Vụ xuân năm 2011, mô hình dân vận khéo (DVK) "Vận động nhân dân chuyển đổi đất trồng lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô 2 vụ” được thực hiện ban đầu ở 7 hộ dân xã Trạm Tấu với tổng diện tích 2 ha.
Đây là mô hình chuyển đổi đầu tiên ở xã nên cấp ủy, chính quyền xã Trạm Tấu đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể trong tuyên truyền, vận động, trong đó, tập trung nêu cao trách nhiệm, vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.
Kết thúc mô hình, hiệu quả kinh tế được thể hiện rõ ràng như là minh chứng cho quá trình "mưa dầm thấm lâu” của cán bộ, nhân dân xã Trạm Tấu. Nếu trước kia chỉ sản xuất lúa nương 1 vụ, trừ chi phí chỉ đạt 8,1 triệu đồng thì trồng ngô thâm canh 2 vụ trừ chi phí đạt 53,8 triệu đồng.
Từ thành công của mô hình điểm này, mô hình được nhân rộng lên 70 ha tại xã Pá Hu vào ngay vụ hè thu sau đó. Vụ ấy, 70 ha cho sản lượng 161 tấn ngô hạt, năng suất bình quân đạt 2,3 tấn/ha. Tiếp đó, mô hình thâm canh ngô lai trên chân ruộng hạn tại 10 hộ ở xã Pá Hu được thực hiện, cho thu nhập 26,4 triệu đồng/ha - đây là nguồn thu nhập ngoài 1 vụ lúa.
Từ đó đến nay, các mô hình này đã được nhân rộng không chỉ trên địa bàn xã mà còn cả toàn huyện. Hiệu quả của những mô hình DVK đã làm thay đổi nhận thức người dân trong việc chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, tận dụng được các nguồn đất đai đang sử dụng chưa hợp lý, thiếu hiệu quả, tăng thu nhập, xóa bỏ tập quán sản xuất tự cung tự cấp, góp phần hình thành nền sản xuất hàng hóa.
Ngoài ra, huyện còn chú trọng tăng diện tích trồng cây bản địa vừa có giá trị kinh tế cao, vừa có giá trị bảo vệ rừng bằng việc xây dựng mô hình DVK. Và mô hình vận động đoàn viên thanh niên và bà con nông dân 4 xã: Xà Hồ, Bản Công, Bản Mù, Tà Xi Láng trồng 150 ha cây sơn tra dưới tán rừng phòng hộ của Huyện đoàn Trạm Tấu là một ví dụ điển hình.
Việc triển khai phong trào thi đua DVK còn được gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, từ đó, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng các mô hình DVK ở nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như: mô hình DVK về vận động học sinh trong độ tuổi đến trường tại xã Làng Nhì đã gia tăng tỷ lệ chuyên cần lên 93,3% đối với tiểu học và 91,9% đối với trung học cơ sở; mô hình kho thóc khuyến học giúp đỡ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập; mô hình vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa mới.
Qua nhiều năm tuyên truyền, vận động kết hợp với thực hiện tốt hương ước, quy ước thôn bản, đến nay, các hủ tục đã giảm rõ rệt, người dân đã thực hiện chăn nuôi gia súc, gia cầm có chuồng trại, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh…
Các mô hình DVK còn được triển khai đa dạng trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh góp phần nâng cao ý thức cảnh giác của nhân dân đối với các thế lực thù địch và tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự xã hội ở địa phương.
Ông Giàng A Lử - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Trạm Tấu cho biết: "Năm 2009, Ban Dân vận Trung ương phát động phong trào thi đua xây dựng mô hình, điển hình "Dân vận khéo”. Từ đó đến nay, công tác dân vận đã được nhận thức đúng vị trí, vai trò, nhận được sự quan tâm từ các cấp, các ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương. Nếu như năm 2009, toàn huyện xây dựng được 13 mô hình DVK ở các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị thì đến năm 2019, huyện đã xây dựng được 65 mô hình và 130 công trình theo Chương trình 144 của Tỉnh ủy.
Việc xây dựng các mô hình DVK, các điển hình tiên tiến đã mang lại hiệu quả thiết thực. Đây là tấm gương để người dân noi theo và cũng là căn cứ, tiền đề để nhân ra diện rộng, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội”.
Hoài Anh