngày càng giảm. Học sinh có trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và xã hội, quan tâm hơn tới những vẫn đề như: bảo vệ môi trường, phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội, giữ gìn trật tự an ninh, an toàn xã hội.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tuyên truyền, PBGDPL trong các nhà trường, Sở GD&ĐT rất cần sự phối hợp của các sở, ngành liên quan trong việc PBGDPL trong đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh, sinh viên để đưa ra nhiều hình thức tuyên truyền mới, đa dạng, hiệu quả hơn.
Thanh Vy