Từ đầu năm đến nay, các chỉ tiêu cụ thể đã đạt và vượt so với cùng kỳ. Trong đó, đặt vòng 2.189/3.600 ca, đạt 60,8% kế hoạch; thuốc tiêm 2.924/1.200, vượt 243,6% kế hoạch; sử dụng bao cao su đạt 91,6%; khám phụ khoa 1.136 ca, điều trị phụ khoa 447 ca; 85,3% phụ nữ đẻ được nhân viên y tế qua đào tạo đỡ; 92,4% bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc sau sinh...
Công tác truyền thông, giáo dục, vận động thay đổi hành vi được đẩy mạnh về số lượng và chất lượng, góp phần làm chuyển biến nhận thức và hành vi của cán bộ, đảng viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về thực hiện chính sách DS/KHHGĐ; các chế độ, chính sách đối với người thực hiện tốt công tác DS/KHHGĐ được thực hiện đầy đủ.
Để có được những kết quả tích cực trong công tác DS/KHHGĐ trên địa bàn tỉnh phải kể đến sự vào cuộc quyết tâm, công tác lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến xã, phường. Xác định làm tốt công tác DS/KHHGĐ sẽ góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng ở địa phương nên ngay từ đầu năm, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, chương trình, kế hoạch chuyên đề về công tác DS/KHHGĐ năm 2019.
Trên cơ sở đó, Chi cục DS/KHHGĐ đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả các dự án, mô hình của chương trình mục tiêu quốc gia về DS/KHHGĐ. Đồng thời, thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, có trọng tâm, trọng điểm việc kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện công tác DS/KHHGĐ tại 9/9 huyện, thị, thành phố và các xã, phường, thị trấn.
Mặt khác, các thành viên Ban Chỉ đạo công tác DS/KHHGĐ tỉnh đã thực hiện lồng ghép chương trình công tác DS/KHHGĐ vào chương trình công tác của đơn vị, của ngành; đồng thời, đưa tiêu chí thực hiện chính sách DS/KHHGĐ thành một trong những chỉ tiêu để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu thi đua, xếp loại, khen thưởng.
Song song với đó, hoạt động của các dự án "Tầm soát dị tật bẩm sinh và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh”, "Can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, "Can thiệp giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh” đã được tập trung triển khai đẩy mạnh. Chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh đã thực hiện 1.054 ca sàng lọc trước sinh (bằng siêu âm) đạt 116% kế hoạch.
Đối với can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tại các địa bàn đã triển khai mô hình theo đề án hỗ trợ tại 24 xã của huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu. Do đó, tình trạng này đã có giảm rõ rệt, huyện Trạm Tấu chỉ còn 260 cặp kết hôn, trong đó 52 cặp tảo hôn, chiếm 20%, không có trường hợp kết hôn cận huyết thống. Huyện Mù Cang Chải còn 158 cặp kết hôn, 14 cặp tảo hôn.
Về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, tiếp tục duy trì mô hình can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tại 9/9 huyện, thị xã, thành phố với 126/180 xã, phường, thị trấn đã mang lại hiệu quả, 9 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 8.452 trẻ sinh, trong đó, 4.505 trẻ sinh ra là nam, 3.947 trẻ là nữ.
Ông Lê Quang Lộc - Chi cục trưởng Chi Cục DS/KHHGĐ cho biết: "Trong thời gian tới, cần huy động sức mạnh tổng hợp, bố trí mọi nguồn lực, tăng cường quản lý nhà nước đối với công tác DS/KHHGĐ; tăng cường sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền trong chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các chỉ tiêu DS/KHHGĐ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục trong toàn xã hội về DS/KHHGĐ gắn với các phong trào thi đua, các cuộc vận động; cung cấp các gói dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản đến các đối tượng có nhu cầu, nhất là những chị em thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa. Mặt khác, tiếp tục nâng cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện chính sách dân số, từng bước góp phần ổn định dân số, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.
Minh Tuấn