Để đạt mục tiêu 100% hộ gia đình làm du lịch cộng đồng được tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện xây dựng các mô hình học tập, trong đó 95% hộ gia đình trở lên được công nhận danh hiệu "Gia đình học tập”; các hộ gia đình xây dựng Quỹ khuyến học qua "Nuôi lợn nhựa khuyến học”; 100% hộ gia đình có tủ sách khuyến học với 20 đầu sách, báo trở lên; mỗi hộ có ít nhất 1 thành viên tham gia lớp học ngoại ngữ, biết sử dụng ngoại ngữ trong giao tiếp với khách nước ngoài và có ít nhất 1 hội viên khuyến học làm hướng dẫn viên du lịch cộng đồng, biết cách chế biến các món ăn địa phương đậm đà bản sắc...
HKH thị xã đã tham mưu giúp UBND thị xã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các xã, phường tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch; tuyên truyền tới các hộ gia đình về mục đích, ý nghĩa, nội dung của việc "học tập suốt đời” và xây dựng các mô hình học tập, gắn với các hoạt động về du lịch cộng đồng của địa phương; phân công nhiệm vụ cho các đơn vị, ngành, trường học và UBND hai xã Nghĩa An, Nghĩa Lợi thực hiện...
Qua khảo sát, Hội đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức được 7 lớp tập huấn, bồi dưỡng, tọa đàm, trao đổi về kỹ năng giao tiếp, chế biến các món ăn, quảng bá du lịch, xây dựng làng nghề… cho các hộ gia đình làm du lịch cộng đồng. Hỗ trợ tủ sách, tài liệu, bảng tiêu chí gia đình học tập, "Lợn tiết kiệm khuyến học”; tổ chức tọa đàm về thói quen đọc sách trong gia đình, nhà trường, xã hội.
Đồng thời, tổ chức bồi dưỡng kiến thức về văn hóa, lịch sử của Nghĩa Lộ - Mường Lò - Yên Bái cho các đội văn nghệ phục vụ tại các gia đình làm du lịch cộng đồng, hiểu được ý nghĩa các điệu xòe cổ, biết biểu diễn, giao tiếp với khách du lịch và biết khắp Thái…
Tại 2 bản văn hóa Chao Hạ 1 và Sà Rèn của xã Nghĩa Lợi, các gia đình còn được hướng dẫn bảo tồn trang phục, nhà ở, tiếng nói và chữ viết của người Thái; giữ gìn các phong tục, tập quán, lễ hội, bảo đảm vệ sinh môi trường. Đối với cộng đồng tại địa phương, nhất là đội ngũ giáo viên, học sinh trong các nhà trường biết múa xòe Thái; tham gia các lớp đào tạo nghề phục vụ phát triển du lịch như: dệt, may truyền thống, đan lát, nấu ăn...
Từ sự quan tâm chỉ đạo của HKH tỉnh, của cấp ủy, chính quyền thị xã, sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị, nhất là sự cố gắng của các gia đình, mô hình "khuyến học gắn với du lịch cộng đồng” đã đạt được những kết quả tốt.
Ông Vũ Đình Xuất - Phó Chủ tịch HKH thị xã cho biết: "Nếu năm 2018, thị xã mới có 12 hộ tham gia triển khai, thì năm 2019 đã tăng lên 20 hộ. Mỗi hộ đều có "Tủ sách khuyến học” từ 70 đầu sách trở lên, có quỹ khuyến học hàng năm đạt từ 25 triệu đồng trở lên, đặc biệt có hộ quỹ khuyến học đạt 100 triệu đồng. Mô hình, không chỉ giúp kết quả học tập của con cháu trong các gia đình được nâng lên, 100% hộ gia đình đều được công nhận "Gia đình học tập”, trong đó 40% số hộ là xuất sắc tiêu biểu, điển hình như gia đình ông Lường Thạch Cương, bản Đêu 2, xã Nghĩa An; bà Hoàng Thị Loan, bản Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi... Các mô hình còn là nơi người dân đến đọc sách, báo, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, nắm bắt thông tin chăm sóc sức khỏe, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa, là địa chỉ để học sinh các trường THCS đến trải nghiệm thực tế, gắn học đi đôi với hành và định hướng nghề nghiệp”.
Trình độ, kiến thức nhất là trình độ về du lịch qua khuyến học đã giúp các hộ làm du lịch cộng đồng phát huy hiệu quả, thu hút ngày càng đông du khách đến với Nghĩa Lộ, từ đó góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trung bình mỗi tháng các hộ làm du lịch đón hàng trăm lượt khách trong và ngoài nước, thu nhập từ 50 triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng/năm, đặc biệt gia đình bà Hoàng Thị Phượng, xã Nghĩa An có thu nhập gần 160 triệu đồng/năm. Năm 2018, xã Nghĩa Lợi và Nghĩa An đón gần 20.000 lượt khách trong đó có 15.000 lượt du khách người nước ngoài.
Dự kiến năm 2019, hai xã sẽ đón và phục vụ hơn 22.000 lượt khách. Không những vậy, mô hình "khuyến học gắn với du lịch cộng đồng” đã góp phần xóa bỏ các hủ tục lạc hậu của đồng bào Thái trong ma chay, cưới xin, tảo hôn, giúp việc chi tiêu của các gia đình khoa học hơn. Người dân có ý thức giữ gìn cảnh quan, đường làng ngõ xóm phong quang, sạch sẽ; biết giữ gìn bản sắc qua nếp nhà sàn, phong tục tập quán, lễ hội, các trò chơi dân gian. Đặc biệt, hầu hết phụ nữ và trẻ em người Thái yêu thích mặc trang phục truyền thống váy, áo cỏm…
Những yếu tố trên là nguyên nhân quan trọng góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng thị xã Nghĩa Lộ thành thị xã văn hóa - du lịch.
Hiệu quả từ mô hình "khuyến học gắn với du lịch cộng đồng” tại thị xã Nghĩa Lộ quả là đáng để nhiều nơi học tập.
Nguyễn Đình