Những năm qua, việc xây dựng các TCCSĐ và đội ngũ đảng viên luôn được Đảng bộ tỉnh Yên Bái quan tâm thực hiện, coi đây là nhiệm vụ chính trị then chốt, là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của địa phương.
Hàng năm, Đảng bộ tỉnh không ngừng củng cố, kiện toàn hệ thống TCCSĐ, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Tính đến năm 2024, Đảng bộ tỉnh có 12 đảng bộ trực thuộc, 456 TCCSĐ, 2.924 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở với 62.739 đảng viên. Nhiều TCCSĐ đã trở thành điểm sáng trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Điển hình như Đảng bộ xã Xuân Ái, huyện Văn Yên đã tiên phong triển khai mô hình sản xuất quế hữu cơ, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân; Đảng bộ xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên tiên phong lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế gắn với du lịch cộng đồng, hàng năm thu hút hàng nghìn du khách, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhân dân.
Một trong những điểm nhấn nổi bật của công tác xây dựng TCCSĐ là đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực hoạt động. Tỉnh ủy đã chỉ đạo đổi mới nội dung sinh hoạt chi bộ, bảo đảm thực chất, hiệu quả, tránh hình thức. Công tác kiểm tra, giám sát TCCSĐ được thực hiện chặt chẽ, thường xuyên, trên tất cả các lĩnh vực, các ngành, không có "vùng cấm”, không có "ngoại lệ” và thực hiện công khai, dân chủ, khách quan, thận trọng theo đúng nguyên tắc, phương pháp công tác Đảng.
Năm 2024, cấp ủy các cấp đã giám sát định kỳ 300 tổ chức đảng, 1.457 đảng viên (948 cấp ủy viên); kiểm tra định kỳ 493 tổ chức đảng, 3.404 đảng viên (1.691 cấp ủy viên). Ủy ban kiểm tra các cấp giám sát chuyên đề 284 tổ chức đảng và 577 đảng viên; kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 11 tổ chức đảng, 55 đảng viên… Qua đó, kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa những suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức của cán bộ, đảng viên; góp phần giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong Đảng.
Đi đôi với tăng cường củng cố, xây dựng TCCSĐ, Đảng bộ tỉnh đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ đảng viên đủ phẩm chất, năng lực. Công tác phát triển đảng viên thực hiện thận trọng, bảo đảm chất lượng, không chạy theo số lượng.
Để đội ngũ đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng và có khả năng vận dụng linh hoạt vào thực tiễn, hàng năm, Đảng bộ tỉnh đều tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ cho đảng viên; có nhiều sáng tạo trong việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đảng viên thông qua đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Chương trình "Ngày cuối tuần cùng dân”…
Nhiều đảng viên trẻ đã trở thành những tấm gương sáng về lòng tận tụy, ý chí phấn đấu, tinh thần phục vụ nhân dân và tham gia các phong trào sản xuất, phát triển kinh tế, giúp đỡ nhân dân xóa đói giảm nghèo.
Điển hình như đồng chí Hờ A Trừ - Bí thư Chi bộ thôn Làng Mảnh, xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn đi đầu trồng 5 ha quế, 2 ha chè Shan tuyết, gieo cấy 5.000 m2 lúa nước, nhiều loại cây ăn quả, rau màu. Đồng chí cũng tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân khai hoang thành công hơn 20 ha ruộng nước, trồng 22 ha quế, 15 ha chè Shan tuyết, hàng chục nghìn mét vuông cây thảo quả, sa nhân, góp phần giảm 50% số hộ nghèo của thôn.
Đoàn kết, đổi mới và sáng tạo, Đảng bộ tỉnh đã và đang nỗ lực xây dựng hệ thống TCCSĐ và đội ngũ đảng viên thật sự là các "tế bào” vững mạnh của Đảng. Tuy nhiên, trước những thách thức của thời kỳ mới, thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm là "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới”, Đảng bộ tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của TCCSĐ và đảng viên.
Hồng Oanh